26 thg 7, 2013

Chiến binh Thành Cổ

honngv: Nhân ngày 27/7 và Chào mừng Hội CCB Thành Cổ vừa thành lập (tin trên VTV), nhớ tới Nguyễn Toàn Thắng, Trần Quang Ngân, Trần Thành Đô và bao đồng môn khác đã có những năm tháng khói lửa, sống chung với Tử thần như bài báo này:

CHIẾN BINH THÀNH CỔ

Đầu tháng 12 năm 71 hai tiểu đoàn sinh viên 5, 6 chia nhỏ bổ sung về các quân binh chủng. Còn lại một số anh em chưa vể đâu phấp phỏng chờ đợi, đoán già, đoán non đơn vị mình sẽ được điều về. Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Thạc ngày 6-12 có ghi lại thời điểm đó. Hắn chê tôi sợ vào hỏa lực trợ chiến phải mang vác nặng gù lưng. Hắn chê tôi sợ chết muốn vào binh chủng tăng thiết giáp vì có vỏ thép dày che chở. Ôi, sợ chết âu cũng là lẽ thường tình của những thằng lính trẻ, 18 đôi mươi chúng tôi, chửa biết cái chi chi, chết thì tiếc lắm.

Song, cả tôi và hắn đều nhầm. Sau này, tôi nhận ra có thứ còn đáng sợ hơn cái chết. Đó là sự đầy đoạ về thân xác.

Người ta thường nói, "ghét của nào trời trao của ấy". Cuối cùng tôi lại được điều về tiểu đội 12 ly 7, đại đội 12 trợ chiến thuộc trung đoàn 101 sư đòan bộ binh 325. Một tiểu đội 12,7 ly biên chế từ 10 đến 12 người. Trừ A trưởng mang kính ngắm và một khẩu AK, còn lại chia thành 3 tổ có nhiệm vụ mang ba phần chính của súng. Tổ 1 mang thân súng nặng 33 kg và một thùng đạn khoảng 10 kg. Tổ 2 mang chân súng nặng 34 kg và một thùng đạn. Tổ 3 mang bệ súng nặng khoảng 21 kg một hộp tiếp đạn và một thùng đạn cũng nặng chừng ấy. Khi hành quân, thân và chân súng được hai cặp khiêng bằng hai chiếc đòn tre dài nặng chình trịch. Bệ súng hình thù kỳ dị đầy góc cạnh được một người vác. Những cạnh sắc như băm từng thớ thịt. Hơn ba chục cân có vẻ không quá nặng. Nhưng xin thưa, hành quân cả ngày trời dưới cái nắng miền trung, cộng với tư trang khoảng 30 cân nữa thì lừa cũng phải chào thua. Khi khiêng súng, người đi sau còn đỡ chứ người đằng trước thật khốn khổ. Sức nặng của balo và súng phía sau cứ kéo ngửa người ra. Trèo đèo lội suối, rồi trong rừng rậm, súng móc bên này mắc bên kia tiến cũng chẳng được mà lùi cũng không xong. Hồi còn đi học, ngoài cái tên bố mẹ đặt cho, tôi còn mang thêm biệt danh các bạn tặng là “còm”, vì cân nặng cả bì chỉ có hơn 40 kg. Khiêng súng bị phồng, rồi loét, hai vai, mãi không lành. Mỗi lần hành quân mang vác, đối với tôi không khác gì hành xác.

Đêm ấy, bên cánh rừng ở Cự Nẫm Quảng Bình, nhận quân trang đi B balo hơn 40 cân, tôi phải đẩy lên ngôi mộ hoang, luồn hai vai vào hai quai mới gượng đứng lên được. Vậy mà lại đến phiên khiêng súng. Cố gắng bước dược chừng 50 chục mét thì ngã chúi xuống, nửa quì nửa ngồi, tôi ôm mặt khóc. Y tá Cận chạy lại, mở túi thuốc lấy ra một vốc vitamin B1 bảo tôi uống. Nghi ngờ về khả năng tăng lực của nắm B1 ấy, song tôi cũng tống đại vào mồn nhai trệu trạo. Thực tình lúc ấy tôi chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Họặc giả có một quả pháo biển lạc vào giải thoát cho tôi thì âu cũng là số phận.

May thay trong tổ tôi còn có Khánh "voi". Trong số các anh em quê Phủ Cừ, Hải Hưng, Khánh "voi" nổi bật vì dáng cao to như cây chuối hột trong vườn toàn chuối tiêu. Nghe nói nhà hắn nghèo lắm, ăn uống kham khổ, vậy mà hắn lại có một thân hình khá lý tưởng. Cao trên một mét bẩy lăm. Bắp thịt săn chắc. Đôi vai gấu hơi xuôi, hai hàm răng trắng đều, nước da sáng hơn că lũ bạch diện thư sinh chúng tôi. Hắn ghé vai đỡ tôi dậy, rút chiếc đòn khiêng ra quẳng sang một bên, đặt thân súng nặng như cùm lên vai lầm lũi bước tiếp. Tôi vớ lấy chiếc đòn khiêng cố bám theo. Cuộc hành quân 5 ngày không thể nào quên, từ tây Quảng Bình theo dãy Trường Sơn qua giới tuyến 17 vào Quảng Trị tham chiến. Lính rơi rớt dọc đường. Không còn ra đội hình gì nữa, các đơn vị trộn lẫn vào nhau. Tiểu đội tôi đến nơi tập kết đầy đủ, có lẽ nhờ một phần bởi Khánh "voi".

Sau trận đầu, đêm 23 ngày 24 tháng tám năm 72, tiểu đội bị thiệt hại nặng nề, thương vong non một nửa, tạm bị trưng dụng làm lính vận tải. Làm gì cũng được, miễn là không phải khiêng súng. Nhưng tôi lại nhầm. Gọi là vận tải cho oai chứ thực ra là gùi gạo, đạn. Mấy chục cân trên vai chẳng khác gì khiêng 12ly7. Trên một cung đường chừng 4, 5 cây số trống trải, phải luôn vận động thật nhanh qua những tọa độ chết người của pháo bầy và máy bay cường kích. Vô phúc dính B52 thì coi như chấm hết. Vậy mà với Khánh "voi" dường như chẳng hề hấn gì. Bao giờ hắn cũng về trước tôi cả tiếng đồng hồ, chui tọt vào hầm không ra ngoài. "Trên mặt đất không có lợi", hắn bảo tôi thế. Biết vậy mà đành vậy. "Trên mặt đất không có lợi"...

Một tuần sau, tiểu đội lại nhận khẩu súng khác, chế tạo tại Liên Xô, nòng xoắn, tản nhiệt tốt hơn, nhưng cũng nặng hơn khẩu trước khoảng chục ký. Ngay đêm ấy lại vào chốt. Tâm trạng mọi người khá nặng nề. Nõi ám ảnh trận trước không thể bỗng chốc mà quên ngay được. Tiểu đội chốt trong một vườn chuối nhỏ lá xác xơ. Giũa vườn hiện lờ mờ một ngôi nhà, thực ra là phế tích của một ngôi nhà tan hoang. Phía trước là một bụi tre rách bươm. Nghe đâu trước bụi tre là lính đại đội 9 bộ binh. Chúng tôi vội vàng đào hầm trú ẩn, công sự pháo và một đoạn hào chừng 4 mét nối hầm trú ẩn với hầm pháo. Gần sáng công việc cũng tạm xong. Trong khung cảnh chết chóc như vậy, mà vẫn thấy một tiếng gà lạc lõng, cô đơn, gáy yếu ớt báo hiệu một ngày mới băt đầu. A trưởng Thành phân công người đứng cảnh giới dưới hào cách hầm trú ẩn khoảng một mét, còn lại tạm nghỉ. Rồi cũng đến phiên tôi đứng gác Trận địa hai bên thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ cả tiếng con chim sâu bay chúi vào bụi cây trước mặt. Thì ra nó bị mù từ bao giờ. Chừng một tiếng sau, Khánh "Voi" đổi gác. Đôi vai gấu của nó cố nghiêng, lách ngườì cho vừa đoạn hào vừa hẹp vừa nông. Tôi chui vào hầm, chợp mắt một lúc. Bỗng một tiếng nổ vang phía cửa hầm. Minh "già" kêu thất thanh: 'Khánh chết rồi". Giật mình nhìn ra, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khánh "voi" đang từ từ ngồi xuống, lưng tựa vách hào, đôi tay buông xuôi. Cái đầu nó bay đâu mất. Phía trên cổ, giữa một mớ xương vụn, máu ồng ộc tuôn ra ngập một đoạn hào. Trên vai Khánh, một mảng da đầu còn nguyên tóc vắt ngang, như khoác một chiếc khăn nửa đen nửa đỏ.

Cả tiểu đội chết lặng. Mặt Minh "già" thường ngày vốn đen thế, mà lúc đó trắng bệch, đôi mắt thất thần. Sau ít phút trấn tĩnh, tôi quyết định ra ngòai. Để tránh vũng máu, tôi nắm hai cổ chân Khánh, làm động tác như đu xà kép dướn người nhoài ra. Bên mép hào, một hố vát hình nón vừa bị khoét còn vương vài mảnh gang vụn. Cối 81, Khánh chết vì một quả đạn cối của địch bắn vu vơ. Phía đối diện, một tấm gỗ ép dựng bên gốc chuối bê bết máu và óc. Giá mà Khánh thấp hơn một chút, giá mà Khánh đổi gác chậm hơn một chút thì cái thằng đang ngồi kia chính là tôi.

Mãi đến khuya mới có hai lính vận tải tiểu đoàn đến mang Khánh đi. Trăng thượng tuần tháng cô hồn trút ánh sáng vàng vọt xuống vườn chuối. Trên ngực Khánh, nắp chiếc bút máy Pilot mạ vàng, mới nhặt được hôm qua, “để viết thư”, hắn nói thế, cứ lấp lánh thứ ánh sáng ma quái.

Nhiều năm sau, ánh sáng ma quái ấy cứ ám ảnh tôi trong những đêm mất ngủ vì bệnh tật. Hình ảnh Khánh "voi" với đôi vai gấu lại chập chờn hiện về. Giá mà hắn thấp hơn một chút, giá mà hắn đổi gác chậm một chút. "Ở trên mặt đất không có lợi". Biết vậy mà đành vậy.

***
Đúng là “chim sa cá nhảy” đen quá, tại con chim mù sa vào bụi cây hay sao mà tiểu đội ra quân lần thứ hai, ngay ngày đầu đã mất luôn “cây chuối hột” Khánh ”Voi“. Để giải đen, anh Thành quyết định rời trận địa sang trái, cách trận địa cũ chừng 50 mét. Lợi dụng hai hầm trú ẩn của đơn vị nào bỏ lại, chúng tôi hối hả đào công sự. Lần này, không ai bảo ai, đào rõ sâu. Đến tầm trưa, một tốp f4 bay đến. Chúng lượn một vòng rồi chiếc đầu bổ nhào. Tiếng bom rít thật khủng khiếp. Tôi chỉ mới quen với tiếng đạn pháo và xác định điểm rơi khá chuẩn xác, nhưng với bom, đây là lần đầu. Cộng hưởng với tiếng gầm rú của động cơ, như khoan vào óc, ruột gan như thắt lại. Hai quả bom trùi trũi lao xuống, ½ thân rồi ¼ thân. Hai tiếng nổ đinh tai dường như cùng một lúc, cách công sự chừng vài chục mét, đất đá rơi rào rào. Chiếc thứ hai vòng lại chúc đầu, anh Thành vội kéo tôi vào hầm pháo. Một quả bom, từ dưới bụng máy bay bung ra. Lần này hình chiếu của nó như quả bưởi, to dần từng tíc tắc. Chân tôi díu lại, như muốn chạy mà không được. Tôi nghe thấy văng vẳng một tiếng hô “ …bổ nhào ..bắn”. Binh tĩnh lại, đưa máy bay vào kính ngắm số không, tôi xiết một tràng dài. Một ánh chớp loé lên bên trái trận địa, kèm theo một tiếng nổ lộng óc, xô tôi dúi vào vách công sự. Chiếc máy bay chẳng hề hấn gì, bay lên, mất hút vào bầu trời. Vậy mà, anh Thành vẫn khẳng định, nó đã dính đạn, bằng chứng là không dám quay trở lại. Tôi cho rằng, nó đã hết bom, chẳng qua anh muốn động viên tôi mà thôi. Hứng chí hơn, anh tuyên bố, từ nay tôi sẽ là tiểu đội trưởng, còn anh là trung đội trưởng tự phong, thay anh Châu đã hy sinh.

Làm A trưởng cũng hay, đỡ phải khiêng súng, nhưng cả tiểu đội còn có 5 mống không ghé vai cùng anh em thì ai mang, tôi chợt buồn. Nhưng nõi buồn của tôi cũng sớm được giải toả. Mấy đêm sau, liên lạc đại đội dẫn đén ba lính mới bổ sung. Một, Tên là Thắng nhà ở Hà Nội, một, tên Chính, Thái Bình còn lại là Định, Quảng Ninh. Trời tối đen như mực, dưới ánh sáng nhập nhoạng của hoả châu, tôi chỉ kip thấy lờ mờ ba khuôn mặt. Sáng hôm sau, Chính biến mất để lại khẩu AK. Thắng người chắc, đậm, hứa hẹn một thợ khiêng súng tốt. Nhà hắn ở ngõ Thanh Miến, con ngõ nhỏ cong như một dấu ngoặc đơn, nối phố Nguyễn Thái học với Văn Miếu. Thằng Định, chân tay quyềnh quàng, da ngăm đen, dáng dấp khoẻ mạnh. Tự dưng tôi thấy rất buồn cười, ngắm hai thằng lính mới, mà như mộ phu đi Tân thế giới không bằng. Thằng Định, quê hắn ở tít mãi biên giới Việt Trung. Làng hắn có đến 80% là người Hoa. Có lẽ tiếp xúc với người Hoa nhiều nên giọng hắn cũng lơ lớ như mấy ông Tầu bán lạc rang phố Hàng Giày. Hầm chữ A, ba thằng nằm trở đầu đuôi chật cứng, chân tay thằng Định như thừa thãi. Thỉnh thoảng hắn lại rên lên: “xịt ra một chút nào” thật buồn cười. Vì thế tôi gọi hắn là Định “xịt”. Định “xịt” có một thói quen khá lạ lùng. Thỉnh thoảng hắn móc trong balo, một chếc gương honda gấy ra soi, ngày không dưói chục bận rất ngứa mắt. Tôi bảo hắn: ”Vứt mẹ nó đi, mày định gọi máy bay đến à “. Hắn lẳng lặng cất gương đi, nhưng chỉ được vài ngày, đâu lại vào đấy. Một lần trực chiến, hắn ngắm khẩu 12,7 ly rất kỹ và rụt dè nói: ”lúc nào có dịp anh cho em bắn nhé” “Bắn máy bay thì phải học còn bắn bộ binh thì dễ thôi, như bắn AK vậy” tôi bảo hắn, đai khái thế.

Chúng tôi lại chuyển chốt ra sát bờ sông Thạch Hãn, giá súng bắn bộ binh. Nghe trinh sát nói, cứ ngược theo bờ sông là Thành Cổ, nơi có tiếng súng vọng về không ngớt, suốt đêm ngày. Mặt trận phía đông chúng tôi, không có gì lạ, ngoại trừ vài trận đấu súng lẻ tẻ. Có lẽ do thời tiết. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống liên miên. Nước từ thượng nguồn đổ về đục như máu. Mà có khi lẫn máu thật. Đêm đêm, tôi nghe thấy tiếng lạch xạch của xuồng máy chở thương binh từ Thành Cổ xuôi ra, nhiều chiếc dính phải bom từ trường, không đến được trạm phẫu tiền phương. Vào một chiều tạnh ráo hiếm hoi, phía trước pháo sáng bắn lên rực trời, chẳng hiểu chuyện gì. Hôm sau mới biết, Thành Cổ đã bị mất. Từ đấy thấy vắng dần tiếng xuồng lạch xạch xuôi dòng.

Nằm trong hầm, nghe mưa rơi mà buồn thấu ruột. May có thằng Định “xịt” hay chuyện. Hắn kể chuyện làng, chuỵện xóm, chuyện nhà, chuyện cửa với những phong tục khá lạ kỳ. Nhưng kể mãi cũng hết chuyện, đôi khi thấy hắn thừ người ra, lại móc gương soi. Có lẽ cu cậu nhớ nhà. Một bận tôi nảy ra một ý nghĩ tinh quái, hỏi hắn:
- Này, năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi? Hỏi thực, đã bao giờ mày thấy cái ấy của phụ nữ chưa? Đừng ngượng cứ kể đại ra đi.
Hắn đỏ mặt, thẫn thờ một lúc rồi nói:
- Nhưng anh cũng phải kể chuyện của anh cho em nghe.
Tôi cứ ừ bừa vì hy vọng sẽ được nghe một câu chuyện thật nhảm nhí.
- Em, tháng tới là vừa tròn mười chín tuổi. Đã một lần được thấy cái ấy…
Hắn kể:
“… Hồi còn ở quê, em có thằng bạn thân hàng xóm, nó có một cô em gái rất xinh. Cũng vào cữ này năm ngoái, tháng ngâu, mưa cả ngày, chẳng đi đâu được. Em sang nhà nó chơi. Hai thằng nằm trong buồng tán chuyện tào lao, ngủ quên lúc nào không hay. Bỗng em nghe thấy một tiếng động mạnh ngoài cưả, giật mình, tỉnh dậy. Thằng bạn đi đằng nào mất, hoá ra cô em nó đi chợ về, quần áo ướt sũng. Ngỡ nhà không có ai, cô ấy ra bể nước dội ào mấy gáo, rồi vào buồng cởi tung quần áo lau người. Em nằm im như chết, nín thở mà tim cứ đập thình thịch. Lần đầu tiên em được thấy một thân hình trắng như thế. Hai bầu ngực căng tròn. Em liếc xuống phía dưới, thú thực, chỉ thấy như một nắm thuốc lào. Cô ấy lại đầu giường lấy quần áo, bất ngờ phát hiện ra em, kêu thất thanh, ôm vội đống quần áo chạy bổ ra ngoài. Em ngượng quá, lồm cồm bò ra khỏi giường lủi một mạch về nhà. Kể từ đấy mỗi bận gặp em là cô ấy lại đỏ mặt chạy vụt đi. Nhiều lần em muốn gặp xin lỗi mà không được, cô ấy cứ tránh mặt… Rồi cũng đến cái ngày em đi bộ đội. Cô ấy không tránh nữa, cùng thằng anh trai đi tiễn em. Lúc lên ô tô, bất ngờ cô ấy níu lấy balo của em khóc tức tưởi. Thằng bạn ngạc nhiên nhìn hai đứa. Em hết sức bối rối. Cô ấy dúi vào tay em một gói nhỏ. Lên xe mở ra là một chiếc khăn tay …”
Tôi thán phục nói:
- Truyện tình của mày hay thật đấy.
Hắn trả lời:
- Nhưng chúng em đã nói được gì với nhau đâu.
- Cần quái gì phải nói. Nó yêu mày rồi
Tôi nói tiếp.
- Hồi vào trong này, em viết liền mấy lá thư về mà chẳng thấy cô ấy trả lời.
- Mày cứ chuyển đơn vị xoành xoạch thì làm sao mà nhận được.
Tôi an ủi hắn.
- Thế còn chuyện của anh.
Hắn hỏi.
- Chuyện của tao chẳng có gì. Hồi ở đầu Kênh, tao có chôn cất một gia đình bị trúng bom. Chị chủ nhà áo thì còn, mà quần bay đâu mất. Tao cứ thấy ghê ghê. Căn cước của chị ghi tên Huệ. Có đôi hoa tai tao chôn cả. - Tôi kể.
- Chuyện anh kinh bỏ mẹ, toàn chết chóc. - Hắn nói thế.

Đầu tháng 11 chúng tôi được lệnh bàn giao chốt cho đơn vị khác. Một đêm mưa bão, tiểu đoàn vượt sông cửa Việt sang bờ bắc. Sông rộng thật. Bơi giỏi như tôi mà hàng tiếng mới dìu được súng sang tới bờ. Thỉnh thoảng một quả trái phá rít qua đầu. Pháo sáng chập chờn như ma đùa trên bầu trời.

Sau mấy tuần nghỉ ngơi, bổ sung quân, chúng tôi lại được lệnh vượt sông sang bờ nam tham chiến. Gói ghém súng đạn quân trang cho tiểu đội xong, chuẩn bị xuống nước thì bất ngờ chính trị viên đại đội gọi tôi lên. Anh bảo, bàn giao tiểu đội cho A phó, còn tôi nhận nhiệm vụ mới. Chuyện quái gì thế nhỉ? Nghĩ mãi không ra. Hoá ra, tôi được đi an dưỡng ở tuyến sau nửa tháng.

Làng an dưỡng cách Quán Ngang, chừng 3 km. Ngày ngày, từng tốp B52 ném bom miền Bắc trở về. Không biết ngoài ấy ra sao, lại thấy nhớ nhà cồn cào. Tôi có làm quen với mấy lính sinh viên trường Xây Dựng. Trong đó có Dũng C3, nhà ở phố Hàng Bạc. Cùng tâm trạng, hai đứa sớm thân nhau. Một sớm, gặp Bảo tiểu đội cối 82 đi lấy gạo. Trông thấy tôi, hắn gọi thất thanh: “Anh Thìn ơi, tiểu đội anh hy sinh gần hết rồi”. Tôi choáng váng. “Thế còn ai”. Tôi hỏi? Hắn nói, không được rõ vì ở tuyền khác.

Ruột gan như lửa đốt. Rồi cũng đến ngày trở về. Liên lạc tiểu đoàn dẫn tôi ra chốt. Chỉ một dải cát dài bên trái thấp thoáng bóng phi lao, “kia là Tám Cát “ hắn nói. Đến một đoạn hào bị pháo cày nham nhở, tôi thấy bệ của khẩu 12,7 ly quen thuộc bị vặn quăn hình số tám. Đón tôi ở cửa hầm là Bình “Méo” bàn chân băng trắng xoá và Hùng ngơ ngơ điếc vì tiếng nổ. Chúng kể lại . “Trận Tám Cát diễn ra thật ác liệt. Pháo địch bắn suốt đêm, sáng ra bộ binh bám theo xe tăng ủi liền mấy chốt của ta. Bên này khẩu 12,7 ly phát huy tầm xa, bắn chéo vào đội hình của địch. Chúng chết khá nhiều. Chiếc xe tăng quay nòng pháo lại, bắn liền hai phát. Phát đầu trúng cửa hầm, anh Tẹo toang bụng. Phát thứ hai hất tung khẩu 12,7, Định đang bắn sang một bên. Thằng Định bị …” “Tao hiểu rồi” tôi khoát tay ra hiệu, đừng kể nữa.

Một cơn gió từ biển thốc vào khiến tôi thấy lành lạnh sống lưng. Lần trứơc là Khánh “Voi”, lần này là Định “Xịt”. “Chúng mày chết cho tao sống Định ơi. Bắn bộ binh không dễ đâu… khó nhất là cơ động. Không đại khái được. Tao đã nói dối mày… Nếu không đi nghỉ hai tuần thì xạ thủ số một chính là tao”.

Nhớ lại truyện tình đẹp như truyền thuyết nó kể cho tôi bên bờ Thạch Hãn lại thấy quặn lòng. Ước gì, những lá thư tỏ tình của mày không tới được nàng “Tiên Dung” miền sơn cước, Định ơi.

Em vừa tròn mười chín. Đã một lần nhìn thấy … Báu vật của cuộc đời.

***
“Truyện của anh kinh bỏ mẹ, toàn chết chóc..” Thằng Định bảo tôi thế. Đáng ra tôi, còn kể tiếp anh Tẹo, hy sinh ra sao hay thằng Ngọ chết cháy trước cửa ngõ Phan Rang năm 75 thế nào, nhưng thôi tôi kể chuyện sống vậy. Một mầm sống hẳn hoi .

Hồi ấy tiểu đội tôi được bổ sung một lính mới, quê Thái Bình, tên Toản. Anh khá đẹp trai, tóc lúc nào cũng chải ngược ra sau, nom rất điệu. Khi anh cười, hai mắt tít lại, miệng ngoác tận mang tai, phô hai hàm răng... không được trắng. Nó vàng, xỉn, lại không đều, trông như đứa trẻ lên năm bị sún vậy. Vì thế, tôi gọi anh là Toản “Sún”. Anh Toản đã có vợ con đàng hoàng, anh hơn chúng tôi chừng vài tuổi. ( Có lần nghe thằng Mộc kể lại, anh hận tôi lắm, vì ngần này tuổi rồi mà vẫn bị tôi gán cho cái tên là “Sún”) Thực tình, tôi rất ân hận muốn sửa sai, mà không được. Là bởi, cái tên ấy quá quen thuộc với tiểu đội mất rồi, như mũi tên đã buông khỏi dây cung, làm sao giữ lại được nữa. Anh Toản cũng hay chuyện. Lúc hứng chí anh kể chuyện vợ chồng cho lũ trai tơ. Chúng tôi cứ há hốc mồm ra nghe. “… Chúng mày biết không? Con vợ tao, cái khoản ấy nó máu lắm. Cái lần tiễn tao đi bộ đội, chỗ khuất người, nó túm lấy cái ấy của tao bảo, giá anh để lại cho em cái này thì tốt quá. Tao nóng bừng cả người. Mãi đến khi xe sắp chạy mới hạ hoả”.

Mà anh Toản máu cũng không kém. Có bận ra cửa hàng mua bán, sờ tấm vải lụa đen, nhớ đến vợ, mặt anh lại đần thối ra, đứng chết trân hàng nửa tiếng đồng hồ. Tôi bực quá, thây kệ anh bỏ về. Chả trách hồi năm 73 sau Hiệp Định Pari, đóng chốt giáp ranh, một lần bên kia hàng rào, một thằng lính Sài Gòn chửi :" Đ mẹ Việt cộng thèm l … chết nửa đại đội ". Số là, bên địch hôm ấy, thấy thấp thoáng bóng áo dài xanh, đỏ, lính mình tò mò ngó xem.

Lại nói hồi đóng chốt giáp ranh ven biển. Có một lần bão to, tấm tôn lợp trên mái lán không chịu nổi sức gió bay vèo, chém một nhát ngang mặt anh Toản. Chúng tôi vội vàng khiêng anh đi cấp cứu phẫu trung đoàn. Nửa tháng sau anh về, một con rết dài cỡ gang tay vắt ngang mặt, nom rất gớm ghiếc. Có lẽ Chí Phèo cũng phải tôn anh làm đại ca. Sẹo trên mặt Chí, chỉ bởi mảnh chai, mảnh sành, sánh làm sao được với tôn hoa Cửa Việt.

Dạo ấy, sau hiệp đinh Paris, mặt trận phía đông khá yên bình, đơn vi tổ chức anh em liên hoan văn nghệ cho đời sồng tinh thần thêm vui vẻ. Là dân Thái Bình nổi tiếng hát chèo, anh Toản trổ tài khiến chúng tôi phục sát đất. Anh hát hay, múa cũng dẻo. Tiết mục của anh được chọn đi thi cấp tiểu đoàn. Cần phải tập thêm. Nhưng tập ở đâu ? Giữa lán mà múa may quay cuồng thì cũng lố. Một lần thằng Tác và Tân “vịt”, bắt gặp anh đang biểu diễn trong… nhà vệ sinh. Chuyện là, dạo ấy, hậu cần cũng khá. Mỗi tháng mỗi lính được cấp một tập giấy năm hào hai để viết thư. Tôi viết đủ thứ còn chẳng hết nữa là Tân “Vịt”. Hắn chẳng viết bao giờ. Hỏi tại sao hắn nói ngại. Hắn sử dụng luôn tập giấy làm cái việc cần thiết mỗi buổi sáng. Thằng Tác tiếc lắm, thế là, mỗi sáng, hắn đón Tân “Vịt” gần nhà vệ sinh, tay cầm tập giấy báo cũ cắt vuông vức hẳn hoi, gạ đổi cho Tân “Vịt”. Có bận giở chứng, thằng Tân không đổi, hai đứa đôi co, chính là hôm chúng bắt gặp anh Toản đang biểu diễn. Tôi vội lôi hai đứa ra xa, kẻo anh ngượng không tập tiếp.

Mấy hôm sau, anh nhận được thư nhà, buồn rười rượi, chẳng hát hò gì nữa. Hỏi gì cũng không nói. Tôi tỉ tê mãi, anh mới kể:“Con vợ tao ở nhà lăng nhăng với thằng hàng xóm. Mẹ chồng nàng dâu lủng củng không ai giải quyết được, nhắn tao về”

Một lần, nhân trực ban, tôi báo cáo với chính trị viên đại đội chuyện nhà anh Toản: “Gay lắm, độ này anh ấy làm sao ấy, múa hát như điên trong nhà vệ sinh, không cho ai vào. Không tin anh hỏi thằng Tân mà xem. Anh xem thế nào, xin tiểu đoàn cho anh ấy về phép…”

Hai tuần sau anh Toản được về phép thật. Hết phép, anh về đơn vị rất đúng hạn, mặt mũi phởn phơ, tay xách theo đôi gà làm giống, gà hoa mơ cánh tiên, tuyệt đẹp. Tôi hỏi anh, giải quyết chuyện gia đình thế nào. Anh cười: “Trông thấy cái mặt tao, cả anh, cả ả lậy như tế sao, hứa đến chết cũng không dám ăn vụng. Chi bộ thôn, thanh niên, phụ nữ, coi tao như anh hùng. Bắt tao kể truyện chiến đấu. Rồi cái sẹo thế nào. Tao chẳng dám nói bị tôn chém, cứ phét lác lung tung. Còn vợ tao, thôi thì tha cho nó. Nói thực nhé, mình mà có điều kiện thì cũng ăn vụng chẳng kém ai”

Đầu năm 74, chúng tôi chuyển quân về Triệu Độ. Đôi gà anh Toản mang về, lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc, trước lán tiểu đội, có hẳn một đàn gà. Mà đến lạ, đi đâu quanh thôn cũng gặp, gà hoa mơ cánh tiên. Giống của anh tốt thật. Tháng đầu mới về thôn, chưa làm được lán, chúng tôi phải chia nhau ở nhờ nhà dân. Tôi anh Toản, Tân “Vịt” ở nhờ một gia đình. Anh chị chủ không còn trẻ, lấy nhau gần chục năm không có con. Chị chủ trông tràn đầy nhựa sống, còn anh chủ ngược lại, rất thiếu sinh lực. Chị chăm sóc chúng tôi thật chu đáo, đặc biệt với anh Toản, có lẽ vì anh hát hay chăng?. Mấy tháng sau, nghe nói, chị có tin vui. Khỏi phải nói, anh chị vô cùng sung sướng. Tôi nghi ngờ anh Toản là tác giả của tác phẩm ấy. Có lần trực chiến, chỉ có tôi với anh, nửa đùa, nửa thật, tôi trêu. Anh vội mắng át đi“..vớ vẩn…”. Nhưng có lúc lại nói: "mất gì của bọ”

Cuối năm chị chủ nhà, sinh đựơc một thằng cu bụ bẫm. Cả thôn chúc mừng. Còn chúng tôi, lên miền tây đón tết và chuẩn bị chiến dịch xuân hè năm 75.

Thế mà, thoắt một cái đã hơn 30 năm. Tháng 10 năm 2005 tổng công ty VIETTEL, tài trợ cho các anh em từng chiến đấu ở Quảng Tri về thăm lại chiến trường xưa. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi trở về Triệu Độ. Cảnh vật thay đổi rất nhiều. Tìm về ngôi nhà xưa, không còn nữa. Hỏi chị hàng xóm, chị kể: “ Quãng mươi năm trước cũng có một chú bộ đội có cái sẹo to về chơi, chẳng hiểu sao, sau đó vợ chồng con cái bán hết nhà cửa, dắt díu nhau vào Nam làm ăn, từ đấy bặt tin tức”. Hỏi đến anh con trai, chị mau miệng: “ Anh ấy đẹp trai lắm, chẳng giống ông chủ chút nào. Phải cái răng hơi xấu”

Ôi ! Đích thị là Toản con rồi. Lại một con gà trống hoa mơ cánh tiên...

Mấy lời cuối truyện. Để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng tư của các nhân vật trong truyện, tôi đã thay tên, địa danh. Tuy nhiên, khó tránh khỏi liên tưởng, “nếu có điều gì sơ xuất xin hãy lượng thứ”

@ Chuyện kể của chiến binh thành cổ Như Thìn trên khucquanhanh.vn

2 nhận xét:

  1. Nặc danh17:42 29/7/13

    Truyện của ông này nghe như lính Nguy Kể ấy nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ông" quen đọc loại chém gió theo kiểu lên gân, lính chỉ có đánh, đánh là thắng.... , rồi chứ gì. Lính kg biết chơi gái ... chắc, kg biết ăn ngon mặc đẹp chắc, kg biết yêu chắc v.v.... ?! Lính cũng là người, thậm chí cùng học với ta, cũng yêu, thương hờn ghét, buồn vui chứ. Chuyện thật thì chả nge, nghe chủ nghĩa Mac.

      Xóa