22 thg 6, 2012

Ngày Báo Chí Việt Nam

Hôm nay 21/06/2012, nhân ngày Báo chí Việt Nam, Quốc mời các bạn đọc một bài viết hóm hỉnh về báo chí của Albert Einstein, được trích ra từ cuốn "Thế Giới Như Tôi Thấy".



ĐÁM NHÀ BÁO
Trích từ một thư gửi riêng

Khi ta bị tính sổ công khai về tất cả những gì ta đã nói dù trong khi vui đùa, khi cao hứng hay khi bực bội nhất thời, thì điều đó thật phiền toái, song ở chừng mực nhất định cũng là hợp lý và tự nhiên. Nhưng nếu ta bị tính sổ công khai về những điều người khác đã nhân danh ta để nói và ta không có cách gì khả dĩ để tự vệ được, thì tình cảnh ấy thật thê thảm. “Vậy ai mà khốn khổ vậy?”, anh sẽ hỏi. Vâng, bất kỳ ai đủ nổi tiếng và bị đám nhà báo thăm hỏi. Anh cười vì không tin ư? Nhưng tôi đã trải nghiệm đủ rồi, để tôi kể anh nghe.

Anh hãy tưởng tượng: một buổi sáng kia, một tay phóng viên đến gặp anh và vui vẻ hỏi rằng, liệu anh có thể nói đôi điều về ông N. bạn anh được không. Thoạt tiên có thể anh sẽ cảm thấy phẫn nộ vì một câu hỏi như vậy. Song anh nhanh chóng nhận ra rằng, sẽ chẳng có cách nào để chạy thoát. Bởi nếu anh từ chối trả lời, tay phóng viên sẽ viết: “Tôi đã hỏi người bạn gọi là thân nhất của N., nhưng ông này đã khéo léo từ chối. Mong độc giả tự rút ra những kết luận hiển nhiên từ thái độ ấy”. Vì không có cách nào để chạy thoát anh trả lời như sau:

“Ông N. là một nhân cách hào hiệp, thẳng thắn, được tất cả bạn bè quý mến. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng nhìn ra được mặt tốt. Ông là người chịu khó và đảm nhận được rất nhiều việc cùng lúc; nghề của ông đòi hỏi ông phải dành hết tâm sức cho công việc. Ông là người yêu gia đình, luôn dành cho vợ tất cả những gì ông có…”.

Bài viết của tay nhà báo: “N. không thực sự coi trọng điều gì và có tài lấy lòng tất cả mọi người, hơn nữa lúc nào ông cũng đóng vai một người dễ dãi và mềm mỏng. Ông thuộc loại nô lệ cho công việc, đến mức không bao giờ nghĩ đến những chuyện riêng tư hay tham gia vào một hoạt động tinh thần nào khác. Chiều chuộng vợ hết mực, ông là tên đầy tớ ngoan ngoãn phụng sự nhu cầu của bà ấy…”.

Ở tay nhà báo đích thực, bài viết sẽ còn giật gân hơn thế nhiều, nhưng với anh và với ông N. bạn anh thì như thế có lẽ đã đủ. Ông ấy sẽ đọc những điều kể trên vào buổi sáng ngày mai trên báo, và sự giận dữ của ông ta với anh sẽ là vô giới hạn, dù về bản chất ông ta có tốt bụng và vui tính đến đâu đi nữa. Nỗi đau khổ của ông ta sẽ làm anh đau đớn không nói ra được, vì trong thâm tâm anh vốn quý mến ông ta.

Anh sẽ làm gì trong trường hợp này, bạn thân mến của tôi? Nếu anh nghĩ ra được cách gì, hãy báo ngay cho tôi biết nhé, để tôi có thể lập tức bắt chước cách của anh.

3 nhận xét:

  1. Thế mới biết làm nhà báo đâu có dễ, bác nhỉ. Tếu táo theo fong cách tự do như hội ta, chẳng bận tâm tới các y/c của nghề mà viết kg nổi nữa là! Thật đúng là: Vắt tim can để tìm con chữ/Nặn óc khô kiếm tứ xoay vần/ Thế mà thơ chẳng là thơ/Đọc lên thấy những lơ ngơ rối mù...

    Trả lờiXóa
  2. Làm báo cũng có đủ kiểu người bác à: người hòa mình vào cuộc sống, có cô phóng viên trẻ mặc váy thủng lỗ chỗ đóng giả gái bán hoa để có bài viết thật, được bài báo thì má đã sưng, người yêu từ mặt. Có kiểu nữa được gọi là "phóng viên salon", chuyên ngồi nhà, hóng tin của công an,... xào bài từ đồng nghiệp, hi. Nhưng nhà báo chân chính vẫn còn. Cháu phục những người ấy lắm!!! Họ không có nhiều tiền, cuộc sống vất vả, đêm hôm cũng trăn trở để hoài thai một bài viết...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khó nhất là kg đc đụng chạm tới chuyện... thường ngày (nhạy cảm). Thành thử chỉ còn biết loăng quăng vài chuyện... vẩn vơ. Khó thay, khó thay!!!

      Xóa