27 thg 3, 2013

C.A sử dụng vũ khí quân dụng sai nguyên tắc, Bắn người vô lý

Nổ súng tiểu liên AR-15 do Anh Phạm Ngọc Sơn với các vết thương bị đánh. Ảnh: L.Đ.Dũng

Tiếp vụ công an xã, dân quân bị tố nổ súng, hành hung người trong đêm:

Nổ súng tiểu liên AR-15 do "bắt lỗi vi phạm an toàn giao thông..."

(LĐO) - Thứ hai 25/03/2013 19:00
Súng được sử dụng trong "vụ công an xã, dân quân bị tố nổ súng, hành hung người trong đêm" được xác định là súng AR-15 (tiểu liên AR-15 của Mỹ được sử dụng cho bộ binh và nay trang bị cho dân quân cấp xã, phường).
Diễn tiến theo vụ việc công an, dân quân xã Trà Đa bắn súng và hành hung người của Cty Cường Thịnh Phát (TP.Pleiku, Gia Lai), các cơ quan chức năng đã xác định, khẩu súng được sử dụng tại hiện trường là súng AR-15 (tiểu liên AR-15 của Mỹ được sử dụng cho bộ binh và nay trang bị cho dân quân cấp xã, phường).

Tại hiện trường, một viên đạn đã bị bắn ra và theo tường trình của Xã đội trưởng xã Trà Đa là do bắt lỗi vi phạm an toàn giao thông.

Ngày 25.3, trung tá Lê Trọng Thủy - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai - cho hay: Chúng tôi đã xuống hiện trường và nắm sơ qua vụ việc tại nhà máy Cty Cường Thịnh Phát. Vụ nổ súng cũng đã được đồng chí Xã đội trưởng xã Trà Đa Nguyễn Thanh Lương báo cáo lên là do bắt lỗi vi phạm an toàn giao thông và có chống người thi hành công vụ.
Vỏ đạn súng AR-15 trước phòng bảo vệ Cty Cường Thịnh Phát. Ảnh: L.Đ.Dũng
Theo đó, trong rạng sáng ngày 21.3, 5 đồng chí dân quân do Xã đội trưởng Nguyễn Thanh Lương và 4 đồng chí công an viên do Phó công an xã Trà Đa Trương Công Thành đã ập vào khu vực nhà máy Cty Cường Thịnh Phát.

Theo báo cáo của đương sự lên Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Pleiku thì khi thấy những người trong khu vực Cty vào phòng bảo vệ lấy rựa thì Xã đội trưởng Lương tức tốc về trụ sở, cùng Xã đội phó Nguyễn Văn Quyền mở kho lấy một khẩu AR- 15 (dùng để chống bạo động và xử lý những tình huống nguy cấp). Qua kiểm tra và lời khai của ông Lương thì đúng đã có một viên đạn được bắn ra.
Theo đúng quy trình, việc xuất súng khỏi kho phải có biên bản của hai đồng chí xã đội phó và xã đội trưởng. Đồng thời, xã đội trưởng phải có báo cáo lên bộ chỉ huy và phải có lệnh từ bộ chỉ huy. “Trong sự việc vừa qua, đồng chí Lương không báo cáo khi sự việc xảy ra và tôi cũng chưa ra lệnh” - trung tá Lê Trọng Thủy cho hay.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra tủ súng, quá trình sử dụng súng đồng thời nhắc nhở đồng chí Lương. Khi nào có kết luận cụ thể từ phía công an điều tra thì chúng tôi sẽ có những biện pháp giải quyết sự việc cụ thể” - trung tá Lê Trọng Thủy cho hay.
Công an TP.Pleiku khám nghiệm hiện trường. Ảnh: L.Đ.Dũng
Còn ông Hồ Lý Thuyết - Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa - cho biết: “Theo nguyên tắc sử dụng súng quân dụng, người sử dụng phải bắn chỉ thiên cảnh cáo chứ bắn thẳng là không được, chắc khi nó dùng (Xã đội trưởng Lương- PV) tay chân loạng choạng làm sao ấy”.

Ông Thuyết cũng cho hay, việc vào nhà, xí nghiệp cá nhân thì phải có lệnh của CATP hay Viện Kiểm sát Nhân dân. Trong lúc đó, về công cụ hỗ trợ, hai đội tuần tra gồm công an và dân quân tối hôm đó cũng đã được trang bị công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn caosu (do Phó công an xã Trương Công Thành sử dụng), gậy…
Về nguyên nhân xảy ra vụ nổ súng và gây gổ khiến 2 nhân viên Cty Cường Thịnh Phát bị trọng thương, ông Thuyết cũng cho hay: Cái đó là do (CA, dân quân) phát hiện đối tượng (không đội mũ bảo hiểm) chạy thẳng vào đó (Cty Cường Thịnh Phát - PV)! Trao đổi về việc hai lực lượng của xã xô xát ngay trong tư gia của Cty Cường Thịnh Phát, ông Thuyết cũng cho rằng: Thường người ta nói theo luật là “bất khả xâm phạm”, vào nhà người ta thì phải có ý kiến cấp trên; nhưng cái đó không thuộc thẩm quyền của xã mà phải cấp trên.
Theo luật là “bất khả xâm phạm”, vào nhà người ta thì phải có ý kiến cấp trên- ông Hồ Lý Thuyết (bìa phải) cho hay.
Về việc Cty Cường Thịnh Phát phản ánh họ không được bảo lãnh, dù hai nhân viên này đang trong tình trạng đa chấn thương và chảy nhiều máu, nhưng vẫn không được công an xã giải quyết kịp thời.

Ông Thuyết cũng cho rằng nếu như thế thì không được, người ta có danh tính rõ ràng và bảo lãnh thì phải ưu tiên giải quyết cho việc cấp cứu kịp thời.
 Công an, dân quân xã bị tố nổ súng, đánh người dã man trong đêm Nạn nhân Thắng tại BVĐK tỉnh Gia Lai vào rạng sáng nay. Ảnh: L.Đ.Dũng

Công an, dân quân xã bị tố nổ súng, đánh người dã man trong đêm

(LĐO) - Thứ năm 21/03/2013 17:51
Ngày 21.3, lãnh đạo Cty TNHH MTV Cường Thịnh Phát  (đóng tại KCN Trà Đa, xã Trà Đa, TP.Pleiku, Gia Lai) đã có khiếu nại tới Báo Lao Động về vụ việc hai nhân viên của Cty này bị công an xã Trà Đa đánh trọng thương trong đêm, nổ súng uy hiếp lãnh đạo Cty.

Nạn nhân Sơn. Ảnh: L.Đ.Dũng
Theo trình báo, khoảng 0h20 phút ngày 21.3, hai nhân viên của Cty là anh Trần Xuân Thắng và Lê Đình Kết điều khiển môtô BKS 79H5-9790 nhưng không đội mũ bảo hiểm, đang trên đường đi chơi từ trung tâm TP.Pleiku về nhà máy chế biến.

Đến đoạn đường trước UBND xã Trà Đa thì họ gặp một dân quân tự vệ xã, nhưng dân quân tự vệ này không ra dấu hiệu dừng xe mà gọi điện cho tổ CA xã đang tuần tra đoạn đường từ ngã ba Biển Hồ hướng về UBND xã Trà Đa.

Về tới nhà máy, Thắng và Kết gọi bảo vệ là anh Phạm Ngọc Sơn đang ngủ dậy để mở cửa. Lúc Sơn mở cửa, Thắng và Kết nói có người đang rượt đuổi, Sơn tưởng là cướp nên chạy vào phòng bảo vệ vác cây rựa phát rừng để tự vệ.
Ông Trần Xuân Cường diễn tả lại việc ông này bị ông phó CA xã gí súng. Ảnh: L.Đ.Dũng
Tuy nhiên, khi phát hiện nhóm người ập vào là công an phường, Thắng cùng Kết, Sơn bỏ chạy vào khu vực sản xuất. Công an tiếp tục ập vào nhà máy trong đêm khuya mà không có giấy tờ khám xét.
Phòng bảo vệ của Cty này bị vỡ tan hoang - dấu vết của sự đập phá. Ảnh: L.Đ.Dũng
Cùng lúc, ông Trần Xuân Cường - Phó GĐ Cty - thấy ồn ào nên đã cùng toàn bộ nhân viên Cty đến hỏi thăm sự việc. Công an nói có 3 tội phạm đang trốn vào đây. Xác định 3 người là nhân viên Cty nên ông Cường nói với CA xã là nếu nhân viên có vi phạm Luật Giao thông thì CA dẫn xe về xã, ngày mai nhân viên Cty sẽ lên xã giải trình sự việc.
Theo đơn trình báo của ông Cường, lúc xe bị dắt đi, phó CA xã tên là Thành đi tới, rút súng ngắn ra hỏi: “Tụi bay muốn gì?”. Tiếp theo, một người cầm cây súng dài đã lên đạn sẵn chĩa thẳng vào những người của Cty, hỏi tiếp: “Tụi bây muốn gì”. Liền lúc đó, dân quân tự vệ xông vào. Ông Cường nói: “Các anh có gì từ từ nói” thì bị phó công an xã chĩa súng ngắn vào đầu và nói lại câu cũ.
Thấy vậy, Trần Xuân Thắng từ dưới khu sản xuất chạy lên phân bua thì bị công an cùng dân quân tự vệ xông vào đánh tới tấp. Thắng chạy vào phòng bảo vệ khóa cửa. Dân quân tự vệ xông vào đập vỡ cửa kính. Một phát đạn từ súng dài được bắn vào tấm bảng bảo vệ. Hiện tại, hiện trường vẫn được giữ nguyên, vỏ đạn vẫn nằm tại hiện trường.
Phát đạn từ khẩu súng dài bắn vào trên cửa phòng - ông Cường cho biết. Ảnh: L.Đ.Dũng
Thấy nguy hiểm, ông Cường la lớn: “Thắng ơi ra đi, ở trong đó công an bắn chết bây giờ”. “Tôi vừa phân bua vừa lạy mấy ảnh, nhưng anh phó công an xã vẫn chĩa súng vào đầu tôi và nói: “Im miệng, mày mà la tao bắn chết bây giờ” - ông Cường kể lại.
Vỏ đạn quân dụng tại hiện trường. Ảnh: L.Đ.Dũng
Ảnh: L.Đ.Dũng.
Sau đó, Thắng mở cửa thì bị công an dùng báng súng dài đánh tới tấp. Sơn từ khu vực sản xuất chạy lên cũng bị công an dùng báng súng đánh vào mặt. Sau đó, công an còng Thắng và Sơn về xã. “Hai đứa tiếp tục bị những người trên vây đánh ở sân trụ sở trong tư thế còng tay” - ông Cường kể.
Ông Trần Xuân Thám (GĐ Cty) đã xin CA phường cho bảo lãnh Thắng và Sơn đi bệnh viện cấp cứu,  nhưng khoảng 1 tiếng sau (2h sáng) CA mới cho bảo lãnh anh Thắng đi cấp cứu. Mãi đến gần 4h sáng, CA mới gọi ông Trần Xuân Cường đến đưa Sơn đi cấp cứu.
Tại BVĐK tỉnh Gia Lai, hai nạn nhân Sơn và Thắng đang được điều trị tại khoa Ngoại thần kinh. Theo hồ sơ lưu lại, Phạm Ngọc Sơn bị đánh vào đầu, ngực, mặt. Vết thương vùng chẩm, bầm mắt phải, sang chấn ngực. Trần Xuân Thắng bị vết thương đầu, vết thương thái dương phải 4cm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thức - Chủ tịch UBND xã Trà Đa - cho hay: “Tôi đã biết rồi. Sáng nay tôi nghe báo lại có anh gì đó đi xe môtô không đội mũ bảo hiểm, anh em công an yêu cầu dừng lại để kiểm tra giấy tờ nhưng anh này chạy vào doanh nghiệp; vào đấy nói qua nói lại, rồi họ mang 3 cái mã tấu ra đấy, đang ở CA xã”.
Tại CA xã Trà Đa, ông Lê Ngọc Tường - Trưởng CA xã - được báo là đi vắng, dù trên lịch trực vào ngày thứ tư có ông này. Phó công an xã có tên Thanh từ chối cung cấp thông tin cho PV và bỏ đi. Ông Thanh nói, cơ quan ông không có súng ngắn hay súng dài mà chỉ có công cụ hỗ trợ và vụ việc xảy ra vào rạng sáng nay, ông không hề có mặt.

Tai hoạ từ cây gậy của cảnh sát

Trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hà Nội) gần đến tuổi về hưu, lĩnh án 4 năm tù vì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân đẩy vị trung tá phải vào tù, còn người dân chỉ vì bỏ MBH để nghe điện thoại... bị đánh chết cũng... vì chiếc MBH.

Theo điều 9, khoản 3, điểm I, K Nghị định 34/2010 của Chính phủ, những người đi xe môtô, gắn máy không đội MBH sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy chỉ là hành vi vi phạm hành chính (vì không đội MBH), không ít người dân đã phải giã từ cuộc sống, mang thương tích, còn người thực thi nhiệm vụ thì vướng vào vòng lao lý. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy không đáng có này trong xã hội?
 
Tai hoạ từ cây gậy của cảnh sát
Công an Hà Nội khẳng định sẽ không có việc cảnh sát giao thông truy đuổi đến cùng người vi phạm. Ảnh: Giang Huy
Hệ lụy khôn lường
Trung tá Nguyễn Văn Ninh (CA phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gần đến tuổi về hưu, lĩnh án 4 năm tù vì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân đẩy vị trung tá - người thực thi nhiệm vụ - phải vào tù, còn người dân chỉ vì bỏ MBH để nghe điện thoại... bị đánh chết cũng... vì chiếc MBH.
Cô sinh viên Trường ĐHSP Thái Nguyên Hoàng Thị Trà hẳn vẫn chưa quên được buổi tối ngày 6.8 - cách đây gần 3 năm. Trà và bạn trai tên Tuấn Hùng chở nhau trên xe máy, dạo chơi, không đội MBH, bỗng thấy hai thanh niên mặc thường phục đuổi theo, ép xe, ra dấu hiệu dừng xe. Tưởng gặp cướp, Hùng tăng ga, chỉ chạy được đoạn đường ngắn, họ bị hai thanh niên ép ngã, chưa kịp hoàn hồn, súng nổ, viên đạn xuyên thẳng vào đùi Trà.
Một năm về trước, chị Lê Thị Thủy ở Hưng Yên ngồi sau không đội MBH cũng bị gậy của Công an huyện Văn Giang vụt tím mặt, ngất xỉu phải đi cấp cứu. Chiến sĩ cảnh sát tường trình rằng, chỉ giơ gậy, báo hiệu dừng xe, nhưng do xe phóng nhanh quá, chạm vào gậy nên mặt mới bị bầm tím (!?).
Một cán bộ của Viettel, sau khi đá bóng, vào quán bia trên đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) uống vài cốc. MBH treo trên tay lái, vừa lên xe thì gặp cảnh sát cơ động (CSCĐ) và lập tức phải nhập viện cấp cứu. Anh cán bộ quên không đội MBH này- theo tường trình của CSCĐ- thì anh này tự ngã, nặng đến mức phải đi cấp cứu, còn tổ CSCĐ này lại xin gia đình được lo viện phí.
Sau khi CA Hà Nội đưa ra kết luận tổ cảnh sát Y5-141 không đánh người không đội MBH và cho rằng người dân sợ, chạy, đâm vào dải phân cách, tự ngã, nhưng theo phản ánh của Báo Người Lao Động đăng tải ngày 17.3.2013 thì: Một người dân đã gửi thư điện tử cho báo cung cấp thêm chứng cứ. Đó là băng ghi âm được cho là của những người đã đưa anh Hoàng đến bệnh viện cấp cứu. Trong đoạn ghi âm, một số người đã tỏ ra bức xúc trước hành động của lực lượng cảnh sát 141.
Trong đó, 2 người khẳng định đã tận mắt chứng kiến việc chiến sĩ cảnh sát 141 dùng gậy đập anh Hoàng khi anh không đội MBH. Những chứng cứ nói trên khá trùng khớp với lời kể của một số người dân sống gần nơi xảy ra vụ việc với phóng viên nhiều tờ báo. Nhiều người cho rằng do sợ phiền hà nên họ không dám trực tiếp tố cáo hành vi lạm quyền.
Trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương xảy ra ngày càng nhiều vụ người dân không đội MBH, bị lực lượng CA, dân phòng đuổi đánh. Người dân sợ bị phạt, cắm đầu chạy lao xuống mương chết, đâm vào cột điện... tử vong. Không chết thì cơ thể cũng bị bầm giập vì bị đánh.
Ở Bắc Giang, người dân đã mang quan tài anh Nguyễn Văn Khương (không đội MBH, bị CA đánh tử vong) đến trụ sở tỉnh ủy phản ứng... Vụ đánh người, nổ súng để truy tìm người không đội MBH xảy ra ở xã Trà Đa (TP.Pleiku - Gia Lai) gây bất bình trong xã hội. Phát hiện 2 thanh niên không đội MBH đã vào Cty TNHH Cường Thịnh Phát, cả chục người là CA xã, dân quân tự vệ xông vào Cty để truy tìm. Mặc dù lãnh đạo Cty nói rằng nhân viên Cty vi phạm giao thông, sẽ đưa người lên CA xã, nhưng nhóm người đó vẫn giơ súng, chĩa vào đầu lãnh đạo Cty...
Giao chỉ tiêu phạt
Một trong những nguyên nhân gây bức xúc dư luận là do cách ứng xử của một số cán bộ thực thi pháp luật với những người không đội mũ bảo hiểm. Không ai cổ vũ cho hành vi không đội MBH của người dân. Tuy nhiên, người thi hành công vụ cũng phải nhận thức rằng, người không đội MBH chỉ vi phạm hành chính, họ không phải là tội phạm nguy hiểm để CA phải truy đuổi, nổ súng... gây bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND.
Ảnh chụp tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng (Hà Nội). Ảnh: Đăng Huỳnh
Ảnh chụp tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng (Hà Nội). Ảnh: Đăng Huỳnh
Người tham gia giao thông ở Hà Nội đã từng phản ứng gay gắt hiện tượng, khi cả dòng người đang lưu thông với mật độ dày đặc, bỗng thấy một CSGT tay giơ gậy, lao vào giữa dòng người để chặn một người vi phạm, bất chấp sự an toàn của chính người CSGT cũng như người tham gia giao thông.
Dư luận bấy lâu nay vẫn cứ “đồn thổi” chuyện ấn định mức thu phạt của CA cơ sở, nhưng qua vụ trật tự đô thị “múa gậy”, phạt người vi phạm giao thông ở P.Thịnh Quang (Đống Đa, HN), “lộ” ra nguyên nhân vì áp lực số tiền mà cấp trên giao chỉ tiêu. CA Q.Đống Đa thì thanh minh rằng, chỉ giao chỉ tiêu vụ việc, không giao chỉ tiêu cụ thể bằng tiền.
Theo Báo Tiền Phong: Chỉ tiêu 500 tỉ đồng năm 2012, phạt vi phạm giao thông. Báo này đã dẫn lời ông Trần Thùy - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội: “...Tổng mức tiền phạt vi phạm giao thông, chỉ tiêu cũng tăng lên trên 500 tỉ đồng, gấp 2 lần so với thực tế... Năm 2012 là Năm ATGT nên bộ đưa ra con số trên để khuyến khích anh em làm việc...”. Điều rất đáng lo lắng là, dù lực lượng dân phòng không được dừng xe, nhưng CA phường, quận vẫn cho họ ra đường chặn xe một cách đường hoàng (!?).
Việc xử lý vi phạm hành chính mang tính chất phòng ngừa là chính, chứ không phải để trừng trị hay tận thu ngân sách cho Nhà nước.
Vi phạm Luật Giao thông sẽ không được xét thi đua
“Việc chấp hành pháp luật về ATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên” - Báo điện tử Đảng Cộng sản dẫn phát biểu của thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trong Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” diễn ra tại Hà Nội sáng 25.3.
Phát biểu tại hội nghị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị “cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Cty cần tăng cường nhắc nhở tuyên truyền cán bộ công nhân viên chức về ý thức chấp hành Luật Giao thông, đưa vấn đề này trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng. Thậm chí, có thể không xét thi đua đối với những cán bộ, công chức, học sinh vi phạm Luật Giao thông”. Anh Đào
TP.Hồ Chí Minh: Không có chuyện phang gậy vào người vi phạm!
Một cán bộ lãnh đạo Phòng CSGT đường sắt-đường bộ (PC67)- CA TPHCM khẳng định: “CSGT không được phang gậy vào người, vào xe vi phạm, đây còn là hành vi nghiêm cấm và thời gian qua tại TPHCM chưa xảy ra trường hợp nào như vậy. Tất cả CSGT làm nhiệm vụ trên đường tuần tra kiểm soát đều phải chấp hành nghiêm túc các quy định về quy trình theo Bộ CA quy định”.
Cũng theo CSGT TPHCM, hiện CSGT tuần tra kiểm soát trên đường phải đeo thẻ xanh trên ngực trái, do Bộ CA cấp, có ảnh, tên mới được quyền dừng xe vi phạm. Ngoài ra, theo quy trình tuần tra kiểm soát thì CSGT không được quyền nhảy bổ ra đường, phang gậy, chặn đầu xe... mà phải đứng trước đầu xe một khoảng cách an toàn, giơ cao gậy điều khiển, ra hiệu còi để người điều khiển xe vi phạm nhận biết. Thái độ của CSGT dừng xe cũng phải thực hiện nghiêm theo quy định, đó là chào người điều khiển phương tiện trước khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe...
P.Bắc
 Theo Linh Trần
Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét