23 thg 7, 2013

Những quy định của Nhà nước thiếu tính thực tế

Đừng đặt ra những quy định không sức sống

Những quy định của Nhà nước thiếu tính thực tế, phải chăng do những loại công chức "chạy", bằng cấp mua... nên trình độ, năng lực và cả phẩm chất chưa đủ chín 

TT - Thực tế cho thấy tính khả thi của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 (và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10-12-2009 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 27-1-2010) không cao, dẫn đến những chuyện tức cười, dư luận kêu ca.
Chẳng hạn chuyện chồng đánh vợ như cơm bữa, đến khi vợ chịu không nổi, thưa với công an thì bị phạt tiền một, hai triệu đồng. Chồng không có tiền riêng nên đã lấy tiền chung vợ chồng hoặc đánh vợ thêm vài trận nữa để lấy được tiền riêng của vợ đi nộp phạt. Có người tiền bạc, tài sản chung riêng đều không có nên người vợ phải đứng ra khóc than rằng gia đình không có tài sản gì có giá trị ngoài ông chồng một ngày kiếm được chừng hơn 100.000 đồng, do đi phụ hồ nên không nộp phạt được.
Bởi thế, không ít người đang trông chờ sớm có những quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung khắc phục được những hạn chế này. Tuy nhiên, mới đây trong dự thảo lần thứ ba nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phòng chống bạo lực gia đình do Bộ Công an trình (gọi tắt là dự thảo 3), bên cạnh một số quy định có lẽ là khả thi, Bộ Công an vẫn giữ nguyên không ít quy định thiếu sức sống từ nhiều năm nay sẵn có trong nghị định số 110/2009/NĐ-CP như nêu trên.
Đến nay nghị định 110 nói trên đã hơn “ba tuổi rưỡi”, ít được ai biết đến hoặc có biết thì cũng khó thực hiện được nên các quy định trong đó có tiếng là “sống” nhưng thực tế cứ như “chết” rồi. Cho nên khi dự thảo 3 “bê” nguyên xi nhiều quy định của nghị định số 110 vào, báo chí và nhiều người mới nhầm tưởng là chuyện mới lạ. Chẳng hạn dự thảo 3 nêu các hành vi bị xử phạt như không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân đối với thành viên gia đình, không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tiếp cận với thông tin đại chúng hằng ngày, bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng, kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình... Vấn đề đặt ra là: dự thảo 3 không có quy định “thành viên gia đình” là những ai, xác định bằng cách nào, không có một số quy định định nghĩa, định lượng cụ thể. Nếu không quy định rõ thì những việc như: cha mẹ không cho con xem tivi một số ngày để tập trung ôn thi, vợ đưa tiền cho chồng đi cà phê, nhậu nhẹt không được như ý chồng... cũng có thể bị xử phạt hoặc không được triển khai thực hiện vì “khó quá, tế nhị quá, nhiều quan điểm quá”.
Một số trong những hành vi bạo lực gia đình thường thấy là chồng đánh đập, hành hạ, ngược đãi, xúc phạm danh dự vợ, hay ngược lại cha mẹ đánh đập con... Nếu chỉ xử phạt như nêu trong dự thảo 3 thì hiệu quả sẽ không cao, có khi nạn nhân còn bị đánh đập, hành hạ hơn như một số người đã phân tích. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phép áp dụng biện pháp xử lý hành chính như: biện pháp giáo dục tại xã, phường, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... Do đó theo tôi, bên cạnh việc phạt tiền, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và xây dựng các quy định để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì dễ khả thi, có ý nghĩa phòng chống vi phạm hơn. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều biện pháp đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến luật về phòng chống bạo lực gia đình cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, làm hồi sinh các quy định tưởng rằng đã “chết”.
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét