18 thg 1, 2014

Ai cần đến những công trình nghiên cứu kiểu này?

Theo Đao Hiếu

honngv: Riêng trong ngành Điện tử tại hầu hết các cơ sở nghiên cứu khoa học (Viện, Trung tâm, thậm chí cấp Bộ), đặc biệt các luận án tiến sỹ hiện nay đều thấy hình bóng các kiểu đề tài, dự án loại này.

Hình vẽ MA PHƯƠNG
Hình vẽ MA PHƯƠNG
Trong đại phong trào nghiên cứu khoa học ở nước ta, có những “đề tài nghiên cứu” rất nực cười: hàm lượng trí tuệ – tri thức (tạm gọi hàm lượng 4T) bằng 0, giá trị ứng dụng cũng bằng 0. Những “công trình” kiểu đó được viết chỉ trong một đêm; nghiệm thu xong thì lập tức trở thành giấy lộn.


Tôi sẽ KHÔNG nói ở đây về loại “đề tài” này. Cái tôi muốn nói ở đây là về những công trình có hàm lượng 4T thực sự rất cao. Chúng được thực hiện bởi những chuyên gia cao cấp, có vị trí đáng nể trong giới khoa học. Chúng đòi hỏi một nền kiến thức chuyên rất sâu, lượng kiến thức cũng khá nhiều, và đặc biệt, yêu cầu cường độ lao động trí óc thực sự cao, bởi những bài toán cần giải là rất khó. Vậy mà thực ra chúng vẫn cho những kết quả hoàn toàn vô bổ! Vâng, có không ít những công trình kiểu đó.

Xin dẫn ra vài ví dụ. Các ví dụ này đều được lấy trong lĩnh vực Toán Học. (Lý do là vì tôi đã từng theo ngành Toán; sau khi phát hiện ra mình không đủ tài để trở thành nhà toán học, tôi xoay sang kiếm ăn thuần túy, nhưng thỉnh thoảng vẫn nổi cơn hâm đi nghe người ta nói về Toán.)

Chuyện thứ nhất. Một hôm tôi mò đến hội trường khoa Toán một trường đại học để nghe một giáo sư “người Tây hẳn hoi” thuyết trình về lĩnh vực nghiên cứu của ông ấy. Trông ông giáo sư thật đẹp, tướng mạo sáng ngời, tác phong đĩnh đạc. Lĩnh vực nghiên cứu của ông ấy (và của mấy nhóm nghiên cứu ở mấy nước) xuất phát từ bài toán cổ Trung Hoa về “ma phương” (hình vuông màu nhiệm): điền các chữ số từ 1 đến 9 vào 9 hình vuông nhỏ ghép thành một hình vuông lớn, sao cho khi cộng các số theo mỗi hàng dọc, ngang và mỗi đường chéo đều được tổng như nhau. Các nhà toán học tham gia hướng nghiên cứu này đã phát triển bài toán theo hướng sau: thay vì các ô nhỏ là hình vuông, họ xét các tam giác, ngũ giác, lục giác, v.v., và thay vì 9 ô, họ xét trường hợp số ô là một số khác. Theo hướng nghiên cứu này, hàng trăm bài báo đã được công bố, hàng chục người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, có người đã được phong giáo sư.

Hầu hết chúng tôi ngồi dưới nghe đều biết rằng những bài toán đó rất khó, nhưng đều cho rằng những nghiên cứu kiểu đó chẳng cho lợi lộc gì. Ý nghĩa về nhận thức cũng không. Khi một sinh viên toán đánh bạo hỏi giáo sư về tính ứng dụng của hướng nghiên cứu, ngài giáo sư nói nó có ứng dụng trong xây dựng!

Có lẽ, trừ từ miệng người điên, tôi chưa bao giờ được/phải nghe một phát ngôn ngu xuẩn đến như vậy! Thà rằng ông ta bảo những cái hình có các ô đa giác đó khi đeo trước ngực sẽ trừ được ma tà, như người thời cổ từng tin vào ma phương, nghe còn đỡ dở hơi hơn.

Chuyện thứ hai. Tại séminaire ở một viện nghiên cứu, tác giả công trình trình bày một phương án tổng quát hóa bài toán điều khiển tối ưu. Trong lý thuyết điều khiển tối ưu cổ điển, đối tượng được điều khiển là vật thể (tên lửa chẳng hạn) chuyển động trong không gian 3 chiều (mô hình của không gian vũ trụ của chúng ta). Trong bài toán tổng quát dựa trên các phương pháp hiện đại, tác giả nghiên cứu bài toán điều khiển tối ưu một đối tượng chuyển động trong “không gian vô hạn chiều”! Trời đất quỷ thần ơi! Liệu có bao giờ loài người phải bắn đi một quả tên lửa trong một “không gian Hilbert” (vô hạn chiều) hay không? Hay là thứ Toán Học này dùng để bán cho cái loài người trong không gian vô hạn chiều, loài người mà cơ thể là vật thể vô hạn chiều?

Tuy nhiên, không giống loại cử tọa tầm thường như tôi, các giáo sư, tiến sĩ ngồi dưới nghe gật gù tán thưởng. Phải chăng họ có cái nhìn vô hạn chiều nên thấy được lợi ích to lớn của công trình?

Hai ví dụ vừa nêu có thể được “nhận diện” tương đối dễ dàng là vô bổ. (Nhưng đó là nói đối với người đời thôi, còn với các nhà toán học thì chưa chắc!) Nhưng còn có những nghiên cứu khác mà sự vô nghĩa của chúng rất khó thấy. Những công trình kiểu đó tràn ngập khắp nơi, đặc biệt từ khi trong Toán Học xuất hiện cái gọi là “phương pháp tiên đề”. Bất kỳ ai đã từng học qua và hiểu được một vài lý thuyết xây dựng theo phương pháp này đều có thể tự mình bịa ra một lý thuyết mới bằng cách đưa ra một hệ thống các yêu cầu (các tiên đề) phi mâu thuẫn, sau đó bắt đầu tìm kiếm các tính chất của những đối tượng đáp ứng những yêu cầu đó. Tất nhiên, thường thì người ta lấy một hệ tiên đề của một lý thuyết đã phát triển từ trước rồi thay đổi hoặc bỏ đi một vài tiên đề để xây dựng lý thuyết mới. Hàng ngàn, hàng vạn công trình được thực hiện theo cách như vậy. Chúng có được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín hay không, điều này tùy thuộc khá nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ với các ban biên tập và các chuyên gia phản biện.

Trong một thứ khoa học trừu tượng như Toán Học, không hề có kiểu hoạt động phê bình như trong sinh hoạt văn học. Người trong cuộc chỉ quan tâm nghiên cứu lĩnh vực của mình. Người “ngoại đạo” không có quyền xía vô. Vì vậy, câu hỏi “Có ý nghĩa hay không?” không được ai quan tâm.

Lev Pontryagin, nhà toán học nổi tiếng người Nga thời Soviet nhận thức rất rõ điều này, và ông đã từng nói rằng nhà toán học “tạo ra cái đẹp cho chính mình” nên không có quyền đòi hỏi xã hội phải có trách nhiệm với mình. Theo tinh thần đó, có lẽ những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học trừu tượng cũng nên nghĩ đến khía cạnh đạo đức của công tác nghiên cứu. Nếu đã ăn lương nhà nước thì nên làm những gì xã hội cần.

Tất nhiên, chữ “cần” ở đây không nên hiểu theo nghĩa kinh tế. Có thể chỉ cần theo nghĩa nâng cao nhận thức. Nhưng vấn đề nhận thức đó phải có được sự quan tâm của cả những người ở ngoài nhóm nghiên cứu.

MAI CẦN LANG

1 nhận xét:

  1. Đã hàng chục năm nay, cái gọi là đề tài khoa học chỉ là cái cớ để giải ngân, kiếm chác, móc túi tiền của Nhân dân, của nhà nước thôi, Càng hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì càng nhập siêu nhiều chứ có phát minh, sáng chế được cái gì, ngay cả đồ dân dụng thông thường như cái kim khâu, lưỡi dao cạo râu, máy xay sinh tố.v.v... cũng có làm được đâu. VN có sản xuất được máy gặt đập liên hợp, máy bóc lạc, xía hạt ngô, thu hoạch mía, sào hái bưởi, hái dừa, hái thốt nốt.v.v.. thì cũng toàn là do các "giáo sư" hai lúa không có bằng cấp gì tự sáng chế ra chứ các giáo sư, TS của VN đã có phát minh nào được hợp lý hóa sản xuất đâu. Vừa rôi, có cái vệ tinh siêu nhỏ của FPT sản xuất và nhớ Nhật bản phóng lên đã lâu lâu rồi mà không thấy đưa tin xem là lên không gian có sống hay đã nghẻo rồi ko biết :))

    Trả lờiXóa