29 thg 3, 2015

Thanh minh trong tiết tháng ba

TG: Đỗ Minh Ánh

"... Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh..."
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)


Tôi đã thuộc lòng những câu thơ này từ nhỏ và chúng cũng gợi nhớ cho tôi một kỷ niệm thời thơ ấu. Hồi đó, mỗi lần ru tôi ngủ mẹ tôi lại hát ru theo lời thơ Kiều đi thanh minh. Dần dần, những câu thơ đã in đậm trong đầu tôi lúc nào không hay. Khi lên năm tuổi, tôi vào lớp một. Buổi đầu tiên, thấy tôi nhỏ quá, các cô giáo đều không nhận tôi vào lớp. Hôm sau, bố tôi đưa tôi đến trường và gợi ý: "Con đọc cho các cô nghe bài Kiều đi thanh minh đi". Tôi đọc làu làu những câu thơ đó trong sự ngạc nhiên của các cô giáo. Tôi được vào lớp một sớm hơn một năm.


Vậy là đoạn thơ Kiều đi thanh minh đã gắn với một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, lúc ấy chỉ có giai điệu dễ nhớ của đoạn thơ là để lại ấn tượng cho tôi. Sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu rằng cảnh vật mà Nguyễn Du phác hoạ là cảnh vật trong ngày lễ thanh minh- một trong những tục lệ truyền thống của người á Đông.

Tết thanh minh và tục lệ tảo mộ

"Thanh" nghĩa là trong lành, "minh" là sáng sủa. "Thanh minh" chỉ những ngày có tiết trời trong lành, quang đãng. Tiết thanh minh đến sau ngày lập Xuân 60 ngày, thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn nhất là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm. Năm nay, Thanh minh sẽ bắt đầu vào ngày 26/2 âm lịch vì năm Canh Thân vừa qua là năm nhuận. Xét về thứ tự thì tiết Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" (hai mươi tư tiết) và được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Theo sách Khâm Định Đại Bản Hội Điện Sử Lê ghi chép lại thì vào thời phong kiến, lễ thanh minh được liệt kê vào những lễ nghi chính của triều đình và được tổ chức long trọng, và được nhà vua đích thân chủ trì. 

Những ngày đầu tiên của tiết thanh minh được gọi là Tết thanh minh. Cũng có một số những làng quê không phụ thuộc vào lịch mà thường lấy ba ngày đầu tiên của tháng ba hàng năm để tổ chức tết Thanh minh. Vào ngày Tết thanh minh, theo tục lệ từ cổ xưa, mỗi gia đình đều đi tảo mộ và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. "Tảo mộ" chỉ việc quét tước, sửa sang lại cho ngôi mộ của tổ tiên được sạch sẽ. Tiết xuân phân vừa qua đi, những cơn mưa bụi khiến cho cỏ dại mọc cao. Dân ta thường mang theo xẻng, cuốc đắp lại các nấm mồ cho to hơn, cao hơn và dùng tay nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc xung quanh mộ. Sau đó, thắp hương và đốt vàng mã hoặc đặt hoa cúng người quá cố.  Ngoài ra, người ta còn có thể sửa sang những ngôi mộ vô chủ đã lâu, không ai trông nom, săn sóc.

Dịp để sum họp gia đình, hướng về cội nguồn:

Có những người quanh năm đi làm ăn xa nhưng cứ hễ đến dịp thanh minh lại về tảo mộ gia tiên và xum họp với gia đình. Tết thanh minh là dịp để thế hệ con cháu thể hiện sự hiếu thuận, kính trọng với tổ tiên thông qua tục tảo mộ. Không chỉ có vậy, ngày thanh minh còn đem lại những niềm vui cho những người kém may mắn- trước khi người cúng ra về, họ nhường lại thức ăn cho những trẻ em chăn trâu và những người thiếu thốn đang có mặt. Tôi còn nhớ năm ấy, khi bà nội tôi sau gần ba chục năm xa xứ mới có dịp về thăm quê hương. Sau tết nguyên đán, trời xuân rộn rã bao nhiêu lễ hội. Tôi muốn đưa bà đi thật nhiều để chứng kiến đất nước đổi mới như thế nào. Nhưng bà bảo tôi trước tiên hãy đưa bà về quê - làng Mọc Nhân Chính, nơi bà được sinh ra và có mộ của các cụ trong dòng họ ở đó. Bà đã đưa tôi đến từng ngôi mộ và giảng giải cho tôi nghe mối quan hệ của từng người trong dòng họ. Bà kể lại rằng hồi còn nhỏ, vào lễ thanh minh bà thường dậy thật sớm, chuẩn bị đồ cúng lễ để theo các cụ tôi đi tảo mộ. Khung cảnh tảo mộ rất vui, như một ngày hội; mọi người đông đúc, chật ních, mùi hương bốc lên thơm ngát. Qua lời kể của bà, tôi lại hình dung đến quang cảnh trong truyện Kiều của Nguyễn Du, quả là không sai chút nào:
"... Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay ..."
Thanh minh là một tục lệ truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta. Sau Tết nguyên đán, dường như câu thành ngữ xưa "Ra giêng ngày rộng tháng dài" phần nào không còn đúng nữa. Chúng ta lại lao vào nhịp sống hối hả, guồng quay của công việc. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua những tục lệ tốt đẹp vốn từ ngàn xưa để lại. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi người, thu xếp một chút thời gian để hướng về cội nguồn âu cũng là việc nên làm. Và không phải ngẫu nhiên, mẹ tôi lại hát ru tôi bằng những câu thơ Kiều đi thanh minh của Nguyễn Du. Phải chăng mẹ tôi muốn nhắc nhở tôi, hình thành cho tôi ý thức hướng về tổ tiên, cội nguồn từ nhỏ?

1 nhận xét:

  1. Nặc danh20:27 5/4/15

    Mỗ nghe nói thanh minh lá dịp mọi nhà đi tảo mộ, và ngày đó là 3/3 âm lịch. Ở vùng miền Trung quê mỗ, trước đây và cả bây giờ, việc làm cỏ đắp lại mộ thường làm vào tháng chạp (chạp mả). Hàng năm ở xứ mỗ mọi tộc họ vào dip này đều hội họp con cháu gọi là chạp mả, là dip họ hàng tụ hội đông nhất, với để: tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, họ hàng con cháu nội ngoại nhận biết nhau, biết trên biết dưới, biết họ biết hàng v.v...và v.v…Người ở xa nếu có điều kiện vẫn về chạp mả Khi đời sống đi lên, mồ mà đã được xây, chứ cứ làm cỏ vun đắp mãi theo thời gian các mộ không có bia nấm sẽ bị chệch, thậm chí qua nhiều nhăm có thể lệch đi hàng mét. Họ nhà mỗ định chạp mả vào 3/2 âm lịch, tháng chạp vẫn tiến hành tu bổ mồ mả, để đến 3/3 thì trời đã gần sang hè nóng bức rồi không có chuyện ấm áp nữa. Trước đây mỗ cứ tưởng 24 tiết trong năm tính theo âm lịch nhưng không phải vậy, mà tính theo dương lịch, như theo trang này :
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Tiết_khí
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_minh
    Nếu như vậy thì các cụ ta khi thằng Tây mũi lõ chưa sang đã tính được các tiết trong âm lịch hàng năm thì thật là tài. Theo dương lịch tiết thanh minh bắt đầu từ 4-5/4 và qua 15 ngày đến18- 20/4 (tùy theo năm, chắc nếu năm nào nhuận tháng 2 có 29 ngày thì từ 4/4. Năm nay 1/3 âm lịch là ngày cuối cùng trong tiết thanh minh (không tin các bác tra lịch xem). Cái bài bác Phó đăng đến 25/4 dương lịch thì đã gần cuối tiết thanh minh rồi đâu phải là thời điểm bắt đầu. Mỗ nghĩ năm nào theo âm lịch mà năm trước có nhuận thì thường tết năm đó sẽ rơi vào tháng 2 dương lịch, và thanh minh chắc chắn rơi vào tháng 3 âm lịch. Nhưng năm âm lịch mà năm trước không có nhuận, mỗ chưa biết nó như thế hay không, vì chưa tính toán được. Mỗ nghe nói Đông Chí thì chắc chắn rơi vào tháng 11 âm lịch. Câu “Thanh Minh giữa tiết tháng ba” của cụ Nguyễn Du chưa hoàn toàn đúng với từ “giữa” còn chữ “trong” thì tạm chấp nhận vậy, như năm nay 1/3 là ngày duy nhất của tháng 3 rơ vào tiết Thanh Minh. Có năm nào tiết thanh minh chỉ rơi hoàn toàn vào tháng 2 âm lịch không nhỉ?. Hy vọng chưa có chuyện như vậy, nếu không lời của cụ Nguyễn Du sẽ không đúng bác Phó nhẩy?. Cái ngày 3/3 chắc là bà con ta quy ước cố định vậy thôi, mà sao bác nọ gọi là tết?, ngày đó chắc không hẳn là trong tiết thanh minh các bác nhẩy, như năm nay chẳng hạn!
    P2

    Trả lờiXóa