31 thg 10, 2013

Một góc nhỏ Nỗi lòng thầy Thái Thanh Sơn

honngv: Cảm động thay: Thầy đã 80 Xuân mà Nỗi Lòng đâu có nhẹ ! Tuổi càng cao, trí càng lưu tích, nỗi tâm tư càng nặng càng "đau". Không hổ thẹn với lời Tiền Nhân, đại ý: thất phu hữu trách trước vận nước. (tránh gõ nguyên văn câu này!...). Ở thế giới văn minh, những người như Thầy đâu còn fải âu lo như thế nữa !

Xin phép thầy em copy và post về đây một góc Tâm tư ấy của thầy, đặng anh em k14vt chúng em đọc được càng nhớ càng hiểu thêm, càng kính trọng Thầy hơn, (Và bớt đi nỗi "sợ", nỗi "hèn").
Em hy vọng mọi người đều hiểu hết được Nỗi lòng... của Thầy - Người THẦY của bọn hậu sinh chúng em, 1 bọn cũng "hữu TÂM vô LỰC".

Thứ sáu, ngày 03 tháng tám năm 2012
CẢM HOÀI...
ĐẶNG DUNG (鄧容), CẢM HOÀI (感懷)

Trong hàng ngàn bài thơ theo luật Thất ngôn bát cú luật của Việt Nam cũng như Đường thi của Trung Quốc mà tôi đã đọc, những bài liên quan đến tâm sự người tráng sĩ trước vận nước, có lẽ không có bài nào có thể so sánh được với bài Cảm hoài của tráng sĩ thi nhân Đặng Dung của chúng ta.

Trong cả dòng Thất ngôn bát cú, một bài khác có thể để bên viên ngọc quý này là bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.


Tuy nhiên tâm sự của Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng hạc lâu là dòng tâm sự thương nhớ quê hương man mác buồn...thật khó mà so sánh được với tâm sự giằng xé, cay đắng của Đăng Dung trong Cảm hoài, khó so sánh được cả về nội lực văn chương, cả về nhãn quan lẫn văn phong.

Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu đã được đề cập nhiều tại Việt Nam, có lẽ ai là người yêu Thơ đều biết, trong bài này tôi chỉ xem như một đề dẫn, nhân đó mà bàn về bài Cảm hoài của Đặng Dung mà tôi rất tâm đắc...nhất là trong cảnh kẻ sĩ cuối đời hữu TÂM vô LỰC.

Thơ văn của Đặng Dung chỉ còn lưu lại chỉ mỗi một bài Cảm hoài.

Đó là một bài thơ mà tám câu thẩy đều xuất sắc, mỗi câu là một trang sử, lời thơ chứa nhiều kiến văn của một người có sức học rất rộng, tài hoa trong việc chọn điển từ, điển tích, quyết đoán trong việc đánh giá ai xứng đáng được gọi là anh hùng, ai là tên tiểu tốt hay loại bần tiện trong lịch sử Trung quốc và Việt Nam. Toàn bộ bài thơ là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ trong cơn quốc nạn.

Danh sĩ Lý Tử Tấn người đồng khoa tiến sĩ với Nguyễn Trãi, là phó soái Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thời vua Lê Thánh Tông, vào giữa thế kỷ XV, khi nhận xét về bài thơ này, Lý danh sĩ phê “phi hào kiệt chí sĩ bất năng“ (nếu không phải là người hào kiệt ,tráng sĩ thì không thể trước tác nổi).

Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà .
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca .
Thời lai đồ điếu thành công dị .
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa .
Trí chúa hữu hoài phù địa trục .
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà .
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch .
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma..

Dịch nghĩa:.

Chuyện đời bối rối tuổi già .
Trời đất bao la, chỉ muốn nhập vào cuộc rượu vui .
Gặp thời đến, kẻ bán thịt (Dũng tướng Phàn Khoái đời Hán, lúc hàn vi bán thịt chó), lão câu cá (Khương Tử Nha thả câu trên sông Vị) cũng thành công dễ dàng.
Vận đã qua mất, tráng sĩ cũng đành ôm mối hận nhiều.
Dẫu có lòng phò chúa, nâng cả trục trái đất.
Nhưng không còn đường thắng lợi trở về rửa sạch gươm đao.
Thù nước chưa báo thì mái đầu đã bạc.
Bao phen dưới trăng mài kiếm Long tuyền.

Ôi! Giáo dục nước nhà còn suy tàn, mái đầu nay đã trắng.
Đã bao đêm gõ bàn phím suốt canh thâu.... .

Được đăng bởi Qingshan vào lúc 00:53 ngày 03 tháng tám năm 2012
Theo qingshan-cai.blogspot (Blog của thầy Thái Thanh Sơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét