HNV: Cái tin nhắn sặc mùi... tiền thì "ai cũng hiểu, chẳng người nào kg hiểu", có điều đã bị lộ hay chưa mà thôi ! Còn cái phát ngôn ấn tượng của ông PGS.Ts N. H.T, nguyên Viện trưởng Viện KH
hành chính (Học viện HCQG) thì qủa là khá bất ngờ. Bất ngờ vì với học hàm, học vị, chức tước ấy mà cái trí như vầy thì dân đen trông ngóng vào cái gì đây ?!
Hiếm có tuần nào như tuần này, quan trí và quan đức bỗng nhiên được
dư luận xã hội quan tâm và bàn tán rôm rả. Là bởi có hai vụ việc với
những phát ngôn, những thông tin khá ấn tượng, để lại dư âm vừa khá hài
vừa khá … thất vọng.
Vạ từ miệng vạ ra
Đó là bởi cách đây ít lâu, các cán bộ, đảng viên vừa thảo luận góp ý
cho dự thảo các văn kiện ĐH Đảng XI về việc cần thay đổi cơ chế bầu chọn
cán bộ một cách dân chủ, trước dư luận chạy chức chạy quyền, đến mức bị
gọi là “đấu thầu” cán bộ. Ý kiến chưa ngã ngũ, thì xã hội bỗng xới xáo
lên phát ngôn ấn tượng của ông PGS.Ts N. H.T, nguyên Viện trưởng Viện KH
hành chính (Học viện HCQG), khi ông điềm nhiên cho rằng, cần luật hóa
cho phép chạy chức, chạy quyền.
Ở góc độ truyền thông, tờ báo phỏng vấn ông đã thành công khi gây tranh cãi ồn ào, cuốn hút bạn đọc.
Thi tuyển công chức ở Bộ Nội Vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ở góc độ phát ngôn ấn tượng, ông N.H.T cũng đã thành công khi khiến cả XH phải tốn bút mực bàn luận về những phát ngôn của ông.
Nhưng ở góc độ tư duy, ông cũng là người “thành công” nốt khi khiến
cả XH thêm ấn tượng sâu sắc ... xấu về quan trí. Dù đọc toàn bộ bài trả
lời phỏng vấn, thấy ở ông là sự chân thành.
Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông đưa ra rất nhiều cách nhìn
trong thời kinh tế thị trường, tựu trung lại, có hai phép so sánh sinh
động nhưng là so sánh… chết người. Bởi đó là sự khập khiễng, sự lầm lẫn
những giá trị, thậm chí như là đánh tráo khái niệm.
Khập khiễng, khi ông ám chỉ việc chạy chức chạy quyền ở Mỹ, ngay cả ông Obama cũng phải “chạy”.
Giá Obama biết tiếng Việt, hẳn sẽ kiện ông tội vu khống.
Bởi ông quên rằng, thiết chế chính trị tam quyền phân lập của Mỹ khác
hẳn với thiết chế chính trị của nhiều nước. Ở đó, việc ứng viên tranh
cử để được đảng (của họ) tiến cử phải thông qua một chương trình, một
cương lĩnh phát triển nghiêm túc. Đồng tiền họ cần để “chạy” chính là
khi vận động, tranh thủ các cử tri bỏ phiếu, và đồng tiền này là của các
doanh nghiệp làm Mạnh thường quân tài trợ cho các đảng phái. Nhưng tất
cả đều phải tuân thủ nguyên tắc- minh bạch.
Trong khi đó, cái chữ “chạy” của không ít kẻ trong XH nước Việt, thực chất là mua quan bán tước, mua ghế, thực chất là anh rút chân giò tôi thò chai rượu. Ở
đó, chỉ có giao dịch đen giữa cá nhân với cá nhân, mà cương lĩnh của kẻ
“chạy”, dù không tuyên bố nhưng ai cũng hiểu, là làm sao vơ vét được
thật nhiều, để bù vào cái khoản đã “chạy”. Tham nhũng nối tiếp hối lộ.
Đó là vòng đời được … minh bạch của “chạy”.
Người dân còn chưa quên những chữ ký gấp của nhiều quan chức trước
khi hạ cánh cho không ít các thuộc cấp của họ có chức có quyền. Cho dù
các vị này cuối cùng hạ cánh có an toàn đi chăng nữa, thì trăm năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Nay cái chữ “chạy” đó bỗng nhiên được đề nghị luật hóa, được thừa
nhận, có nghĩa là sự thừa nhận công cuộc phòng chống tham nhũng đó không
thành công, thừa nhận nước Việt lại tiếp tục... cô đơn với một
quy định luật pháp mà chả quốc gia nào văn minh, tiến bộ đi trước lại
ứng dụng. Vì nó không chỉ gây rối ren trong đạo lý văn hóa một xã hội,
mà nó còn nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, thực sự đi ngược lại những
giá trị của nhân cách người. Vì sao?
Ảnh minh họa |
Nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, là bởi, ông N.H.T nhắc đi nhắc lại về cơ chế thị trường: Như
vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi
nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung- cầu. Thế nhưng, chúng ta
không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới
dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm quy luật này, mới sinh ra
chạy chức, chạy quyền.
Cơ chế kinh tế thị trường với nước Việt còn quá mới mẻ, nhất là lý
luận còn mỏng, chưa đủ sức thuyết phục. Nhưng sản phẩm chủ thể của cơ
chế thị trường là hàng hóa. Còn chủ thể của quyền lực- quyền uy, dù muốn
hay không là trí tuệ, và phẩm cách con người. Một khi nén bạc đã đâm toạc phẩm cách,
thì cái phẩm cách đó có đủ sức hướng đạo cho cả một nền tảng văn hóa-
đạo lý XH hay không? Nếu thực chất đồng tiền luôn đứng sau… chỉ đạo?
Xin được hỏi, nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” được thừa nhận, liệu
ông có bảo đảm những người “đấu thầu” trúng chức quyền, đều là những
người tài giỏi, có năng lực? Bởi tiếc thay trong XH ta, không phải lúc
nào sự tài giỏi và có tiền bạc cũng là cặp đôi hoàn hảo.
Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền”
thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì
quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng,
tương thích của một XH.
Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.
Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.
Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..
Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.
Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/01, tác giả Đinh Duy Hòa đã dự báo: Bộ
máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các
bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ
tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống
hành chính tiền tệ cho chính xác.
Chưa biết, “Luật chạy chức, chạy quyền” có biến thành hiện thực hay
không, nhưng với tư duy khác đời như thế, đã có những câu hỏi hoài nghi
ngay chính về bằng cấp của ông.
Tiền nhân xưa có câu ngạn ngữ thâm thúy: Phải uốn lưỡi 07 lần trước khi nói, để khuyên nhủ người đương thời và hậu thế nên biết cẩn trọng khi phát ngôn, kẻo vạ từ miệng vạ ra.
Mà với câu răn dạy đó, hẳn ông N.H.T là học trò… kém?
Mùi gì?
Dư luận XH về “Luật chạy chức, chạy quyền” chưa lắng xuống, XH lại
“sốc” tiếp bởi một vụ việc chả lấy gì làm tốt đẹp, hay ho, xung quanh
những mẩu tin ngắn được nhắn qua lại giữa hai người, một quan chức, một
doanh nhân, bất ngờ bị (hay được) công khai trên báo chí. Một người là
ông N. H. T, Thứ trưởng Bộ GTVT. Người kia là một nữ doanh nhân có tên
H.
Đọc toàn bộ tin nhắn đã công khai, người ta dễ suy luận ra là bà H đòi lại ông này số tiền mà theo tin nhắn nguyên văn: Tổng
em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xzacs là 200 triệu và 10 ngàn
đô, còn 3 lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ, để em hỏi
lại cậu thư ký hay đi cùng, anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em
phải vay lãi 1 triệu/10 nghìn ngày đó anh ạ (Bảo vệ pháp luật, ngày 23/01).
|
Ảnh: saigondautu.vn |
Hóa ra cái tin nhắn đó liên quan đến việc xin tham gia gói thầu
RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam VRAMP, mà bà H,
Chủ tịch HĐQT Công ty cố phần TH, là một trong những đơn vị doanh nghiệp
có nhu cầu.
Đặt cái tin nhắn đầy mùi tiền bạc đó, trong bối cảnh ông Thứ trưởng
GTVT là người có thẩm quyền bút phê dự án này, trong bối cảnh xã hội nạn
tham nhũng phổ biến, hẳn người có trí tuệ trung bình trở lên cũng phải
nghĩ, đó là tin nhắn đòi lại tiền đã đưa. Tiến sĩ Tô Văn Trường trong
một bài viết trên mạng truyền thông XH đã gọi đích danh “Đã bốc mùi hối
lộ chạy dự án”.
Còn những người quá hiểu “luật đời” trong mối quan hệ làm ăn với các
dự án cho rằng, một trong hai người đã phạm “luật giang hồ”- tức là
không thực hiện được đúng cam kết, thì phải trả lại tiền. Thực hư ra
sao, bản chất những tin nhắn đó là gì, chắc chắn chỉ hai người trong
cuộc biết với nhau.
Cũng ngay trong tuần, trước những thông tin, những bình luận ồn ào
trên báo chí, mạng truyền thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã có ngay một hành
động nhanh chóng, như mọi lần xảy ra các vụ việc, liên quan đến thẩm
quyền, chức năng nhiệm vụ. Đó là ra quyết định thanh tra đột xuất công
tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN
(VRAMP), nhằm làm rõ các thông tin đăng tải trên báo chí trước đó cho
rằng, bút phê của Thứ trưởng Bộ GTVT N. H.T vào đơn xin tham gia thực
hiện các gói thầu thuộc dự án VRAMP do bà H.T.D.H. – Chủ tịch HÐQT Công
ty CP đầu tư TH – gửi ông này.
Tuy nhiên, cho dù nhanh chóng có động thái để xử lý vấn đề, dư luận
xung quanh vụ việc này lại bỗng hoài nghi, trước cung cách và quan niệm
xử lý vụ việc.
Vì sao, việc thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1
thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP) đang có nhiều tai tiếng,
lại do chính thanh tra của Bộ GTVT tiến hành. Điều đó được ví như Bộ
GTVT vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì nếu có tiêu cực thật, sớm muộn gì Bộ
GTVT và những người quản lý, có trách nhiệm cũng có liên quan. Vậy việc
thanh tra liệu có bảo đảm kết quả khách quan?
Trong khi mối quan hệ này rõ ràng không thể chỉ là mối quan hệ cá
nhân, nó liên quan đến lợi ích của một doanh nghiệp, liên quan đến việc
đấu thầu một gói thầu mà Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, liên quan đến cả
tư cách của một quan chức cấp bộ.
Chỉ xin mượn ý câu trong ca khúc Phượng hồng: Ai cũng hiểu chỉ một người không chịu hiểu/ Nên có một gã không khờ ngọng ngịu ngó làm lơ.
Và thêm điều này mới đáng chú ý, ngay sau vụ việc tin nhắn tai tiếng,
ngay sau những quyết định của Bộ GTVT còn khiến dư luận XH ồn ào bàn
tán, theo báo Đất Việt, ngày 27/01, Bộ GTVT liên tiếp đưa những thông
tin mang tính cảnh báo, răn đe những người gọi điện thoại đến các cơ
quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, để liên hệ công tác, làm việc, xưng danh là
người thân quen của đồng chí Bộ trưởng GTVT. Theo đó, việc xưng
danh là người thân quen của Bộ trưởng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng
đến uy tín, danh dự của Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ GTVT,
đồng thời gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị.
Văn bản này cũng do chính ông Thứ trưởng N. H. T ký tên.
Việc làm này, đặt trong bối cảnh “tin nhắn hai chiều” vừa diễn ra với
những nghi vấn tiền bạc không sòng phẳng, phải chăng, nó là một thứ thủ
pháp, mẹo mực khôn mà không ngoan của ai đó tham mưu cho Bộ
GTVT nhằm xóa nhòa đi nghi vấn vụ việc mới đây. Tuy nhiên, trong thời
đại của IT, của thế giới phẳng, sự trí trá có thể giúp cho những ai đó
thoát tội, nhưng không dễ đánh lừa được dư luận XH.
Mọi vụ việc của “tin nhắn hai chiều” nói trên, của cuộc thanh tra gói
thầu dự án vẫn còn đang bỏ ngỏ… Dư luận XH vẫn đang chờ đợi và đòi hỏi
cách giải quyết minh bạch, sòng phẳng của Bộ GTVT, đặc biệt sau phần
chia sẻ của người đứng đầu bộ này tại cuộc họp báo Chính phủ.
Chợt nhớ một câu ngạn ngữ rất sâu sắc: Người ta có thể đánh lừa
được một người, đánh lừa được một tập thể, thậm chí đánh lừa một cộng
đồng, nhưng không thể đánh lừa được cuộc đời.
Lại có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi
khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức, chạy
quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoai di động… vạ ra!
Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/219469/chay-chuc-quyen-va-nhung-tin-nhan-mui-tien.html
Ở VN chẳng quan chức nào có lỗi và có tội cả, chỉ có nhân dân mới là người có lỗi và có tội. Nhân dân không ra được quyết định kỷ luật đóng triện dấu đổ, nhân dân không ra được quyết định cưỡng chế, nhân dân không có phương tiện truyền thông, nhân dân không được biểu tình, nhân dân không có tòa án để xử... và như vậy nhân dân luôn là người gánh chịu mọi tội lỗi ...nhân dân nghèo, ít tiền nên không thể "CHẠY"... được
Trả lờiXóa