3 thg 8, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 7

Xuống phía nam đường 12
          Sau một thời gian phối thuộc với Sư 324, một hôm anh Thành đi họp trên Sư bộ  về truyền đạt lại, là ban chỉ huy của sư 324 có nhận xét về  B72 thời gian qua đã cố gắng tham gia chiến dịch, tuy nhiên, hiệu quả chiến đấu còn chưa cao. Từ khi vào chiến trường cho tới cuối  tháng 6/1972 tôi chưa được ra trận địa, chỉ mới trông hậu cứ và đi công tác, từ chỗ bàn đạp về tôi cứ áy náy trong lòng. Chỗ bàn đạp ở trên đồi cao, chắc trận địa của chúng tôi cũng gần đấy. Trung đội tôi từ khi vào chiến trường và phối thuộc với sư 324, kể cả ở ngoài Quảng Trị vẫn ì ạch chưa lập công được như B2, B3. Tôi cứ thắc mắc trong đầu, cả trung đội tôi có đến cả chục trắc thủ chứ có thiếu đâu, nhưng từ hôm vào Tây nam Huế có 9 quả đạn chưa dùng hết. Tôi nghĩ chính vì số lượng đạn có ít nên  cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của trắc thủ. Theo kế hoạch tác chiến từ ngày 26/6/1972 toàn bộ chiến trường Trị Thiên bước sang giai đoạn 2. Trên chiến trường ta đang gặp khó khăn. Đúng lúc này trung đội được lệnh chuyển xuống phía nam đường 12.
       Khoảng đầu tháng 7 năm 1972 (tôi không nhớ chính xác ngày nào). Hôm đó sau khi tập kết về hậu cứ trung đội tôi hành quân vượt đường 12 về cánh rừng phía nam. Khi ra tới đường 12 ngoảnh lại cánh rừng chúng tôi đã ở, thấy  dày đặc  những bãi bom B52. Còn nhìn về cánh rừng phía nam, tôi thấy còn xanh rì, chưa có vết gì loang lổ, chắc  địch biết quân ta chưa xuống dưới cánh rừng này. Chúng tôi ra đến đường 12 thì đã trưa. Địa hình hai bên đường quang đãng trống trải, nên phải cầm cành cây để nguỵ trang. Chúng tôi đi rải ra. Khi vào đến bên trong cánh rừng già, đi khoảng nửa tiếng mới thấy bộ đội. Vào đây lại thấy lính cối, 12,7 ly ì ạch hành quân. Chúng tôi lội ngược dòng theo một con suối lớn, nước ngập tới gần đầu gối.

       Đi từ đường 12 vào phải gần 3 tiếng thì rẽ phải đi vòng theo một con đường nhỏ đi khoảng gần 10 phút là tới vị trí đóng quân mới. Ở đây cũng có sẵn hàng gần chục cái hầm kèo, có thùng. Có một con suối nhỏ đi qua giữa các hầm; phía ngoài và phía trong; phía trong thì leo lên dốc một tý. Phía ngoài chỉ có một hầm, tôi và Nhi, Tỷ ở đây. Còn lại tất cả trung đội ở phía trong, bếp cũng ở đó.
           Đóng quân lẫn với chúng tôi có một đơn vị bộ đội Hoá học, có lẽ là một tiểu đội, các anh chỉ ở trong 2 hầm. Từ ngày vào chiến trường tôi để ý, các đơn vị nhỏ lẻ phối thuộc chúng tôi đều được bố trí ở trong sâu, còn các đơn vị bộ binh lớn đóng phía ngoài,  chắc là để cho chúng tôi được an toàn. Về đây được vài ngày tôi lại dẫn anh em đi lấy gạo. Kho gạo trong này thường rất dã chiến, và nằm sát bên đường 12. Kể từ ngày đi lấy gạo ở Quảng Trị lần này tôi đi lấy lần thứ hai. Kho gạo trên đường 12, được phân bố rải ra nhiều vi trí chắc là để tránh máy bay. Chúng tôi ra suối lớn rẽ phải đi qua cơ quan chỉ huy của trung đoàn nào đó rồi đi vòng theo chân đèo của một núi lớn. Đi trên đèo có thể nhìn thấy phía đồng bằng, Hòn Vượn. Hồi đó tôi cứ nghĩ dưới đồng bằng là Bình Điền nhưng không phái, dưới đó là huyện khác, còn Bình Điền là nơi chúng tôi đang ở. Kho gạo ở đây thật đặc biệt, nó nằm ở vị trí ít ai ngờ. dưới một dàn dây leo và cây thấp bị đổ nghiêng ngả đã khô, như bãi bom B52, ngay rìa đường 12, chúng tôi phải cúi người đi lom khom. Chắc xe ô tô tải chớp nhoáng vào đây vể ban đêm. Chuyến lấy gạo cả đi cả về phải mất một buổi.  Ở đây bếp có mái che nhưng củi ít nên hôm nào mưa thì nấu cơm vất vả, trong chiến trường bộ đội kiêng cơm sống, cơm khê nên ai được phân công nấu  mà có chuyện là phải đổ đi nấu lại, có hôm củi ướt mồi mãi bếp không đỏ cực ghê gớm. Nhưng vào tay Loát thì chẳng cần nề hà, anh ấy lấy dây cao su quai dép dự phòng đốt hết để nhóm lửa. Lúc rỗi anh em B72 lại trò chuyện với anh em súng phun lửa, chúng tôi hỏi súng phun lửa để làm gì. Các anh súng phun lửa nói, Bộ đội  súng phun lửa thuộc Bộ tư lệnh Hoá học. Hồi chiến dịch đường 9 Nam Lào, “Tình cờ” bộ đội hoá học dùng súng phun lửa diệt trọn gói một trung đội địch trong phạm vi 150 mét. Nên từ đó cấp trên đã đưa súng phun lửa tham gia chiến dịch Quảng Trị để đánh hầm ngầm, nơi địch co cụm. Thân hình súng phun lửa giống khẩu trung liên RBD có vòi truyền xăng đã pha hoá chất để làm đặc lại, bỏ vào các bình như bình cứu hoả đeo sau lưng (giống như bà con ta ở Miền Bắc đi phun thuốc sâu ấy). Khi bắn xăng đặc từ bình theo ống truyền vào nòng súng phun ra và đốt cháy thành luồng dài tới hàng trăm mét. Lợi hại nhất là luồng lửa mạnh có thể luồn vào các ngóc ngách, nên đắc dụng cả trên đất và dưới hầm ngầm. Súng phun lửa của Liên Xô, nguyên gốc của nó có 3 bình xăng đeo sau lưng, nhưng  bộ đội ta nhỏ con hơn lính Liên Xô nên bỏ bớt đi một bình còn hai. Thảo nào hôm trước thấy các anh ấy mang về hai, ba can xăng, chúng tôi không biết để làm gì, vài hôm sau bật lửa hết xăng sang xin các anh ấy bảo pha vào bình hết rồi, tưởng các anh không muốn cho, sau khi rõ chuyện mới biết mình nghĩ sai về các anh. Lính tiểu đội hai, ba ở các hầm phía trên  gần các anh Hoá học, nên sinh hoạt qua lại lẫn lộn, thậm chí để cả gạo trước miệng hầm các anh. Một hôm mọi người ở nhà không đi đi đâu cả, thì bất ngờ bom B52 ập xuống, cũng 3 loạt nổ đanh… đanh vốn có ghê rợn, May quá nó đánh trệch  vị trí chúng tôi cũng  vài chục mét, cậy cối đổ ngổn ngang, chặn cả đường lên các hầm phía trên. Đặc biệt may hơn nữa là tại miệng hầm các anh hoá học một mảnh bom dâm vào bao gạo anh Phượng để nhờ, và cũng may vì anh Phượng để nhờ mà khấu súng phun lửa cùng với bình xăng đã được mang vào trong hầm, nếu không hầm các anh có thể bị một quả bom xăng nổ cũng nên. Sau trận bom này, cây bắt đầu ngún cháy, cả cây tươi cũng bị lửa làm khô rồi cũng bị cháy. Chỗ tôi ở trước khi có trận bom B52 hàng ngày thường có tiếng vượn hót. Nhưng sau ngày bị trận bom B52 không biết vượn bỏ đi hay bị chết vì bom mà không nghe thấy tiếng hót nữa.

Lại đi công tác
           Sau trận bom B52 này một ngày anh Thành lại cử tôi đi công tác, anh nói hiện tại C5 đang ở gần đây, và anh nói địa điểm cho tôi (bây giờ tôi chẳng còn nhớ là nó ở đâu nữa, gần đây nghe anh Vũ Văn Hợp lính C5 nói lại đấy là A Lưới, nhưng A Lưới lớn lắm cũng không biết ở đâu, ở bắc, hay nam đường 12 ), chúng tôi mang pin ắc tới  đấy nhờ nạp điện, Tôi cùng anh Hoàng Văn Đạo  ở A2 sẽ cùng đi. Như vậy là sau gần một tháng pin ắc quy đã bị yếu điện. Sáng hôm sau, sau khi ăn cơm no, chúng tôi lên đường. Chúng tôi  đi ngược lại theo đường cũ  gần trưa mà cũng chưa ra đến đường 12, vừa lên khỏi suối đi một đoạn, chúng tôi thấy có một hầm, ở thùng có nhiều người, nghĩ bung đã đói nên tạt vào hỏi: các bác còn cơm nguội không cho hai chúng tôi xin một ít. Họ nói còn, và mời chúng tôi vào ăn đàng hoàng, lại có cả canh nấm nữa chứ, thật là ăn mày được ăn xôi gấc. Vừa ăn vừa hỏi han nhau, thấy tôi nói là quân B72 họ lại càng quý hơn. Ăn xong chúng tôi chào họ, và lên đường, ra đến đường 12 thì đã quá trưa. Chúng tôi bẻ cành cây làm nguỵ trang, đi một đoạn thấy có VO10  trên đầu bọn tôi vội ngồi xuống bên đường rồi lại có tiếng pháo kích, may quá cũng vừa tới miệng một cống bi, chúng tôi xuống núp đến khi hết tiếng pháo, phải đi đến 30 phút trên đường 12 về phía tây, chúng tôi mới rẽ vào rừng, cứ vừa đi vừa hỏi đường. Anh Đạo người dân tộc Tày, hiền lành, ít nói, cao lớn, khoẻ mạnh. Trên đường đi hai người cùng trò chuyện, nhưng hồi đó tôi không hỏi kỹ quê quán, và gia đình anh, quả thật lính tráng trong chiến trường ít để ý đến chuyện này, đến khi không gần nhau nữa thì chẳng còn dịp để hỏi. Tôi không nhớ chúng tôi ngủ những địa điểm nào, nhưng phải đi hơn hai ngày mới tới nơi. Có hôm chúng tôi đi hết cả buổi mới  qua một đoạn rừng vắng, rồi đi qua một vùng núi rừng, nơi đây hình như là nơi tập kết của nhiều đơn vị, chúng tôi đã ngủ một đêm tại đây. Hết vùng rừng này lại lên đỉnh núi cao. Đây là một cao điểm, có lẽ còn cao hơn Cốc Bai,
          Chúng tôi lên đây vào buổi trưa, nên trời nắng, bóng cây rất it, Nhìn ra xa về phía đông vẫn thấy các ánh mái tôn, còn xung quanh thì rừng bạt ngàn, các đỉnh núi thấp hơn nơi chúng tôi đứng,có cả tiếng vượn hót,  không gian thật tĩnh mịch  Chắc trước đây, nơi này cũng là một cứ điểm của địch, nên có hầm, có hố, có vỏ hộp, vỏ đạn. Sau khi xuống dốc, đi vào một con đường tăng rồi hỏi đường. Chúng tôi rẽ trái vào một khu rừng sâu, cây to cao, rậm lá. Đúng là khu vực này chẳng thấy gì là chiến tranh, không bom, không pháo. Đi độ một giờ thì gặp một đơn vị bộ đội, ngồi nghỉ và hỏi chuyện, mới biết họ là bộ đội vận tải, dân Quảng Ninh, hỏi họ thế các anh đã tham gia  đánh đấm gì chưa; họ nói vào đây lâu rồi nhưng cứ nằm đây mãi. Tôi lấy làm lạ nhưng không nói. Sau khi được họ chỉ đường chúng tôi đi độ 15 phút thì tới nơi, lúc đó đã xế chiều. Gặp được các anh C5 thật mừng rỡ. Người đầu tiên tôi gặp là Mã, rồi nhiều người nữa nhưng nay tôi quên mất rồi. Sau khi tay bắt mặt mừng, mọi người thông báo cho các anh Lập, anh Bài, một lúc sau thì các anh tới. Tôi nói mục đích chuyến đi và nhờ các anh cho nạp điện ngay. Chiều và tối đó anh Lập kéo tôi về hầm anh. Ở  trong rừng sâu, hầm hố thật đàng hoàng rộng rãi, cây cao, lá rậm, ở dưới mát rượi. Đêm đó chúng tôi thức hơi khuya. Thật là một cuộc hội ngộ bất ngờ làm chúng tôi sốn sang. Rồi sực nhớ ra tôi hỏi anh Lập, tôi thấy mấy người lính vận tải có vẻ lớn tuổi mà vào đây lâu không làm gì cả là tại sao. Anh Lập giải thích, họ là người dân tộc Hoa, chắc cấp trên  không dám cho họ tham gia chiến đấu. Trong đầu tôi lại nảy lên một câu hỏi thế anh Mằn trung đội trưởng trung đội 2 của đại đội 6 của tôi  cũng dân tộc Hoa, sao anh ấy như người Kinh vậy. Thắc mắc vậy nhưng tôi cũng không nói ra. Tôi hỏi tình hình C5 từ ngày vào đến giờ làm gì, các anh cho biết, còn đang chờ, hiện tại có một trung đội đang cho trinh sát đèo Hải Vân.
          Sáng hôm sau anh Lập cho tôi xem nhật ký hành trình cuộc  hành quân vào chiến trường của anh. Anh Lập viết rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ nội dung một đoạn khi đi qua Sông Gianh, anh liên hệ tới lịch sử nơi đây mấy trăm năm trước là nơi phân tranh giữa hai nhà Trịnh, Nguyễn. Giọng văn thật hay, nói lên sự ung dung của anh trên đường ra trận. Có lẽ lộ trình của C5 vào chiến trường hơi khác với C6. C5 rời khỏi Mỏ Chén vào 28 tháng 3 năm 1972. Các anh ấy đi vào tới Quảng Bình rồi quặt sang Lào, rồi về A Lưới. Chắc lúc đó Quảng Trị đang vào chiến dịch. Đường Ngô Đình Diệm chưa thông. Độ khoảng gần trưa anh Mã gọi tôi qua hầm nói chuyện và gửi thuốc lào về cho mấy anh em Ninh Bình. Tình cờ anh Mã phát hiện chân tôi bị phù, quả thật như vậy. Anh Mã (hình như là chiến sĩ vệ sinh của C5) bảo tôi bị thiếu vitamin B1 rồi, và cho tôi một ít, tôi đã có nhưng vẫn nhận của anh vài viên. Sau khi uống vài ngày thì hết phù thật.
          Chiều hôm đó chúng tôi nhận được pin ắc quy  đã nạp đầy điện. Sau khi ở C5 được một ngày thì sáng hôm ấy chúng tôi lên đường. Lần này biết đường rồi nên đi  cũng nhanh. Chúng tôi lại theo đường cũ trở về. Lúc này đã xong việc nên trên đường đi thấy có nhiều thú vị. Trên đường tôi thấy  quân đi vào rất đông. Lại gặp mấy anh hoả lực, ỳ ạch hành quân, lội suối băng rừng. Xế chiều đến cánh rừng bữa nọ nay vẫn thấy nhiều người, lại có cả phụ nữ nữa. Ở đây thấy ít hầm, mọi người đều mắc võng nằm. Quen sống với cuộc sống bên hầm để tránh bom B52 và pháo mấy tháng qua, thấy cảnh này tôi hơi rờn rợn. Chúng tôi mắc võng nghỉ lại đêm ở đây. Hai người lại giở bài cũ không nấu cơm, xin ăn. Thường xin cơm hay được thức ăn ngon.
          Ở nơi đông đúc thế này hay được nghe những tin mới mẻ lạ lẫm, nào là Sư 325, Sư 320, 312  đã vào, nào là có một trung đoàn nào đó ở Lào về (hình như là TĐ 48), hồi bên đó họ không nấu cơm theo đại đội mà chia lẻ nấu bằng ống cóng, về Quảng Trị vẫn theo nếp cũ, nấu nhiều ống cóng nên nhiều khói làm lộ, bị địch bắn phá, thiệt hại. Sáng ra anh Đạo cũng tranh thủ tán chuyện vui vẻ, điều mà tôi ít thấy ở anh, thâm chí đến giờ lên đường còn chưa dứt được. Tuy nhiên những căng thẳng ở Quảng Trị chúng tôi biết rẩt sơ sài và ít ỏi. Chúng tôi đi một mạch tới trưa, thì đến quãng rừng vắng bữa nọ đã qua. Chẳng gặp đơn vị nào, hai người dành giở bài nấu bằng ống cóng. Hai anh em kiếm mấy lon sữa bột làm nồi nấu cơm, nấu canh. Quả là ăn cơm nóng cũng vẫn ngon, mặc dù chỉ có muối mỳ chính, rau rừng. Sau bữa trưa chúng tôi đi một mạch đến cuối chiều thì về tới hậu cứ trung đội. Quanh hậu cứ cây cối đã cháy gần hết, may quá do trận bom nằm kẹp trong hai con suối nhỏ giao nhau chảy tới tới suối to, nên lửa bị bao vây. Tới khi bọn tôi về các cây tươi cũng còn ngún cháy. Thế là chúng tôi đã hoàn thành chuyến công tác sau hơn một tuần. Chắc các anh tạm yên tâm về nguồn Pin.
          Về đơn vị được vài ngày thì Tuấn A trưởng A3 cũng mới từ viện về. Hỏi ra mới biết anh đã đi viện được trên nửa tháng. Tôi hỏi : “Ông làm sao mà phải đi viện”; anh nói bị đau thần kinh liên sườn, cũng chưa hoàn toàn khỏi nên mang vác nặng không được. Từ đó các công việc mang vác nặng phải san cho các anh em trong tiểu đội.
          Ở đây tiếng pháo địch  cũng ì oành suốt ngày. Đặc biệt là vùng gần nơi giao tranh. Nghe Loát nói, có tới 3 cứ điểm pháo địch là Hòn Vượn, Đồi 14, Bình Điền thay nhau bắn hàng ngày. Ngày nay, xem trên các trang Web của sư 324, chỉ thấy nói pháo từ Hòn Vượn bắn, chứ không thấy pháo đồi 14, tôi cũng đi tìm để xác định vị trí đồi 14 trên bản đồ mà không thấy, cũng như không có tài liệu nào nói vể trung đoàn “ống cóng” vậy. Xã Bình Điền rộng lắm bao trùm cả khu hậu cứ của trung đội tôi, điểm cực đông của nó nằm trong vùng địch.
          Ngày nay Hòn Vượn, và cả vùng Động Tranh, cũng như vùng Tây Nam Huế đã trở thành các điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xoá hết tất cả những gì ác liệt ở đây
       Ở chiến trường chuột cũng theo bộ đội lên núi, và các bao gạo của lính chính là nguồn nuôi dưỡng chúng. Chuột có đủ cỡ, to nhỏ, có con to bằng cổ tay. Một hôm tôi thấy anh Tỷ cứ đẽo đẽo, gọt gọt, rồi lấy lá cây xếp vòng quanh chân hầm thùng, tối tối cứ thức trông. Tôi thấy lạ hỏi để làm gì, Tỷ bảo để bẫy chuột và đã bẫy mấy hôm rồi mà không được.

        Tôi nhìn cái bẫy và ấn thử, rồi bảo : “Ông làm bẫy yếu thế này có xập nó cũng không bắt đươc chuột”. Thế là hai anh em, lấy một cái cây to hơn và có độ đàn hồi mạnh, sau đó gọt hai thanh gỗ sắc như 2 lưỡi kéo, làm kéo chém chuột và làm cái bẫy như mẫu bẫy của Tỷ. mồi là cơm nguội đổ dưới đất. cái bẫy đặt trước mấy hột cơm, khi chuột tới ăn cơm đạp vào bẫy xập chém vào lưng chuột.  Xong xuôi hai anh em thay nhau trông, đến phiên tôi mắc võng nhìn trời ngắm trăng, còn Tỷ và anh Nhi, vào hầm ngủ. Hôm đó đang thiu thiu ngủ, nghe cạch một tiếng, Tỷ ở trong hầm nói, bẫy sập rồi anh Sự. Tôi tỉnh dậy cùng Tỷ ra xem, hoá ra chỉ có một chú chuột to hơn ngón tay cái một chút bị chặt cụt đầu. Chúng tôi lau chùi bẫy và giăng tiếp, gần sáng được thêm chú nữa. Ý định của anh Tỷ là bắt chuột chứ không định để ăn. Nhưng tôi nói: “đang cần chất thịt, chuột ăn gạo chứ chẳng ăn gì bẩn, ta cứ chén cái đã”. Không có chuột lớn, chúng tôi mổ bụng vứt ruột, nướng cháy lông, chứ làm như dân Quỳnh Đô thì không được. Thế là bữa cơm có thêm thịt chuột nướng cả lông. Không biết anh Tỷ, anh Nhi sau này có ăn nữa không. Riêng tôi đó là lần duy nhất trong đời ăn chuột nướng. Những ngày sau chúng tôi không bẫy được con chuột  nào nữa, vả lại chúng tôi bắt đầu bận rộn để chuẩn bị ra trận địa
          Khoảng đầu tháng tám năm 1972, chúng tôi được thông báo, địch đã cho 5 tên biệt kích đóng giả bộ đội thâm nhập vào vùng đóng quân của ta, các đơn vị cần cảnh giác và giữ kín vị trí đóng quân, và cần nhanh chóng phát hiện ra chúng. Chẳng cần phải có thông tin này, anh Thành từ lâu đã căn dặn toàn đơn vị, phải giữ im lặng, không nói to, làm ồn. Ai ở hầm người đó, không tập trung đông một chỗ, không có việc không đi ra khỏi khu đóng quân. Ban đêm thay phiên nhau gác.

Ra trận địa
          Trung đội tôi đã được giao nhiệm vụ ra mặt trận. Chắc tôi vừa đi công tác về, nên các anh ở A2, A3 ra trận địa trước. Đầu tháng tám anh Thành ở trận địa về nói anh Nguyễn Văn Phượng trung đội trưởng và tôi cùng anh Phạm Văn Phượng ở A3, anh Nhi, anh Thể ra thay chốt (tôi quên không nhớ có anh Duy không). Hôm đó chúng tôi xuất phát vào buổi chiều anh Phượng trung đội trưởng đi sau. Tôi chỉ mang ba lô và súng AK. Chúng tôi lại theo con đường đi lấy gạo, đến lỗi rẽ ra đường 12 thì chuyển sang đường khác, vượt qua một quả đồi đi men theo triền đồi, ở đây tuy gần mặt trận mà cây cối xanh rì. Đi một đoạn tôi cứ nghe thấy tiếng lóc cóc, lóc cóc, như tiếng mõ trâu, nhưng vẫn cứ đi. Bất ngờ có tiếng máy bay F4 rầm rầm rà sát ngọn đồi, rồi chúng tôi thấy có một vật gì nằm dưới cái dù xoay xoay như cái váy phụ nữ đang múa rơi xuống. Đi độ khoảng 30 phút thì chúng tôi thấy trên đường đi có mấy anh lính đang chặn đường và đưa tay ra dấu nói khẽ, và chỉ lên cành cây cách đó khoảng 30 mét ngay trên đường đi, và nói: “F4 vừa thả cây nhiệt đới xuống”. Tôi nhìn lên thấy một ống to hơn cái phích nước, dài khoảng 50 phân, đang bị mắc trên cành cây cao. Mấy người nói khoảng 60 phút nữa là nó làm việc, và có thể  sau một thời gian nó sẽ tự huỷ, nếu động vào nó sẽ nổ rất nguy hiểm. Anh Phượng (A3) nói: “cứ đứng nấp sau cái cây bắn”, thế là chúng tôi tìm chỗ nấp, anh bắn hàng chục phát, không biết có trúng không, mà cũng chẳng thấy nó nổ niếc gì cả. Chúng tôi vội lên đường nên mấy anh lính ở đó nói các ông cứ đi, để bọn tôi xử lý. Chúng tôi tiếp tục hành trình, đến cuối chiều thì ra đến Khe Tử, chúng tôi rẽ phải đí dọc khe. Khe Tử là một khe nằm giữa 2 dẫy núi cao, dài gần một cây số. hai bên bờ khe là dốc núi chếch có lẽ tới hơn 45 độ, bị pháo bắn không còn cái cây nào. Tại thời điểm chúng tôi đí tới pháo đang bắn cầm chừng rải dọc khe, bọn tôi nhắm chừng để đi, hồi hộp sợ pháo lại chuyển làn. Nếu bị pháo kích cấp tập ở đây thì chẳng biết nấp, biết chạy lối nào.  Đến sẩm tối, chúng tôi đi mới hết khe. Chúng tôi rẽ trái vượt lên một cái dốc rồi vượt một yên ngựa. Lúc này đã tối hẳn. Mấy ngày trước, Thể đã ra trận địa nên chúng tôi khỏi phải hỏi đường. Trên này về đêm tấp nập bộ đội vào ra, bộ đội vận tải vào, đưa thương binh ra, các anh nuôi đưa cơm ra trận địa. Chúng tôi đến trận địa thì trời đã tối. Đây là bản đồ toàn cảnh thời đó.

Và đây là bản đồ tôi tìm lại hiện nay. Qua các điều nhớ lại mà tôi mô tả, ngày nay tôi xác định là vị trí của trận địa theo những đặc điểm sau
       Trước hết việc xác định vị trí Khe Tử,  như đã mô tả là một cái khe nằm giữa hai trái núi dài khoảng 1 cây số. Hơn nữa khi được lệnh rút khỏi trận địa chúng tôi được chỉ đường có thể đi thẳng ra đường 12 cho dễ đi, vì theo đường cũ tối khó đi, cái khe này lại nằm tại khu vực tác chiến của 2 bên. Cho nên tôi đã xác định nó như trên bản đồ. Thực ra tên “Khe Tử” là do lính ta đặt (đây là thông tin trong các web Quân sử Việt Nam, lính sư 324 nói như vậy) , chứ nó chẳng có tên gì cả, vì tại khe này địch liên tục bắn pháo nhằm chặn quân ta vào trận địa, đi vào khe này chỉ có đi tới hoặc đi lui, chứ không rẽ ngang được, địa hình lại trống trải chỗ núp rất ít. Hồi đó sau khi đi gần hết Khe Tử, rẽ phải vượt lên một cái dốc qua ngọn đồi cao đi qua một cái yên ngựa về phía tay phải lên cái dốc nhỏ, tụt xuống triền đồi là tới trận địa. Phía trước trận địa là các đồi thấp hơn, phía xa khoảng cây rưỡi đến hai cây có lẽ là đoạn đường 12, vì trong quá thời gian ở đây tăng thường xuất hiện lấp ló. Phía tay phải trận địa chúng tôi trên  một ngọn đồi thấp hơn vị trí chúng tôi một ít, cách xa khoảng nửa cây số theo đường chim bay. Trên điểm cao đó quân Ngụy nói cười, mắc võng, chúng tôi đều thấy và nghe được, thậm chí còn thấy cả mấy cái võng đỏ của lính, tiếng con gái cười nhí nhố, chắc là gái điếm chúng đưa lên đấy. Phía sau chúng tôi là các đơn vị hoả lực; 12 ly 7, cả 14 ly 5 nữa, cối, nghe nói cả ĐK 82 và cả pháo phòng không 37 nữa, phía trước chắc có các đơn vị bộ binh của ta.


         Sau khi tới trận địa tôi và các anh em mới ra tìm hiểu tình hình địch. Tại vị trí này pháo và cối của địch bắn liên tục lên các trận địa của các đơn vị hàng ngày, thậm chí hai chiếc xoong 20 của chúng tôi do anh em để trên đất đều bị mảnh pháo làm nát bét. Nước thì ở khe đá đã trơ trụi lá, nhỏ ra từng giọt. Sau vài ngày theo rõi tôi thấy xe tăng địch xuất hiện  thất thường  và thường vào buổi sáng, hoặc buổi chiều, và chúng hành tiến rất nhanh qua vùng quan sát của chúng tôi. Do vậy nếu không nhanh  nó sẽ lẩn vào chỗ khuất có thể là cây, có thể là mô đất, trận địa chúng tôi ở trên cao. Vì điều kiện như trên nên chúng tôi không thể thiết kế hòm đạn bệ sẵn được, do sợ bị pháo địch trúng vào đạn của ta, nên khi cần mới ra thiết bị trước khi bắn vài phút.  Vị trí bắn là một đoạn hào cách hầm chúng tôi vài mét. Cứ theo rõi như vậy được khoảng 3 ngày, hôm đó chúng tôi bàn nhau nếu xe tăng xuất hiện sẽ phát hoả, các anh em thiết bị hai hòm đạn bệ. Khi tăng tới tôi ra bắn, lần đầu tiên sau hơn 3 tháng vào chiến trường tôi được bắn, hồi hộp vô kể. Đoàn tăng địch có 2 chiếc đã đi vào vùng đã chọn, tôi ấn nút phóng. Đầu tiên đang nhìn trong ống ngắm không thấy đạn đâu cả, ngoảnh đầu ra tìm đạn, tìm mãi mới thấy đạn, điều khiển cần để  đạn vào tầm,  lóng ngóng thế nào tôi kéo mạnh tay quá thế là quả đạn chúi xuống đất. Bắn hỏng một viên làm tôi cố gắng trấn tĩnh, nhưng cú trượt làm tôi càng không bình tĩnh hơn, tôi quyết định không bắn, vì sợ lại có chuyện, mà đạn thì ở đây ít. Chiều đó trong lòng buồn bực, tiếc nuối. Tôi đã từng thấy viên đạn của B72 vào đến đây bao công sức, chờ mấy ngày mới bắt được dịp tốt. Hồi đó tôi chưa để tâm đến khả năng cung cấp đạn và số có thể có để tạo lòng tin và chỗ dựa tinh thần, nếu quan tâm tôi đã hỏi anh Thành, anh Phượng. Thế là đành phải chờ cơ hội khác. Ở đây hàng ngày rất căng thẳng, nước uống ít chứ để uống không có để tắm rửa, cơm buổi tối anh nuôi mới mang ra. Pháo, cối cứ ì ùng suốt ngày. Một hôm có một anh bộ binh dính mảnh đạn M79 của địch được Phẫu đưa vào hầm tôi, hôm đó trời không nắng, không biết có phải vết thương nhiễm trùng hay không mà anh ấy rên la suốt ngày. Tôi hỏi một anh Phẫu, ông ấy bị cái gì mà rên la ghê thế; hoá ra là có một mảnh nhỏ của M79 nằm trong bắp chân. Một ngày khác, khoảng quá trưa, Phẫu đưa vào hầm tôi một anh mặt mày bê bết máu, anh ấy là lính thông tin, bị trúng mảnh cối khi đang rải dây trên đường 12, có 3 người đi  thì đã chết 2, khi vào hầm tiếng ở cổ anh cứ hộc hộc, như lợn kêu đói, anh quân y muốn truyền huyết thanh cho anh ta, nhưng tìm không ra mạch, liền mổ một chỗ nhỏ ở cổ tay lấy panh kênh ống tĩnh mạch ra rồi cắm kim truyền vào. Cả đời tôi chưa thấy một trường hợp cấp cứu lạ kỳ và đặc biệt như vậy. Anh quân y nói với chúng tôi, tôi phải đi chốc nữa tôi quay lại, thế là 3 chúng tôi nằm ngay bên cạnh người đồng chí, chúng tôi ngủ thiếp đi và tiếng hộc hộc lúc đầu rõ to, nhưng lúc sau tôi không nghe thấy nữa, bọn tôi nghĩ bụng, chắc  anh ấy đã đỡ đau ngủ thiếp đi rồi. Khoảng một giờ sau người lính quân y quay lại, kiểm tra và nói anh ấy đã chết rồi. Chúng tôi thấy xót xa thương tiếc người bạn chiến đấu chưa quen biết. Anh quân y lục ba lô của người chiến sĩ lấy võng ra quấn và bọc anh ấy. Rồi chúng tôi đưa ra gốc cây, chờ tối sẽ chuyển xác anh ra ngoài.
          Có những hôm bọn địch dùng máy bay trực thăng, bay cao, với loa phóng thanh cực lớn, chúng lảm nhảm liên hồi câu “Hỡi các cán binh Bắc Việt, ngay bây giờ các bạn hãy hồi chánh với chánh nghĩa quốc gia, bạn hãy ra đường 12 cầm khăn trắng trên tay, chúng tôi sẽ tới đón bạn”. Trưa nào nắng cũng vậy, nhức cả đầu không nghỉ  được, lúc đó đành phải thức. Một hôm Phượng và Thể chải đầu và cúi xuống ấn ấn, di di, tôi thấy lạ hỏi: “các ông làm gì vậy”. Hai người đáp: “đang chải chấy”, tôi nói: “các ông ở bẩn quá chăng”. Rồi tôi nói: “đưa tôi thử chải xem sao”. Khi mọi người chải xong, tôi lấy lược và đưa lên đỉnh đầu vừa kéo xuống đến trán, thì mọi thứ trên đầu rơi xuống lộp bộp, cả đất cát, rồi thì cơ man nào chấy. Thế là cả hầm chúng tôi, anh nào cũng có chấy. Hoá ra tôi có nhiều chấy  nhất, chắc các anh kia đã chải nhiều lần rồi. Từ ngày vào chiến trường chúng tôi có tý xà phòng nào đâu. Chắc thế nên đầu có chấy lúc nào không biết.
          Một hôm chúng tôi được lệnh là đến tối cần hỗ trợ cho việc chuyển thương từ trong ra, vì bộ đội vận tải không đủ sức vừa đưa đạn dược vào rồi lại đưa thương binh ra. 3 chúng tôi giao hầm cho Thanh, Hùng quản lý thêm. Chúng tôi nhận một thương binh từ phía yến ngựa cáng trên võng và cho tới chân dốc phía bên Khe Tử, rồi bàn giao cho vận tải để đưa ra ngoài. Anh thương binh to con, nên khá nặng, Thể và Phượng đều là dân nhà  nông thế mà cũng thấy vất. Chúng tôi được dặn là phải nhẹ nhàng để tránh cho anh em đỡ đau đớn. Đi trong đêm tối khó nhìn thấy đường, trên đoạn đường phẳng còn đỡ, đến khi tới dốc phải xuồng với dốc nghiêng tới 45 độ thì phải có thêm 2 người nữa đi phía trước đẩy cáng võng. Người đẩy đã mệt còn người cáng còn mệt hơn vì đòn cáng cứ chúi xuống, miết trên vai. Chúng tôi phải thay nhau liên tục phía trước phải nâng cao lên, phía sau phải hạ xuống, vì mệt và mỏi nên phải nghỉ liên tục. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng cáng được hết dốc. Cái vai tôi ê  ẩm đến mấy ngày mới hết. Đúng là quen như cánh vận tải mới cáng dễ dàng, họ chỉ cần ít người mà cáng cứ đi băng băng. Đến gần nửa đêm chúng tôi mới về tới trận địa. Đêm đó cũng lại có trăng. Qua cuộc vận chuyển thương binh tôi được tiếp xúc với cánh vận tải. Hôm ấy các anh gùi đạn cối 60 ra cho mặt trận, mỗi người gánh 6 trái cối mỗi trái 3 cân, vậy tất cả 18 cân. Tôi hỏi một đại đội thường khoảng bao nhiêu, các anh nói, khoảng 20 người. Vây mỗi lần tải đạn thế này lính cối bắn được bao lâu. Các anh ấy nói: Bọn tôi chuyển hai đếm các ông ấy cạch thoải mái thì được khoảng 10 đến 15 phút. Rồi lại tìm hiểu cánh 12 ly 7. Ở đây 12 ly bảy không hiệu quả bằng 14 ly 5. Vì máy bay F4 và OV10 bay cao trên 3 km, chỉ có 14 ly 5 bắn mới có hiệu quả. Hơn nữa 12 ly 7, bắn xong nòng toả khói đen dễ lộ trận địa
         Sau này khi bình tĩnh lại tôi mới thấy lý do tôi bắn đều bị đạn nằm ngoài kính ngắm. Thực ra đối với các anh đã bắn vài quả rồi thì điều này dễ xử lý, nhưng với tôi là lần đầu tiên thành mất bình tĩnh, Có lẽ địa hình ảnh hưởng tới việc bắn, và yếu tố tâm lý của những người bắn quả đầu tiên là quan trọng. Chắc chắn yếu tố tâm lý đã ảnh hưởng tới lần bắn của tôi,  ban đầu không thấy đạn trong kính, chắc càng bối rối hơn.
          Vài ngày sau đó, cối địch cạch liên tục lên trận địa của tôi, tiếng cối nghe sao đanh và chói tai thế. Mỗi ngày vài ba trận, mỗi trận đến hàng giờ đồng hồ. Mỗi quả cối nổ, có lẽ mảnh văng ra nhiều phía nên độ sát thương rất cao, có mấy quả nổ sát miệng hầm nhưng chúng tôi không bị sao cả. Một ngày đã vào hạ tuần tháng 8 năm 1972. Hôm đó anh Phượng thông báo cấp trên lệnh cho chúng tôi rút khỏi trận địa. Tôi chỉ nhớ ngày rút khỏi trận địa của B72 tại Tây nam Huế  vào trước 20 tháng 8 (1972). Vậy là tôi đã ở trận địa được gần chục ngày và tôi cũng  hết dịp bắn ở đây để may ra hạ được cái xe tăng nào đó, tôi là người một trong những anh em chốt lần cuối tại đây. Sau khi nhận được lệnh sẩm tối chúng tôi  rút về bến kia yên ngựa, để gặp anh Phượng, và các anh em khác: lúc đó có Phượng B trưởng Hùng,  Thanh, Nhi, Duy, Phượng (A3), Thể, Sự. Những ngày này địch liên tục bắn pháo sáng nên chỉ ở chỗ rậm cây mới tối còn thì chúng tôi nhìn thấy rõ đường đi. Sau khi vượt được dốc và tụt xuống, đoàn đi ra có cả các đơn vị khác, khi đi vào Khe Tử được vài chục mét, bỗng nhiên pháo sáng  rực trời và pháo địch bắt đầu kích cấp tập vào Khe Tử.  Anh Phượng nói chúng tôi lui lại tránh pháo. Chỗ dốc đi vào Khe Tử có những tảng đá lớn như những nhà 3 tầng bây giờ, chúng tôi lui lại đứng tránh trong đó. Ở đây cây cối rậm rạp không nhìn thấy ánh pháo sáng, lính tráng các đơn vị ngồi lẫn với nhau, tán chuyện. Khoảng nửa tiếng sau tiếng pháo ngớt dần sau khoảng 15 phút tiếp thì im bặt. Chúng tôi lục tục đi tới đường vào Khe Tử, ngó tới phía trước tối câm, Pháo sáng không còn nữa, tìm hỏi anh Phượng phía sau chẳng thấy đâu cả. Tìm một hồi có người nói lúc nãy đã có một toán đã đi rồi. Tôi kiểm lại  anh em còn tụt lại cùng tôi, có tất cả bốn người: Tôi, Phượng, Thể, Hùng. Chúng tôi bàn đi tính lại, lúc này mà đi thì đêm tối, đường xá không biết, rất dễ bị gặp pháo. Các anh em đơn vị khác cũng tham gia, thôi ta đang trên đường rút. Cứ tìm hầm trú tạm, hôm sau sẽ tính. Chúng tôi được chỉ tới một căn hầm trong khoảng lõm cách đường ra trận địa dưới cao điểm 372 khoảng 100 m. Chúng tôi phải ở đây 2 ngày chờ có đoàn vận tải ra. Bên cạnh hầm chúng tôi là hầm có 3 lính người Hà Nội,  chiều hôm sau, tôi làm quen và hỏi chuyện biết các anh đều là dân phố Đồng Nhân Hà Nội, tôi nói tôi cũng ở Hà nội, tại Phố Tám (Phố Vọng bây giờ), thế là chúng tôi nhận nhau là đồng hương cùng Khu Hai Bà. Tôi cũng không hỏi nhiệm vụ các anh là gì, thế là hai hầm cứ qua lại thân thiết, họ cho chúng tôi ăn lương khô. Sau khi ở đây đến ngày thứ hai, sáng đó, trời mới hửng sáng,  hết nước tôi xách gùi đi lấy, vì hai hầm gần nhau, tôi rẽ qua hầm các anh lính Hà Nội, và ngồi trước miệng hầm, hỏi mọi người dậy chưa, trong hầm có tiếng trả lời còn muốn ngủ. Rồi tôi thong thả đi xuống suối. Vừa đong đầy gùi xong thì đột nhiên có tiếng pháo rít và nổ. Có đến mấy chục tiếng rit và nổ như vậy, chỗ lấy nước là một khe đá và có nhiều tảng đá cao che chắn, nên tôi yên tâm. Hết tiếng pháo tôi đi lên thì thấy mấy anh lính Hà Nội dìu nhau bước ra khỏi hầm. Tôi chưa kịp mở miệng, một anh thường nói chuyện với tôi nói: “Sự ơi!  bọn tao bị sức ép pháo phải đưa thằng này đi viện, mày vào lục xem có gì dùng được cứ lấy mà dùng”. Rồi các anh ra đi. Tôi bước lại hầm các anh, ngay chỗ cách đây mấy phút tôi đã ngồi, quả pháo đã trúng chỗ đó. Tôi chẳng còn lòng dạ nào lục lọi, xách gùi nước về hầm. Cả ngày hôm đó chúng tôi chờ đợi cho chóng tối. Xẩm tối chúng tôi đến tập trung tại đầu vị trí ra Khe Tử chờ các anh vận tải. Khác hôm trước cho mãi đến khuya chúng tôi mới lên đường. Đoàn chúng tôi ngoài lính B72 còn hơn chục người nữa cùng đi. Lần này chúng tôi đi thẳng hết cả con khe đi ra tới đường 12 và rẽ trái đi về hướng tây. Ra đến đây ánh pháo sáng từ phía đông trong vùng giao tranh (chắc là từ Động Tranh) toả xuống soi rõ con đường. Đi một đoạn chúng tôi gặp một đoàn quân đi ngược lại khoảng 20 người, anh nào anh nấy vai vác cây B40, B41 đã lắp sẵn đạn, sau lưng còn khoác thêm vài trái đạn nữa. Chúng tôi đứng lại hỏi thăm nhau và hỏi : “các ông ra chốt à”; Có tiếng đáp “chúng tôi xuất kích”. Trong đầu tôi nảy ra suy nghĩ: Trời! lính ta xuất kích toàn bằng B40, B41, chẳng thấy ông nào đeo AK cả, khí thế thật hừng hực. Sau khi tạm biệt đoàn quân ra trận chúng tôi đi một đoạn nữa và rẽ trái vào rừng. Các anh dẫn đường nói: “đã đến vị trí của chúng tôi các anh vào ngủ tạm, sáng mại hãy về, chúng tôi đồng ý và ngủ lại”. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm và lên đường, đi khơảng 20 phút đã đến chỗ cây nhiệt đới hôm nọ. Tôi nhìn lại vị trí cây nhiệt đới đã rơi chẳng thấy gì nữa, chắc mấy anh lính hôm nọ đã làm thịt nó rồi. Đi đến đoạn có tiếng mõ lóc cóc hôm trước cũng không thấy tiếng lóc cóc nữa. Tôi nhớ lại lời anh Phượng B trưởng giải thích “Chắc do lính mới nhập ngũ ở ngoài Bắc chưa kịp huấn luyện, nên vào đây được tập đánh trận”; không biết lời anh Phượng có đúng không nhưng tôi cũng tạm công nhận. Đến gần trưa thì chúng tôi về tới đơn vị. 
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét