25 thg 10, 2014

VN phải chạy đuổi theo Lào và Campuchia.

honngv: Chẳng muốn nhưng cũng phải ngoái ngang nhìn qua Kinh tế nước nhà bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới "ví" của mỗi người. Buồn kg các bạn ?!

16/10/2014 09:42
Hải Băng

Cứ đà phát triển như hiện nay không những chấp nhận thua mà VN còn phải chạy đuổi theo Lào và Campuchia.


Th.S Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới.

PV:- Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra khảo sát GDP bình quân đầu người năm 2013 của VN là 1.910 USD/người chỉ cao hơn Lào hơn 300USD/người và 900USD so với Campuchia.  Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phải thừa nhận “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình”. Ông có bất ngờ về nhận định trên không và tại sao? Theo ông, vì sao thông tin kinh tế Việt Nam thua kém những nước như Lào và Campuchia luôn gây sự băn khoăn lớn trong dư luận đến vậy?

Th.S Bùi Ngọc Sơn: Tôi không cho rằng nhận định trên là điều có thể gây bất ngờ. Nhìn vào thực tế, nền kinh tế VN mấy năm qua sẽ thấy chính sách, môi trường không đem lại sự cải thiện nào cho nền kinh tế. Trong khi, tài nguyên đang bị tiêu hao, nợ công lớn dần, khu vực kinh tế sản xuất trì trệ, chết đứng không tạo ra được của cải dôi dư. Còn Lào và Campuchia lại đang trở thành môi trường tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài do chính sách làm ăn thông thoáng, họ lại đang ở giai đoạn đầu của các nước đang phát triển và có tốc độ phát triển rất cao.

Khi Lào và Campuchia đang ở đà phát triển cao như vậy mà VN lại chậm, thậm chí còn thụt lùi thì việc thua họ là đương nhiên.

Campuchia sản xuất ô tô, VN chạy đua đào tạo tiến sĩ  
Campuchia sản xuất ô tô, VN chạy đua đào tạo tiến sĩ


Điều khiến dư luận giật mình tức là Lào và Campuchia đã cho VN thấy không còn khái niệm “tôi yếu kém, đi sau anh thì tôi phải thua anh”, mà họ đang cho thấy họ đã sắp vượt mặt VN. Thêm cả Myanmar, Lào và Campuchia, sức cạnh tranh của các nước láng giềng cạnh VN đang lên rất mạnh, nếu không thay đổi chỉ trong ít thời gian nữa họ sẽ bỏ xa VN mà vươn lên.

Với nhận định của tôi, cứ nhìn vào cách thức làm ăn như hiện nay chắc chắn VN sẽ bị tụt hậu. Những con số khảo sát này cho thấy rõ điều đó đang diễn ra trên thực tế chứ không còn là cảnh báo nữa và tình hình ngày càng trầm trọng lên.

PV:- Cùng với GDP được cho là sắp thấp hơn Lào và Campuchia, Việt Nam đang bị đánh giá thấp về năng lực sáng tạo của nền kinh tế thua Lào, tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo… đang thua kém Campuchia. Có thể nói dự báo VN thua Lào và Campuchia đã dần thành hiện thực được chưa, thưa ông, đặc biệt trong bối cảnh, nhiều chuyên gia đã khẳng định, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình?

Th.S Bùi Ngọc Sơn: Tôi cho rằng VN thua Lào và Campuchia đã trở thành hiện thực rồi chứ không còn là dự báo nữa. Công nghiệp ô tô chúng ta đi trước Campuchia cả mấy chục năm, nhưng trong 20 năm phát triển ngành công nghiệp này VN vẫn là lắp ráp, gia công trong khi Campuchia đã đón nhận chiếc ô tô tự sản xuất đầu tiên. VN chỉ có niềm tự hào lớn nhất, hơn Lào và Campuchia được công nghệ đào tạo và số lượng tiến sĩ, giáo sư.

Tức là họ làm có chủ đích, có ý đồ để vươn tới làm chủ công nghệ, khẳng định vị thế trong khi VN chỉ quan tâm tới GDP và tiền bạc. Với tình trạng sức khỏe như hiện nay, VN lại đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì vấn đề đặt ra là VN thua tới mức nào và Lào – Campuchia sẽ tiến nhanh tới đâu chứ không phải câu chuyện dự báo trong tương lai nữa.

Nhất là trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh dữ dội nhưng VN trong tay không có gì từ công nghệ, trình độ quản lý tới tiềm năng kinh tế… tức là cứ nằm chờ cơ hội đưa đẩy mình thì rất nguy hiểm. Cứ với cách làm thụ động, ngồi yên để đi từ giật mình này tới giật mình khác, chỉ trong vài năm tới VN sẽ phải đuổi theo Lào và Campuchia.

Trong khi Lào họ đang làm thật thì VN lại đang cổ vũ nhau bằng các chỉ số GDP, thậm chí có cả những thứ rất kỳ quặc như chỉ tiêu tăng tưởng tín dụng… Tôi phải nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng không phải mục tiêu, nó chỉ là phương tiện, là chỉ tiêu phản ánh chứ không thể coi đó là mục tiêu. Cái quan trọng là nhìn thẳng vào cách thức tăng trưởng GDP được tạo ra từ đâu, tăng trưởng phải bền vững, chắc chắn… khi đó tăng trưởng tín dụng sẽ lên. Cách tăng trưởng tín dụng bằng cách bơm tiền ra một thị trường đang bị tê liệt, không thể hấp thụ được chỉ làm rối loạn thêm thị trường.

Tức là, làm nhưng không có kế hoạch cụ thể rõ ràng. Tại sao phải làm như vậy, làm vậy thì phải cần nguồn lực bao nhiêu, cơ chế nào, ai làm là hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của nhà nước là gì… tất cả không được thể hiện rõ.

PV:- Xem xét cụ thể hơn, thưa ông, cách thức phát triển của Lào và Campuchia hiện nay giống và khác con đường Việt Nam đã đi qua như thế nào? Nếu như vậy, Lào và Campuchia có cơ hội nhìn vào bài học Việt Nam mà tránh được “bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam đang vướng vào hay không? Đã có dấu hiệu gì chứng tỏ điều đó ở hai nền kinh tế này?

Th.S Bùi Ngọc Sơn: Tôi không đi sâu nghiên cứu hai nền kinh tế này, nhưng theo đánh giá của tôi hai nền kinh tế này cũng có cách đi lên gần giống VN. Giai đoạn đầu cũng tăng trưởng chủ yếu nhờ tận dụng tài nguyên, tận dụng lao động.

Tuy nhiên, một quốc gia muốn đi lên, đạt được sự tăng trưởng bền vững phải tạo ra được sự tăng trưởng ban đầu bắt đầu từ thiết lập một hệ thống thể chế thuận lợi, phù hợp với điều kiện, bối cảnh phát triển của mỗi nước đó.

Chính sách phải khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh, khuyến khích đổi mới mới trường tồn được, nếu lúc nào cũng trong ảo tưởng sắp cất cánh nhưng cứ nằm mãi trên đường băng chờ điều kiện thì đến một lúc nào đó cũng sẽ dậm chân tại chỗ.

PV:- Phía Bộ KHĐT cho rằng, phải duy trì tăng trưởng ở mức 6-7% mới giúp tránh được tương lai gần trên nhưng theo nhiều chuyên gia đã nhận định, cách thức tăng trưởng không dựa vào phát triển sản xuất, tăng nội lực của nền kinh tế như ở VN hiện nay không đưa kinh tế Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn. Ông bình luận như thế nào về hai ý kiến trên? Theo quan điểm cá nhân ông, Việt Nam có cách nào để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” đang vướng phải, để nền kinh tế có thể đứng vững được trước những thách thức WTO sắp tới?

Th.S Bùi Ngọc Sơn: Đó là điều chính xác. Chỉ tiêu cứ đưa ra nhưng duy trì bền vững được mới là quan trọng.

Nếu cứ làm như hiện nay, rất khó để VN có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nền kinh tế còn coi DNNN là chủ đạo của nền kinh tế, còn trông chờ vào DNNN trong khi nhóm này đang làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, BĐS đắp đống, nợ xấu lên cao, khu vực sản xuất dậm chân tại chỗ… thì khó nhìn thấy sự thay đổi trong thời gian tới.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Lam Lam

1 nhận xét:

  1. Xét về mặt lợi ích cho đất nước thì ta thua nhưng nếu xét về mặt lợi ích cho cá nhân các quan trên thì cũng chưa biết được họ liệu có đuổi kịp ko? Các quan chức ta hiện nay đa số đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, đi trước cả nhân loại ở chỗ là họ đã thành công về tiêu chuẩn chế độ CSCN cho ít nhất là đối với gia đình họ, đấy là một tiêu chí không những Lào, CPC mà cả thế giới chưa ai bằng được chứ chưa nói chuyện vượt!

    Trả lờiXóa