1 thg 6, 2012

Khai sáng dân trí - lối thoát cho phong trào dân chủ Việt Nam ?

Hoàng Sư Phụ,
Fukuzawa Yukichi đã nói: “Cái hồn của một nước nào thì y phụ vào dân nước ấy. Cái hồn của dân tộc nước ấy lại y phụ vào thanh niên học sinh, ấy là linh hồn của nước dân vậy”.
Ai ai cũng ích kỷ cá nhân như vậy thật đáng trách, không hiểu dân tộc Việt sẽ đi về đâu? 
Nhìn lại bấy lâu nay, thanh niên học sinh trong nước ta trình độ ngày càng thụt lùi so với thế giới, há chẳng phải điều đáng lo cho quốc gia sao? Đặc biệt hơn là khi nói đến chuyện chính trị, hưng vong của đất nước mà sao lắm bạn trẻ cho là chuyện rỗi hơi, không cần quan tâm. Ai ai cũng ích kỷ cá nhân như vậy thật đáng trách, không hiểu dân tộc Việt sẽ đi về đâu?
Là những chí sĩ yêu nước, tự ta cảm thấy nỗi nhục dày vò về sự tụt hậu của đất nước. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể thúc đẩy đất nước tiến đến văn minh phương Tây. Không còn đường nào khác là phải truyền bá, học hỏi các tư tưởng tiến bộ của các nước phương Tây mà nhiều lần chúng ta lỡ nhịp rồi.
Vấn đề tiếp thu tri thức nhân loại tại Việt Nam
1. Trong quá trình hiện đại hoá, mở cửa và đi theo con đường chung của nhân loại, điều then chốt là tiếp thu và học hỏi những tri thức của thế giới. Chúng ta không thể phát triển nếu không học những bài học kinh nghiệm và sử dụng những thành tựu trong quá trình phát triển của các quốc gia tiên tiến khác. Để từ đó, trên nền tảng văn hoá, bản sắc, lịch sử đặc trưng của Việt Nam tìm ra mô hình và bài học phù hợp cho sự phát triển của mình.
Hiện nay, một điểm yếu của việc nghiên cứu là thiếu những cuốn sách và tri thức nền tảng của thế giới, đặc biệt là về khoa học xã hội. Ngay cả các giáo viên và sinh viên ngành xã hội cũng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu này. Sách vừa thiếu, ngoại ngữ kém…và ngay cả các sinh viên và nhà nghiên cứu giỏi cũng không dễ dàng tiếp cận được.
Nhật Bản bắt đầu công cuộc canh tân đất nước với công cuộc Minh Trị Duy Tân (1868) bằng cách tích cực học hỏi và tiếp thu những đặc điểm tiên tiến của văn minh Tây Phương. Trí thức Nhật Bản hiểu rằng muốn vượt Tây Phương thì trước hết phải khám phá để học lấy những bí quyết sở trường của Tây Phương không chỉ đơn thuần bằng việc mua súng đạn hay tàu chiến mà phải thấy được đâu là những "sở trường và bí quyết" của văn minh Tây phương. Họ cho rằng sách vở và những chuyến hành trình để "thám sát" các nước Tây Phương là cách tối ưu nhất để thu được kinh nghiệm và các bài học cần thiết để đạt được mục tiêu hiện đại hoá nước Nhật. Vì thế, việc tiếp thu văn hóa Tây phương được chính phủ Minh Trị đặt làm ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn này, các dịch giả, điển hình là Fukuzawa Yukichi là những người đầu tàu trong việc truyền bá kiến thức và những tư tưởng tiên tiến của Tây Phương ở Nhật thông qua việc dịch và xuất bản rất nhiều sách vở của phương Tây để học lấy những tư tưởng cốt lõi phục vụ cho công cuộc cải cách.
Tôi kinh ngạc khi nhận thấy nhiều tác phẩm lớn của phương Tây đã được dịch ra tiếng Nhật từ rất sớm 
Tôi kinh ngạc khi nhận thấy nhiều tác phẩm lớn của phương Tây đã được dịch ra tiếng Nhật từ rất sớm, vào nửa đầu thời Minh Trị (giai đoạn 1870-1885) như History of Civilization in England của Henry Buckle; The Theory of Legislation - Principles of the Civil Code của Bentham; On Liberty, Political Economy, Representative Government, Utilitarianism của J.S. Mill; Social Statics của Herbert Spencer; De l'esprit des lois của Montesquieu; Du contrat social của Rousseau.
Sau thất bại trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), Trung Quốc cũng tiến hành một chương trình tương tự. Những sĩ phu Trung Quốc có đầu óc cải lương với các lãnh tụ như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu chủ trương rằng Trung Quốc cần thực hiện công cuộc canh tân theo gương Nhật Bản. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã sang Nhật du học và vô số sách báo tiếng Nhật đã được dịch sang chữ Hán. Đỉnh cao của việc dịch thuật các tác phẩm này diễn ra trong khoảng thời gian từ 1902 đến 1907, khi mỗi năm trung bình có hơn 50 cuốn sách dịch được xuất bản và năm 1903 đạt kỷ lục với 200 cuốn. Ngay trong thời gian này, chứ không phải chờ đến khi Đảng Cộng sản Trung quốc lên cầm quyền, tác phẩm Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản của Marx và Engels đã được dịch cho người Trung quốc. Như Lương Khải Siêu nói, "Các tư tưởng mới lan tràn như đám cháy" và những tư tưởng mới được truyền tải thông qua sách dịch đó đã góp phần mang lại cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc.
Cũng thông qua Tân Thư, các sĩ phu Việt Nam ở đầu thế kỷ 20 đã lĩnh hội được tư tưởng mới, điển hình là Phan Châu Trinh, Thân Trọng Huề, Ðào Nguyên Phổ. Nhìn lại Nguyễn Trường Tộ là nhà canh tân nổi tiếng của Việt Nam nhưng không thành công và khi đọc niên biểu và những hoạt động mà Nguyễn Trường Tộ thực hiện, tôi nhận thấy dù các kiến nghị ông viết rất nhiều và chính xác, nhưng ông không triển khai được các hoạt động kèm theo mà Fukuzawa đã làm, đó là dịch thuật và mở trường dạy học…để đào tạo ra một thế hệ mới. Cách tiếp cận của Nguyễn Trường Tộ là thuyết phục giới quan lại, nhà vua và triều đình; còn Fukuzawa Yukichi chọn cách xây dựng một tầng lớp mới, tạo dựng tinh thần mới cho cả dân tộc. Nhờ đó, Fukuzawa Yukichi đã thành công.
2 Trong lời Phát Đoan của bộ Nho Giáo, Trần Trọng Kim viết “Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ thay mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cấp bách, nhưng vì người mình nghĩ nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi. Thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được mà lại làm hỏng mất đi cái phần tinh tuý đã giữ cho xã hội ta bền vững hàng mấy nghìn năm”.
Có lắm người tưởng rằng mình bắt chước người ngoài là điều có ích cho sự tiến hoá của nòi giống mình. Không ngờ rằng, sự bắt chước vội vàng quá, không nghĩ cho chín, lại thành cái độc, gây ra thứ bệnh cho xã hội mình…Mỗi dân tộc có một cái tinh thần riêng, cũng như mỗi cây có cội rễ đâm xâu xa xuống đất. Hễ cây nào tốt, hút được nhiều khí chất thì cành lá rườm rà. Dân tộc nào cường thịnh là người đã biết lưu giữ cái tinh thần của mình được tươi tốt luôn.”
Cho đến nay, 100 năm sau khi Trần Trọng Kim viết Việt Nam Sử lược, tính cách của người Việt Nam vẫn không hề thay đổi.
3. Trong cuốn Tâm lý đám đông, Le Bon viết “Một dân tộc là một cơ thể sống được sinh thành bởi quá khứ nên cũng giống như mọi cơ thể sống khác, nó chỉ có thể biến chuyển bởi những tích tụ từ đời này qua đời khác một cách chậm chạp và lâu dài. Những thay đổi mà con người có thể tạo ra chỉ là thứ bề ngoài…
Nếu không có truyền thống, tinh hoa của dân tộc hay nền văn minh dân tộc đó không thể được hình thành. Vì thế, con người sẽ có hai mối quan tâm chính kể từ khi được sinh ra, là thiết lập cho mình một hệ thống những tập tục, và cũng chính là thứ mà con người sẽ nỗ lực phá bỏ khi những tác dụng hữu ích của chúng không còn nữa. Không thể có nền văn minh nếu thiếu truyền thống nhưng không thể có phát triển nếu không phá bỏ những truyền thống đó. Khó khăn nan giải nhất là tìm ra sự cân bằng giữa ổn định và phát triển, tức là sự biến đổi. Nếu một dân tộc cho phép truyền thống của mình bám rễ quá sâu và quá vững chắc thì sẽ chẳng còn gì có thể thay đổi được nữa... Trong trường hợp đó, những cuộc cách mạng bạo động cũng chẳng mang lại điều gì bởi khi đó, những mảnh vỡ của hệ thống phong tục lại dần dần gắn bó lại với nhau để rồi trở lại thời quá khứ mà không hề có chút thay đổi nào…”
Làm thế nào để truyền bá tư tưởng tiến bộ của phương Tây?
Các xã hội phát triển Âu - Mỹ được xây dựng trên những nền tảng tri thức vững chắc, vốn được kế thừa và phát triển từ thời Hy Lạp, La Mã, qua các thời kỳ Phục Hưng, Khai sáng và thời kỳ Chủ nghĩa hiện đại của thế kỷ XIX - XX. Tất cả những tri thức nền tảng này đều được đúc kết trong tác phẩm của những học giả nổi tiếng (Plato, Aristote, Newton, Darwin, Kant, Hegel, Tocqueville, Mill, Russell, Wcher, Smith. Hayek...), chúng làm nền móng cho tòa nhà tri thức phương Tây, làm cơ sở cho triết học, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, nghệ thuật, xã hội dân sự và Nhà nước pháp quyền. ..

Người Nhật đã biết tiếp thu kiến thức phương Tây từ rất sớm.
Nhiều quốc gia khác đã học tập phương Tây như Nhật Bản khi nhận ra rằng đằng sau sức mạnh bề ngoài về quân sự và công nghệ, phương Tây còn sở hữu một lâu dài tri thức đồ sộ. Ngay từ thời Minh Tri cách đây 120 năm, giới trí thức Nhật Bản đã quyết tâm dịch những tác phẩm kinh điển phương Tây ra tiếng Nhật. Việc dịch thuật đã trở thành chiến lược quốc gia, góp phần quyết đinh vào việc xây dựng cơ sở nền tảng cho các ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn của Nhật Bản, giúp nước này chỉ trong thời gian ngắn đã đuổi kịp phương Tây, xây dựng được một xã hội giàu có, dân chủ và tiến bộ hàng đầu thế giới, đồng thời vẫn giữ được bản sắc hết sức riêng biệt của mình.
Con đường canh tân của Nhật Bản đã làm bài học và hình mẫu cho giới trí thức Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác ở Châu Á. Việt Nam cũng là một quốc gia nằm trong quỹ đạo tư tưởng Đông Á. Những người đi tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh rồi điển hình như Phan Chu Trinh... đã bắt tay vào dịch những tác phẩm phương Tây để truyền bá tới công chúng Việt Nam. Nhưng vì nhiều lý do khiến cho việc dịch thuật những tác phẩm rường cột của phương Tây diễn ra chậm chạp. Như vậy. Việt Nam đã đi sau các nước Châu Á nói trên không chỉ về kinh tế mà còn cả về học thuật. Riêng về học thuật việc thiếu những cuốn sách rường cột được dịch ra tiếng Việt khiến cho Việt Nam bị mất để và tụt hậu so với thế giới.
Như chúng ta đã biết, tình hình tiếp nhận tri thức tiến bộ phương Tây tại Việt Nam là rất tồi tệ rồi. Vậy nhân dịp ra mắt hàng loạt các tác phẩm kinh điển về tư tưởng của phương Tây tại Việt Nam, chúng ta nên tổ chức các câu lạc bộ, hội nghiên cứu về tư tưởng phương Tây để dễ dàng truyền bá hơn tư tưởng phương Tây vào Việt Nam. Qua tiếp nhận trí thức mới này thì mới mong thúc đẩy được dân chủ tại Việt Nam, nơi nhiều người còn lơ mơ về nhân quyền và dân chủ.
Chúng ta có tổ chức được 1 ngôi trường tư thục như Đông Kinh Nghĩa thục ngày xưa của cụ Phan để truyền bá các tư tưởng này ta nghĩ còn tốt hơn rất nhiều. Bây giờ tại VN đã cho phép lập trường tư thục rồi.
Trên đây chỉ là chút ý kiến của tôi, mong các vị đóng góp. Về trí và lực thì tôi vẫn chưa đủ nên cần các vị hỗ trợ thêm để ý tưởng này thành hiện thực.
Billy gửi hôm Thứ Sáu, 15/05/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét