Blog đã xuất hiện vài bài dạng Kể chuyện. Cây nhà lá vườn thế cũng đủ hay. Mong có nhiều câu chuyện mới. Chiều nay vào quechoa.vn thấy 1 bài kể chuyện của Nguyễn Quang Lập (NQL) mình 'cop' sang. Mặc dù chắc chắn ai cũng đọc ở bên đó, và tài của NQL thì khỏi phải bàn. Liệu ta có thể 'bắt chước'!
Phận đàn bà 2
Nguyễn Quang Lập
Mình ra Huế dự liên hoan sân
khấu. Cũng còn chẳng háo hức gì liên hoan liên heo, chỉ vì vở Mùa hạ cay đắng
của mình từ 1987 hai lăm năm sau mới
xuất hiện trở lại, mình muốn ra xem thế nào. Taxi vừa đến khách sạn vừa lúc một
con Mẹc cũng trờ tới. Một người nhỏ thó đen thui ăn mặc sang trọng đeo kính
trắng mở cửa xe bước ra. Ba bốn người đứng chực ở cửa khách sạn vội vã bước tới
vồn vã rối rít bắt tay ông rồi lăng xăng lấy đồ của ông rật rật chạy theo ông.
Lại có hai em chân dài, hình như người của khách sạn mang hoa đến tặng ông.
Biết ngay đó không đại gia cũng quan lớn, nhìn mặt thấy quen không nhớ là ai.
Chú xe đưa ông chủ vào cầu tháng
máy xong, quay ra hồ hởi bắt tay mình, nói cháu tên Thành con ông cu Diện. A
anh Diện làng Đông, bạn học với anh Thắng mình. Chú lái xe cười hề hề, nói công
nhận chú nhớ tài thiệt. Mình cười lắc đầu, nói cậu còn khen, mình nhớ mãi không
ra sếp cậu là ai. Thấy quen mặt lắm nhưng chịu không thể nhớ. Cu Thành nói to
giọng đầy hãnh diện, nói dạ đó là tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương Như. Mặt mình vẫn đực như ngỗng ỉa. Cu Thành ngó
trước ngước sau, hạ giọng thì thầm, nói dạ tức là Cu Mèo. Ôi thôi bỏ mẹ rồi,
hóa ra là Cu Mèo hi hi.
Không nhớ Cu Mèo hơn mình mấy
tuổi. Đại khái khi mình học lớp năm thì anh đã học xong lớp 7 nhưng mình không
gọi bằng anh, khi gọi Cu Mèo khi gọi bằng thằng. Con nít trong làng chẳng đứa
nào ưa, Cu Mèo cũng chẳng ưa đứa nào. Một mình một chợ, Cu Mèo lang thang từ
đầu làng đến cuối làng đi ghẹo gái. Chuyện chị Mai với anh Cu Mèo cả làng Đồng
đều nhớ, mình cũng đã viết trong Xóm gái hoang.
Chị Mai hơi thấp, múp máp, da trắng ngần, đặc
biệt chị hát, ngâm thơ đều hay cả. Người thì gọi chị là Châu Loan xóm, người
thì gọi Tường Vi xóm. Họp đội, họp xóm, họp đoàn, đám cưới đám hỏi nhất nhất phải có chị hát mới xong. Mọi người
nói Châu Loan mô rồi hè? Chị Mai đứng lên liền, nói đây đây. Người nóí ngâm bài
rứa là hết đi Mai ơi. Người nói không không ẻ vô bài nớ, ngâm bài chào sáu mốt
đỉnh cao muôn trượng tề.
Chị Mai thuộc toàn thơ Tố Hữu thôi, mấy bài
trong sách giáo khoa chị thuộc sạch. Hỏi nước mình có ai là nhà thơ, chị nói
Trần Đăng Khoa với Tố Hữu, hỏi còn ai nữa không, chị nói từng nớ ngâm đã rã
họng ra rồi, nhiều chi lắm. Đầu buổi ngâm thơ cuối buổi hát, hoặc ngược lại,
khi nào cũng vậy ở đâu cũng vậy. Mọi người nói Tường vi mô rồi hè, chị Mai đứng
lên liền, nói đây đây. Người nói hát bài Noọng ơi trăm ngàn nở hoa đi Mai ơi ,
người nói dở dở quẹt quẹt, hát nắng toả
chiều nay tề. Chị hát say sưa, miệng hát
ngực rung hấp dẫn vô cùng.
Có hai người mê chị, một là anh
Toả bí thư chi đoàn, hai là Cu Mèo con trai cu Miễn. Mỗi lần chị Mai hát, anh
Toả nhìn miệng chị không chớp, miệng mấp máy, người đu đưa, nói hay hè hay hè;
cu Mèo nhóng cổ nhìn ngực chị rung rung, thè lưỡi liếm một vòng, nói đù mạ hát
rứa mới hát chơ.Lại thè lưỡi liếm một vòng, miệng thít thít. Nhưng chị Mai ghét Cu Mèo, chỉ yêu anh Tỏa
thôi. Cu Mèo tức lắm, đứng dạng háng chặn đường chị Mai, nói tui thua cu Toả
cái chi? Chị nói không, bỏ đi. Cu Mèo lại vượt lên chặn đường, nói tui tên Mèo,
xấu phải không? Chị nói không, lại bỏ đi.
Tối cu Mèo trèo lên cây xoan sau
hồi nhà chị Mai, dóng mồm xuống cửa sổ nhà chị kêu vơ Mai nời… tui ưng Mai rồi
vơ Mai! Vơ Mai nời… cu Toả không bằng bãi cứt trâu, ưng hắn mần chi. Chị Mai
đóng sập cửa sổ.Cu Mèo vừa rung cây vừa hát hờn căm bao lũ tham tàn… cu
Toả! Hát chán Cu Mè bắc loa tay hét to,
Mờ eo meo huyền Mai! Mờ ai mai huyền Mèo. Tôi nào cũng ầm ĩ, không cho ai ngủ
ngáy gì cả.
Buổi trưa nắng nóng chị Mai gánh
lúa về, cu Mèo chặn đường, dạng háng nói ưng tôi đi, mai mốt tui làm lái xe tải
tha hồ sướng. Chị Mai đang gánh lúa, mệt, nói ẻ vô, bỏ đi. Cu Mèo lại vượt lên
trước, đứng dạng háng, nói ưng tui đi, mai mốt bọ tui lên xã, tui làm chủ
nhiệm. Chị Mai đánh môi cái bịp, bỏ đi. Cu Mèo vẫn không chịu, lại vượt lên,
đứng dạng háng, tụt quần nói, cu tui ri nì, Mai ưng không? Chị Mai vứt gánh
lúa, chồm tới túm chim cu Mèo nghiến răng vặn, nói khoe cái cố tổ mi, khoe cái
cố tổ mi. Cu Mèo kêu như cha chết.Nhưng từ đó Cu Mèo đi đâu cũng khoe, ní em
Mai cầm cu tau rồi, khen cu tau đại chang,
bằng mười cu Tỏa.
Tết năm 1967, làng làm hội diễn
văn nghệ ở đình làng. anh Toả chị Mai hát song ca bài Trước ngày hội bắn. Chị
Mai mặc váy, cầm cái ô xoay xoay e thẹn, bắp chân trần trắng muốt, cười cái
liếc cái, hát ai tin anh nói… Anh Toả mặc áo quần bộ đội, đội mũ tai bèo, cười cái liếc cái, hát vì sao em
nói nghe nào…Bà con nói ua chầu hầu hay hè hay hè. Cu Mèo đứng dậy quát to, nói hay cái l. mạ bay! Bà con nói ua chầu
chầu cu Mèo nói bậy quá hè. Cu Mèo mắt trợn tay chỉ, nói đồ xã viên biết chi!
Rồi hát rống lên hờn căm bao lũ tham tàn… Mai Toả!
Mọi người nói ua châù chầu cu Mèo
ỷ thế con chủ nhiệm mất trật tự quá hè. Cu Mèo nói đồ xã viên biết chi! Rồi lại
hát cu cu Toả ơi, cu cu Toả ơi.. chim mi mô rồi, chim mi mô rồi… đọ tau cái
coi. Bà con đòi đưa cu Mèo ra kiểm điểm, cu Miễn nói đồng chí cu Mèo nóng tính,
có nói bậy nhưng xuất phát từ tấm lòng yêu thương xã viên nghèo như đồng chí
Mai. Rứa là tốt. Quan trọng là tấm lòng,
không quan trọng cái lỗ mồm. Người nói tốt rứa a tốt rứa a, người không nói gì,
người nói tốt rứa đo tốt rứa đo.
Ra tết anh Toả đi bộ đội. Cu Miễn
đề nghị chị Mai làm bí thư chi đoàn, gánh vác cho người đi xa. Chị Mai nghe nói
vậy thì nhận.Cu Miễn gặp riêng chị Mai, nói đồng chí cu Mèo chậm tiến, đồng chí
nên gặp riêng nhắc nhở. Cu Mèo tức, nói răng bọ chê tui chậm tiến? Cu Miễn cười cái hậc, nói tao
tưởng mi muốn lấy con Mai. Rồi kéo tai Cu Mèo nói nhỏ như vầy như vầy… Tận dụng
thế mạnh đi con.
Tối, chị Mai họp chi đoàn ở kho
hợp tác, họp xong chị bảo cu Mèo ở lại nhắc nhở. Cu Mèo đè chị ra hiếp liền.
Chị Mai xấu hổ không dám nói ai, chị quyết định quyên sinh. Chị đi một mạch
xuống Quảng Thanh, ngồi đúng nơi “ tọa độ lửa” đợi máy bay tới thả bom. Chị
không chết, bị một mảnh bom đâm đúng cuống họng, không nói được, nói gì cũng cứ
dá da dá da.
Chị Mai ôm áo quần rời làng Đông
về Xóm gái hoang ở với mụ Cà và chị Đóc Xấu thế nào, bắt được phi công Mỹ ra
sao mình đã kể, có dịp sẽ nhắc lại. Hơn bốn chục năm rồi chẳng ai còn nhớ đến
chị. Mình cũng quên. May gặp Cu Mèo bỗng nhiên nhớ lại hết.
Mình hỏi cu Thành, nói cháu có
nhớ chị Mai không. Nó cười, nói thím Mai dá da da phải không? Chú muốn gặp mai
đi theo cháu. Tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương Như về Quảng Bình cắt băng khánh
thành ngôi nhà tình nghĩa cho thím Mai
đó. A, lạ quá, Cu Mèo xây nhà tình nghĩa. Té ra chuyện Cu Mèo- chị Mai kết thúc
rất có hậu, hi hi hay thật
Sáng Mai mình nhờ thằng bạn học
cấp 1 ở làng Đông đánh xe bám theo xe Cu Mèo về nhà chị Mai. Nghe mình nói về
dự khánh thành ngôi nhà tình nghĩa, thằng bạn nhìn mình như nhìn con bò đực, nói mi điên à. Mình
hỏi sao. Nó cười cái hậc, nói mày còn lạ chi Cu Mèo. Xây nhà tình nghĩa hết
trăm triệu thì lão bắt tỉnh, huyện hầu rượu cuộc này đến cuộc này đến cuộc
khác, nhậu sao cho đủ trăm triệu mới thôi. Mình cười, nói kệ, miễn sao chị Mai
có ngôi nhà trăm triệu là tốt rồi.
Nhà chị Mai ở huyện Tuyên, một
xóm nghèo ở đầu nguồn sông Gianh. Chả hiểu sao chị Mai mò lên tận đây sống một
mình ở nơi heo hút này. Khi mình đến đã thấy quan khách đứng ngồi chật cứng.
Chị Mai ngồi hàng ghế đầu, chẳng thấy chị vui vẻ gì, mặt cứng đơ mắt trừng
trừng nhìn mọi người. Đến đoạn chủ tịch xã đọc diễn văn cảm ơn Cu Mèo, nói chị
Mai có được ngôi nhà hôm nay là nhờ công sức của tiến sĩ nhạc sĩ nhà thơ Tương
Như. Chị Mai chồm lên, nói dá da da da. Người ta vội vàng ấn chị ngồi xuống.
Mình hơi lạ, được ngôi nhà mới sao chị Mai có vẻ giận dữ đến thế.
Thằng bạn mình cười hì hì, nói bi kịch bi
kịch. Mình hỏi sao. Nó nói mày không biết chuyện chị Mai mất 5 sào đất à. Mình
nói không. Nó lại cười hi hì, nói bi kịch bi kịch. Chuyện này làng Đông ai cũng
biết, chỉ có mày là không biết. Cũng tại năm bảy lăm nhà mày về Ba Đồn rồi,
không biết chuyện này cũng phải. Năm đó chị Mai về làng thì ngôi khu vườn 5 sào
của chị bị cha con cu Miễn chiếm dụng. Chị Mai kiện cáo khắp nơi. Chị không có
chữ chẳng viết đơn được, nói gì cũng dá da da chẳng ai hiểu gì. Con kiến kiện
củ khoai, nói gì cũng dá da da thì kiện cái gì nhưng chị không nản, ba chục năm
này chị kiên trì bám theo Cu Mèo, hễ gặp
Cu Mè đâu chị cũng túm áo lão kêu dá da
da. Phiền quá Cu Mè mới thí cho chị cái nhà này đấy. Dứt lời thằng bạn mình
cười he he, nói đó, tình nghĩa Cu Mèo là rứa đó.
Vừa lúc Cu Mèo phát biểu. Anh
đứng lên nhìn mọi người rưng rưng lại nhìn chị Mai rưng rưng, nói ngôi nhà nay
là món quà mọn tôi dành cho chị Mai, người đàn bà đã chịu nhiều đau khổ. Đau
khổ lắm các đồng chí ạ. Cu Mèo nghẹn lại như sắp khóc. Mọi người lặng thinh cảm
động. Bỗng chị Mai nhảy lên túm áo Cu Mèo, nói dá da da da!… Dá da da! Chị khóc
òa day áo Cu Mèo liên tục, nói dá da da da. Mình tưởng Cu Mèo thẹn đỏ mặt,
chẳng dè Cu Mèo ôm chầm lấy chị, vỗ vỗ lưng chị nghẹn ngào, nói chị đừng nói
lời cảm ơn, đừng nói lời cảm ơn nữa chị Mai ơi.
Mọi người cảm động vỗ tay rần
rần.
Nguyễn Quang Lập. Đăng trên quechoa.vn
- Bái phục tài kể chuyện của NQL.
Trả lờiXóa- Sâu bọ nhảy lên làm người là vậy!
Cám ơn Hớn,
Trả lờiXóaĐọc xong bài này, mình thấy phảng phất đâu đó cái không khí làng Vũ Đại Ngày Ấy của nhà văn Nam Cao..., NQL thật tài tình, văn phong hấp dẫn người đọc đến tận đoạn kết vẫn chưa hết: NQL đã sáng tác ra từ láy "rần rần" cực kỳ hay - "Mọi người cảm động vỗ tay rần rần" - Cái âm thanh "...rần rần" đã để lại dư âm chua chát và mỉa mai cho người đọc, khi đã đọc hết và rời mắt khỏi câu chuyện.
Tiếp lời bác Quốc: 1 cái tài nữa của NQL (nhiều nhà văn khảng định) là tài sử dụng cách nói, từ ngữ địa phương rất thuần thục, kg hề gượng ép, ai cũng hiểu. Nhịp kể chuyện của NQL rất nhanh, câu ngắn, ào ào sự kiện. Nghệ thuật kết chuyện khỏi phải nói, đọc xong bắt buộc fair nghĩ mới hiểu đc. (Nói tục cũng là 1 tài của NQL). (Có cả 1 bài viết về Văn NQL, kg giám post lên sợ dài dòng, mọi người kg thích).
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaNói/văng tục trong thơ văn được gọi là Ngoa Ngữ, một bộ phận của văn học dân gian VN
Trả lờiXóa