Mỹ phản đối vũ lực trên Biển Đông
Cập nhật: 12:09 GMT - thứ ba, 26 tháng 3, 2013
Từ Washington, Bộ Ngoại giao
Mỹ đã có phản ứng về vụ căng thẳng mới nhất trên Biển Đông
giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Phát biểu trước các phóng viên hôm thứ Ba
ngày 26/3, ông Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của
Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nước này ‘quan ngại’ khi nghe tin về
vụ việc và rằng Washington đang tìm hiểu thêm từ cả hai phía
Bắc Kinh và Hà Nội.
“Chúng tôi cực lực phản đối
việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép của bất cứ bên
nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Nam,”
ông Ventrell nói.
Ông bình luận rằng vụ việc này cho thấy
rất cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các
tranh chấp ‘một cách minh bạch và có nguyên tắc’.
'Đúng đắn và hợp lý
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ
tàu cá Việt Nam bị hư hại và thúc giục Hà Nội bảo ngư dân tránh vào vùng
biển của Trung Quốc.
“Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lựng hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Đông." Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
"Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các
bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh
các hoạt động trái phép như vậy”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung
Quốc, Hồng Lỗi được Reuters dẫn lời nói với các phóng viên tại Bắc Kinh.
Ông Hồng lỗi đã từ chối trả lời các câu hỏi liệu
có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam và liệu tàu
Trung Quốc có phải tàu chiến hay không.
Vào hôm 25/03, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận
một tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn bốc cháy ở đảo Hoàng Sa và Hà Nội
đang đòi Bắc Kinh bồi thường.
Báo Tiền Phong hôm Chủ Nhật đã đưa tin tàu cá
của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin
tại đảo Hoàng Sa nhưng sau đó bà đã bị gỡ xuống.
Trang web của Bộ Ngoại giao dẫn lời người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói hôm 25/03:
"Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382
TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình
thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.
"Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy". Hồng Lỗi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc
"Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm
chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và
gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
"Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các
nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản
chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái
với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)."
Ngoài những lời tuyên bố mang tính quy ước này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn.
Ông Nghị được dẫn lời nói: "Việt Nam kiên quyết
phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai
trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
"Ngày 25/03/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt
Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản
đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc."
Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (một
trang nhắn tin kiểu Twitter), người ta thấy có một số ý kiến cho rằng
nên khuyến khích việc tấn công vào tàu Việt Nam và một số ý kiến khác
nói nên làm điều tương tự với tàu Nhật khi có tranh chấp.
Bình luận trên trang Weibo ở TQ
Một người bình luận rằng "Đây là một cách tốt để thể hiện sức mạnh của chúng ta. Lần sau chúng ta cần nã đạn thật.”
Một người khác viết “Đừng quên rằng, Bộ trưởng quốc phòng mới của chúng tôi đã từng tham gia cuộc chiến Việt – Trung.”
Phản hồi lại các bình luận đã được dịch và đưa
lên trang Facebook của BBC tiếng Việt, một độc giả viết "Đây là một nước
đi mạnh của TQ, nếu VN không làm rõ vụ này chắc chắn những bước tiếp
theo của TQ sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ phản đổi mà không có động thái nào
đủ mạnh thì nhà cầm quyền TQ sẽ "bắt vía" VN. Mọi việc cứ chờ xem".
Còn một người khác viết "Việt Nam có đầy đủ
chứng cứ không thể chối cãi về chủ quyền hai quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa, Việt Nam cương quyết lên án hành động vi phạm
chủ quyền đối với hai quần đảo... những câu ai thuộc lòng
:)))))"
'Hùng hổ đuổi theo'
"Việt
Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm
hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho
ngư dân Việt Nam". Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao
Theo báo Tiền Phong, tàu cá QNg 96382 cuối cùng đã về tới đảo Lý Sơn hôm 22/3, hai ngày sau khi bị bắn.
Báo dẫn lời thuyền trưởng Bùi Văn Phải, 25 tuổi, và viết:
"Khoảng 10 giờ ngày 20/3, khi sắp kết thúc phiên
đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam,
tàu ông [Bùi Văn Phải] - gồm chín ngư dân - đụng phải chiếc tàu tuần tra
của Trung Quốc mang số 786, sơn màu trắng xám.
"Tàu sắt Trung Quốc liền hùng hổ đuổi theo.
Thuyền trưởng Phải kéo ga chạy thật nhanh. Do nằm ở vị trí không có rạn
san hô ngầm để lọt vào tránh né như mọi lần, ngư dân đành cho tàu chạy
thẳng.
"Bọn lính bên tàu tuần tra liên tục buộc tàu ngư
dân dừng lại. Khoảng 30 phút sau, bất ngờ đạn lửa từ tàu tuần tra Trung
Quốc (có thể là động tác cảnh cáo) bắt đầu nã sang ca bin tàu ngư dân
của ta.
"Hốt hoảng và bất ngờ, các ngư dân đang ngồi trước mũi thuyền liền đưa tay lên đầu la to.
"Nóc cabin bắt đầu bốc cháy ầm ầm. Tấm bạt nhựa
trên cabin tan chảy để lộ ra 4 bình gas đang nằm giữa đống lửa rừng rực.
Nếu không kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể nổ tàu." Sau đó một ngư dân lớn tuổi đã
trèo lên nóc cabin trong khi tám ngư dân còn lại múc nước đưa lên để
chữa cháy trong lúc tàu Trung Quốc "vội vã tháo lui".
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó đồn Biên
phòng Lý Sơn cũng được dẫn lời cho biết ông đã "chỉ đạo cho các đội
nghiệp vụ thu thập hồ sơ để báo cáo về trên xử lý".
Thuyền trưởng Phải cũng nói với Tiền Phong
chuyện tàu tuần tra Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam ở Hoàng Sa là điều
thường xuyên xảy ra nhưng phía Trung Quốc có hành động mạnh tay hơn
trong thời gian gần đây.
Ông Phải cũng nói trước lần bị bắn này, tàu của ông từng bị hai tàu tuần tra khác của Trung Quốc mang số 262 và 263 rượt đuổi.
Các hành động bị coi là "hung hăng" của Trung
Quốc trên Biển Đông đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Việt Nam
trong hai năm qua.
Chính quyền Việt Nam một mặt lên tiếng phản đối
nhưng mặt khác lại ngăn cấm người dân có những hành động phản đối tương
tự trên đường phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét