Chiều
hôm đó chúng tôi nấu cơm ăn sớm, sau đó hành quân ra đường 1. Ở đó lại có mấy
xe Zin chờ chúng tôi. Khoảng gần 6 giờ chiều xe xuất phát, đi độ nửa tiếng thì
tới Bến Thuỷ, chúng tôi xuống đi bộ bên xe và lên phà. Sang đến bờ nam thì trời
đã tối, vào đây xe phải chiếu đèn gầm để đi. Nhìn lên phía trước đèn từ xe phát
ra với khoảng sáng rất nhỏ. Qua đất Hà Tĩnh đường bắt đầu xấu, khi đó trời đã
tối hẳn, đến một đoạn nhìn xuống thấy lờ mờ, có nhiều hố nhỏ lỗ chỗ. Anh Phượng
lại nói tới Ngã Ba Đồng Lộc rồi. Như vậy
từ nãy đến giờ tôi mới biết, chúng tôi không đi theo đường 1 nữa. Khoảng hơn 8
giờ tối (tôi chỉ ước lượng vậy thôi chứ có ai cố đồng hồ đâu) đến một địa điểm
xe dừng lại để bộ đội nghỉ vài phút. Chắc nơi này lính lái xe đã quen rồi. Một
lúc các em nhỏ từ bên đường tràn ra rao bán đủ thứ. Một em bé tới chỗ tôi mời
tôi mua trứng, tôi mua vài quả trứng luộc, không biết là trứng gà hay trứng vịt
nữa, ăn một quả còn để dành. Hồi đó bụng tôi khoẻ lắm, không như bây giờ ăn
trứng luộc nhất lại là buổi tối nữa thì bụng cứ ùng ục cả đêm. Xe lại tiếp tục
đi, đường dần càng sóc mạnh. Mọi người nói chúng tôi đang đi trên đường 22.
Ngày nay
đường 22 ít thấy dùng, nhưng hồi đó nó là con đường ít phải leo đèo vượt dốc.
Nó bắt đầu từ xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm
Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) rồi chạy qua các xã Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ
Lạc (huyện Kỳ Anh), sau đó kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đường
sóc đến nỗi lúc ngủ gật gục đầu vào băng
AK, tôi bị dồi lên dập xuống cằm đánh vào băng đạn đau điếng. Cố thức mấy rồi
cũng không chịu nổi, nên dù sóc như thế nào chúng tôi cũng chìm sâu trong giấc
ngủ ở mọi tư thế. Đến khoảng 3 giờ sáng thì xe đỗ lại. Chúng tôi xuống xe và
được dẫn lên một xóm trên ngọn đồi nhỏ. Mọi người được xắp xếp vào ở các nhà
dân. Chúng tôi cố gằng ngủ cho tới sáng.
( Có
tài liệu nói về sự hình thành đường chiến
lược 22 như sau
Trong
chiến tranh chống Mỹ, cùng với các tuyến đường chiến lược 15A, 21, 70, 8A…
tuyến đường 22 chạy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí
Minh huyền thoại) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nối liền
giao thông huyết mạch Bắc - Nam, đảm bảo chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến
trường lớn miền Nam.
Năm
1965, nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ
thực hiện kế hoạch leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc nước ta. Trong đó,
vùng giáp ranh Hà Tĩnh, Quảng Bình được xác định là địa bàn rất khốc liệt. Để
đảm bảo đưa quân và vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm vào chiến
trường miền Nam an toàn, kịp thời, đồng thời giảm thiểu mức độ ác liệt tại các
cứ điểm trọng yếu của ta trên tuyến đường 15A, 21, 70, 8A, đường Trường Sơn,
Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, bến phà Địa Lợi… đặc biệt là để “chia lửa” cho tuyến
quốc lộ 1A qua Hà Tĩnh, Trung ương quyết định xây dựng thêm một tuyến đường
chiến lược huyết mạch mới, đó là đường 22 chạy song song với đường 21.
Khoảng
đầu tháng 10-1965, hàng ngàn cán bộ, bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến các
huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đội thanh niên xung phong (TNXP)
53, TNXP các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Công
ty Đường bộ 4 - Bộ GTVT, Cục Công trình 1, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành… đã
được huy động về vùng đại ngàn phía Tây - Nam của tỉnh Hà Tĩnh, ngày đêm bám
trụ san đất, đá, sỏi, chặt cây rừng, bắc cầu qua khe, ngầm suối sâu, quyết tâm
mở đường chiến lược 22 theo kế hoạch.
Đến cuối
1970 đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 cơ bản hoàn thành thông suốt, đảm
bảo cho hàng ngàn lượt xe vận tải, quân đội của ta vào tiền tuyến an toàn.
Đường có điểm bắt đầu từ kilômét 18+600 tại Ngã ba Thình Thình (giao nhau với
đường chiến lược 21), thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đi vòng qua vùng hồ
Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) rồi chạy qua các xã Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn,
Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), sau đó kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh
Quảng Bình.
Đặc biệt,
trên tuyến đường 22 còn có một sân bay dã chiến Libi rộng hàng chục hécta,
nhưng gần đến ngày khánh thành thì bị Mỹ phát hiện dội mưa bom B52 phá tan
hoang, cho đến nay sân bay chỉ còn lại một bãi đất trống và một phần đã nằm gọn
trong lòng hồ Kẻ Gỗ.
Ông Võ
Tá Lý, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Đội phó Thường trực Đội
N53-P18 TNXP Hà Tĩnh) cho biết, những địa danh trên tuyến đường chiến lược 22,
như ngầm Rào Cời, Rào Cái, Ngã ba Kỳ Lâm, sân bay dã chiến Libi, ngầm Rào Môn,
Cây Mít, Cây Gạo, Ba Lòi… đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc, nơi đây bị
không lực Hoa Kỳ biến thành “chảo lửa”, “túi đựng bom”… cày xới tan nát, hàng
trăm bộ đội, TNXP của ta bị hy sinh không tìm được thi thể…
Sau năm
1975, tuyến đường chiến lược 22 dường như bị lãng quên. Hiện chỉ còn đoạn từ
Ngã ba Kỳ Lâm đi vào Quảng Bình, tuy khá nguyên vẹn nhưng cũng bị cây rừng phủ
kín heo hút.
Trong
hai năm 2006-2007, lực lượng TNXP Đội 40 Hà Nội đã về Hà Tĩnh xây dựng tại Ngã
ba Kỳ Lâm một tượng đài ghi danh, tưởng nhớ những TNXP đã chiến đấu, anh dũng
hy sinh trên tuyến đường 22 máu lửa này. )
Ngày 16/4/1972
Khoảng
10 giờ chúng tôi mua củi nấu cơm ăn. Đến gần 12 giờ chúng tôi tập hợp để xuống
ca nô đi tiếp. Hôm đó trời nắng ngồi trên ca nô như bị thiêu đốt. Sông có lúc
rộng lúc hẹp. Ca nô đi giữa sông, nước lặng như tờ. Lúc đầu 2 bên sông chỉ thấy
đồi, thình thoảng cũng có nhà. Bên sông có tiếng hò của các cô gái. Hình như họ
biết đoàn chúng tôi đi qua. Thế là Tráng nhà ta ở A3 bắt dầu trổ tài. Tiếng
Tráng hò đối đáp có lẽ chẳng thua gì các cô kia. Chắc cách hò của các tỉnh Nghệ
An, Hà Tĩnh, Quảng Bình giống nhau, nên Tráng mới hò đáp lại được. Cậu ấy hò
nghe cũng hay lắm. Đúng là anh chàng đã được đi trên xứ sở quê hương. Sau đó
tất cả cũng trở về với yên tĩnh. Các cô gái kia đã dần khuất xa, chúng tôi lại
tranh thủ ngủ bù giấc. Đến khoảng hơn 4 giờ chiều thì ca nô dừng và thả chúng
tôi bên bờ phía nam sông .
Chúng tôi lại tranh thủ kiếm củi nấu cơm
ăn vừa chờ xe, lúc này trời còn đang nắng. Sau này tôi có nghe anh Phượng nói
chúng tôi đã đi qua Cự Nẫm, tôi cũng
không hỏi đâu là Cự Nẫm, chỗ chúng tôi xuống ô tô, hay chỗ chúng tôi rời khỏi ca
nô. Ngày nay qua tìm hiểu trên bản đồ tôi đã xác định được vị trí Cự Nẵm chính
là nơi tôi xuống khỏi ca nô. (Cự ly đo trên bản đồ có thể ca nô đi được hơn bốn
mươi cây số)
Gần khuất bóng mặt trời (hơn 5 rưỡi
chiều) thì có xe đến đón chúng tôi. Như vậy là ngày này chúng tôi hành quân
liên tục. Không biết xe chạy theo đường nào, nhưng độ khoảng hơn 8 giờ tối, nhìn sang phía phải tôi thấy thành Đồng Hới,
vậy là chúng tôi đang đi trên một đoạn đường 1. Khoảng hơn 10 giờ đã đến phà
Long Đại. Chúng tôi xuống xe đi bộ xuống phà. Trời chưa có trăng nhưng không
mây nên cũng thấy mọi vật lờ mờ. Chiều
ngang sông chỗ phà Long Đại ngắn chừng
khoảng 200 mét. Bờ phía bắc có ngọn đồi
cao, thế mà nơi đây người ta gọi là phà Long Đầu, vì bom Mỹ thả ở đây nhiều
lắm. Đến nửa đêm chúng tôi đã đến Bãi
Hà. Hình như đây là rừng cao su của nông trường Quyết Thắng Vĩnh Linh. Ngày nay
xem bản đồ thấy Bãi Hà nhỏ chứ không lớn. Chắc hồi đó cứ ở trong rừng cao su là
lính ta gọi là Bãi Hà. Chúng tôi lấy võng ra chăng để ngủ.
Sáng dậy chúng tôi nghỉ ngơi. Tôi
hỏi tìm tới một hợp tác xã mua bán cách đó khoảng 500 mét để gửi lá thư đã
viết, cũng may ở đấy có hòm thư, nếu không lá thư không biết đến bao giờ mới
tới tay người yêu tôi được. Khoảng gần trưa chúng tôi gặp một đoàn anh em
thương binh từ phía trong đi ra. Sau khi hỏi thăm biết các anh ở không biết của
Sư đoàn nào bị thương trong Quảng Trị đang trên đường đi dưỡng thương. Chúng tôi nghỉ ngơi đến trưa, đại đội hành quân
bộ đi về phía tây. Tới một khu rừng thấp chúng tôi dừng lại nghỉ. Đã ra khỏi
rừng cao su và ở trong núi nhưng cây ở vị trí này thấp và lá nhỏ nên chúng tôi
không làm sao tránh được nắng. Trưa hôm ấy trong khi mắc võng ngủ tạm, một lính
ở trung đội 3, tôi không nhớ là A nào, hình như tên anh là Hoàng Văn Mão thì
phải, anh là người dân tộc Tày, chắc chưa quen với cách buộc võng nên khi nằm dây
võng tuột, lưng anh bị đâm vào một gốc cây bên dưới, đau không đi được. Dáng
anh này trắng trẻo gầy, mảnh khảnh, sau này quen nhau anh thường tâm sự với tôi
luôn. Thế là tiểu đội anh phải cử người dùng võng cáng anh đi. Đồ đạc của tiểu
đội, phải phân ra cả đại đội mang giúp.
Hành quân chiều hôm ấy thật vất vả vừa nắng nóng vừa mệt mỏi. Cuối chiều chúng
tôi đã vào được sâu trong núi cao và tạm nghỉ qua đêm tại đó. Khoảng trưa hôm
sau đại đội tập họp và chuyển sang phía bên kia núi, ở đây cây phủ kín mít, chỉ
có một số ít tia nắng có thể rọi xuống.
Ngày 18/4/1972
Hoá
ra đây là bãi khách. Cũng có một vài đơn vị khác đang ở đây. Ban chỉ huy đại
đội tập họp đơn vị và tuyên bố: để giảm nhẹ khối lượng mang vác, mọi người có
võng đôi hãy xé vứt đi một nửa, giấy tờ sách vở mang theo bỏ lại, giấy tờ, ảnh,
liên quan tới gia đình ở quê nhà cũng
huỷ bỏ, cứ 3 người thì giữ lại 1 màn vứt đi 2, đồ ăn thứ gì có thể bỏ thì bỏ. Thế
là các gói ruốc cá chúng tôi bỏ lại hết. Mà không phải riêng chúng tôi, nhìn kỹ
xuống khe suối, tôi thấy có tất tần tật mọi thứ, chắc của các đoàn đi trước đã
để lại. Tôi bỏ lại mấy tập giấy viết thư, giấy năm hào hai (giấy manh: giá năm
hào hai xu một thếp), cả tờ giấy ba tôi ghi tên họ hàng ở Quảng Nam và dặn tôi
mang theo, nếu khi nào có đi qua quê hương thì tìm gặp bà con, tờ giấy này thì
đúng là phải huỷ đi rồi. Sau đó chúng tôi
nấu cơm ăn tại đó để chuẩn bị đón xe lên đường đi tiếp. Khoảng gần 5 giờ
chúng tôi hành quân xuống chân núi, có con đường lớn nấp dưới tán cây ngay đó.
Một lúc có xe đón chúng tôi và lên đường. Ngoằn ngoèo trong rừng một hồi, xe đi
tới 1 con đường đất đỏ lớn hướng về phía nam. Xe chúng tôi gặp một đội nữ dân
công đứng bên đường, họ cười giơ tay vẫy chào, có chị còn ra hiệu bằng hình
tượng gợi cảm để trêu chọc. Hồi ở Mỏ chén đã có người kể những chuyện như thế
này, bây giờ chúng tôi mới gặp. Lại gặp tiếp một đơn vị thông tin đang đi trên
xe chiều ngươc lại, các anh đều mặc áo giáp. Khi xe vượt qua một con suối, anh
Phượng nói : “ta đang vào đất miền Nam
rồi”. Anh nói đây là đường Ngô Đình Diệm, hồi trước Diệm làm con đường
này nhằm cho kế hoạch Bắc tiến. Tôi cảm thấy bồi hồi, vậy là chúng tôi đã vào
đất của chiến trường, tôi nhấc nòng súng AK lên cao lên đạn và khoá nòng lại.
Động tác này từ ngày nhập ngũ tôi chưa làm bao giờ, kể từ đấy bao ngày tháng
trong chiến trường súng của tôi luôn ở trạng thái như vậy, tôi cũng lấy dây cao
su buộc 2 băng đạn trái chiều như các anh em khác. Đi một đoạn nữa lại có đoàn
xe đi ngược lại, bỗng nhiên tôi nhìn thấy Đang lớp Lý, vì xe cũng đi chậm nên
tôi hỏi với: “Mày ở đơn vị nào”; Đang đáp: “tao ở đoàn Bông Lau”. Chắc Đang
trên đường đi công tác. Rồi bóng tối dần buông xuống. Khoảng 9 giờ tối, đột
nhiên xe đi tới đường nhựa rộng và rẽ phải, chúng tôi đã bắt đầu vào đường 9.
Tiếng đì đùng chúng tôi đã nghe trước đó bây giờ rõ hơn. Đi một hồi lâu hướng
xe đã quặt về hướng đông. Bỗng nhiên trên trời ánh pháo sáng sáng rực, người
lái xe phải ngừng xe lại. Chúng tôi xuống xe và tản vào một cái ngõ một nhà dân.
Theo bài chúng tôi đã học, nên chúng tôi không được ngước mắt lên trời nhìn,
tránh sự phản chiếu. Đây là thị trấn Mai Lộc, mới được giải phóng vài hôm. Thật bồi hồi, chúng tôi đã thấy nhà dân, dáng
dấp kiến trúc khác với các ngôi nhà miền Bắc. Duy, Loát định vào trong nhà tìm
hiểu, tôi cản lại nói : ”thôi các ông ơi, nhỡ có chuyện gì không hay”. Phía xa
chếch về phía tay trái cách chúng tôi độ hơn chục cây số đó là Đông Hà đang có tiếng
súng đì đoàng. Trên trời, chiếc L19 không biết phát hiện thấy mục tiêu gì,
luồng đạn nó bắn xuống như một đường lửa đỏ không ngắt, âm thanh nghe một tiếng
“ trù ùuuu..ụt” . Nghe nói là nó bắn
đạn 20 ly, tốc độ bắn rất lớn nên
luồng lửa liên tục không thấy ngắt. Cách đây vài hôm nghe qua radio anh Châu
mở, quân địch đã dùng trên 200 chiếc tăng và bọc thép ủi chui xuống đất bao
quanh bên ngoài Đông Hà để cố thủ, cản trở lực lượng chống tăng của ta. Ánh
sáng phía Đông Hà làm hửng lên một góc trời. Khoảng 30 phút pháo sáng tắt chúng
tôi tiêp tục lên đường. Đi một hồi trên đường nhựa, xe rẽ vào con đường đất,
trong chiến trường lính gọi đường đất là “đường tăng”, (chắc là trước đây tăng
địch hay đi trên đường này). Khoảng hơn 11 giờ đêm xe dừng lại trên một đỉnh
dốc nhỏ. Chúng tôi xuống xe và xe tiếp tục đi dần mất hút trong đêm. Anh Phượng
nói chúng tôi đã đến Ngã ba Làng Nút.
Ngày nay tôi cố tìm vị trí của Ngã ba Làng Nút trên bản đồ mà mãi không thấy. Trong
suy nghĩ của tôi nó là vị trí đáng nhớ, nó là điểm cuối cùng của cuộc hành quân
của Đại đội tôi tới mặt trận. Các tài liệu trên mạng đôi chỗ cũng có nhắc đến
nó nhưng rất ít và sơ sài. Đi khoảng 200 mét chúng tôi được lệnh dừng lại. Mọi
người bỏ ba lô ngồi bệt xuống đất. Tôi nằm ngửa ra gối đầu lên ba lô ngắm trời.
Đêm ấy trời trong, trăng chênh chếch cao (theo tôi tính toán đó là đêm 10 âm
lịch), phía tay trái tôi là hướng đường
chúng tôi đã đi vào, phía tay phải là rừng. Không gian thật yên ắng đáng sợ.
Khoảng 30 phút sau chúng tôi tiếp tục đi vào sâu trong rừng bờ bắc sông Ba
Lòng. Trong chiến trường lính không còn tính cự ly bằng cây số, ky lô mét nữa,
mà tính bằng phút, bằng giờ. Các lính người dân tộc còn gọi theo đơn vị “con
dao quăng”. Tôi cũng quên không hỏi lại con dao quăng là bao nhiêu nữa.
Ngày 20/4/1972
Sau
một ngày ở bắc sông Ba Lòng và chuẩn bị nhận khí tài. Mới đi có vài ngày mà chiếc
quần mới nhận đã rách đũng, đôi giày cao cổ đã há mõm. Sức nặng trên người tới 40
cân, lại leo trên các vách gập gềnh, sau lưng trước ngực đều vướng đồ đạc. Buổi sáng chúng tôi tiếp tục hành
quân, Trung đội 1 chúng tôi tách khỏi đại đội (không biết B2,B3 đi theo đường
nào) hành quân và tới bến vượt qua sông Ba Lòng. Ngày hôm trước trời có mưa nên
lúc này nước sông lên, tiểu đội tôi vẫn đi trước, nước ngập gần ngang lưng,
chúng tôi vừa đi vừa kiễng, vừa choãi chân tránh bị ướt, và khỏi bị nước đẩy
đi. Bến vượt không rộng lắm, tôi khoác ba lô vừa đeo AK vừa mang bảng điều khiển phía trước
bụng. Sang bên bờ nam tôi thấy về phía tay phải có một vùng đất trống chiều dài
tới vài cây số. Dọc ven sông cỏ tranh mọc mênh mông. Cách bến vượt khoảng 50 m
có một ngôi nhà gạch đổ. Tôi nghĩ trong
đầu nếu không có chiến tranh, chỗ này trồng ngô, trồng đậu chắc được nhiều lắm.
Vượt sông khoảng một tiếng thì trời gần tối. Chúng tôi được ngủ qua đêm tại một
vị trí bên sông. Chiều hôm sau chúng tôi lại tiếp tục lên đường đi dọc theo
sông Ba Lòng về phía hạ lưu. Trời lại mưa hơi nặng hạt, lúc này chúng tôi đã phải dùng tới vải ni lon rồi, con đường
mòn trên bở sông không hẹp, đi đến chiều chúng tôi nghỉ lại trên một sườn dốc
bên sông Ba Lòng, bên cạnh là một khe nước. Bên cạnh chúng tôi có một đơn vị bộ
binh cũng đang ở đó, tôi không hỏi kỹ Sư đoàn
nào. Nghe thấy chúng tôi nói là B72, và công dụng, anh em đó mừng lắm, họ nói tăng và thiết giáp
của địch nhiều khi đánh nhau gặp chúng cũng chối. Họ lại hỏi: “thế B72 có bắn
xuyên táo được không”, chúng tôi giải thích sơ khả năng cho họ, thế là B72 đã
được thần thánh hoá. Chắc mấy anh đó đã nghe B72 đã có mặt ở Quảng Trị rồi, vì
C15 đã vào Quảng Trị trước chúng tôi. Chúng tôi phân công nhau nấu cơm. Trong
khi lấy nước tại khe có người phát hiện nước có mùi lạ, lần ngược lên đầu
nguồn phát hiện ra có xác chết, thế là
phải tìm nguồn nước khác. Rồi lại nghe lính nói: cách đấy mấy hôm, có tiểu đoàn
nào đó từ bên Lào về, đi trên đường 9 theo hàng dọc cự ly hơi dày, bị L19 phát hiện nó căn theo đường thẳng bắn 20 ly, đã
bị thiệt hại nặng nề. Hoá ra là trong đoàn đã có người nhặt được radio dấu
trong ba lô, vô tình đấy là máy phát sóng của địch nên bị lộ. Nghe vậy từ đấy
về sau, bọn tôi thấy mấy thứ đồ điện tử lạ, không dám sờ mó vào. Qua các câu
chuyện, chúng tôi lại nghe mới có loại vũ khí tự dò mục tiêu để diệt máy bay,
nên đầu tiên họ nhầm chúng tôi là loại đó. Hoá ra đấy là A72, sau này bọn chúng
tôi B72, A72, cối, 12,7 ly, 14,5 ly thường hành quân gần nhau, đi đâu hầu như
cũng bên nhau. Ngày đầu chưa ra trận mà chúng tôi có nhiều tin mới như vậy.
Từ
đây tôi được biết, B1 phối thuộc với Sư 324. Anh Thành đại đội phó đi chỉ huy
chúng tôi, B2 phối thuộc với Sư 304 anh Châu Chính trị viên chỉ huy, và B3 phối
thuộc với Sư 308 do anh Điến đại đội trưởng đi chỉ huy, còn anh Sức chính trị
viên phó tôi không rõ (chắc ở lại với một số anh em C bộ). Thế là từ đây các
hoạt động của B2, B4 chúng tôi chỉ nghe các anh em kể lại chứ không thấy rõ cụ
thể. Ngày hôm sau trời mưa dầm, đến khoảng trưa B1 chúng tôi tiếp tục hành quân
dọc theo bờ nam sông Ba Lòng, tới một điểm trong núi nghỉ chờ lệnh. Tôi không
biết vị trí đó ở đâu. Cũng từ đây chúng tôi nấu cơm theo trung đội các tiểu đội
cứ phân công luân chuyển nhau. Thực ra chỉ có nấu nồi cơm thôi, còn thức ăn thì
lúc này tạm thời nấu canh bột trứng, hoặc chẳng có gì cả, pha muối với nước,
cho tý mỳ chính là thành canh chan.
21/4/1972
Tối
hôm đó chúng tôi hành quân đi về phía đồng bằng. đến khoảng nửa dêm đã nghe tiếng
ồn ào. Mọi người nói đang đến một trạm phẫu dưới Đông Ông Do (phẫu là một trạm
cấp cứu dã chiến của quân y nhằm sơ cứu thương binh tại trận địa, và hậu cứ).
Lại nghe lính nói ở trên đỉnh Động Ông Do, các cụ lão dân quân Thanh Hoá vào
đây, chốt trên đó để bắn máy bay, không biết đây có phải là lời nói cho vui hay
là thật. Tôi nghĩ trong đầu, kỳ lạ thật, nếu đúng vậy không hiểu cấp trên đưa
các cụ vào đây làm gì. Chúng tôi đi trên đường tăng vòng quanh về phía trái chân
Động Ông Do, dưới ánh trăng mờ dáng Động Ông Do xuôi xuôi, sừng sững cao khoảng
70 mét. Thỉnh thoảng pháo địch nổ, có loại chỉ nghe ve.. eéo… Oành. Tiếng véo
thì ở trên không, còn tiếng Oành đã ở đâu đó trên mặt đất. Có loại lại nghe Xooẹt Oành, lại có loại nghe Oành.. Oành, sau này nghe lính nói loại này
là pháo tăng tốc, tiếng Oành đầu nó ở gần trên đầu, tiếng thứ 2 đã ở đâu đó
phía trước. Cả ba loại này nghe hơi rợn rợn. Cả đêm hôm đó chúng tôi hành quân,
gần sáng thì được nghỉ lại tại một địa điểm. Lại được tạm nghỉ ngơi. Mấy ngày
nay chúng tôi chưa đánh mà thấy căng thẳng quá, đã mất ngủ mấy đếm rồi.
22/4/1972
Đến
quá trưa hôm đó chúng tôi lại tiếp tục hành quân, lúc này đã xuống hẳn đồng
bằng, bây giờ không phải leo dốc xuống đèo nữa, khoảng 3 giờ chiều chúng tôi đã
tới khoảng đất trống, không biết xã huyện nào, ở đây có một đơn vị không biết
là Sư nào hình như 324 thì phải, đang ngồi nghỉ chờ, chúng tôi cũng được lệnh dừng
lại và ngồi nghỉ. Chúng tôi ngồi lẫn với đơn vị bạn. Hoá ra là đơn vị này có
nhiều lính mới người Hà Nội, ở khu Hoàn Kiếm, anh em nói phải hành quân từ Bắc
vào, vượt qua “Cổng trời” (cao điểm 1002) rất vất vả. Nghe lính kể, bọn địch
rất giảo quyệt. Khi rút chạy chúng đã cài lựu đạn xuống dưới tử sĩ của ta (sau
này tôi mới biết địch có 2 loại lựu đạn mỏ vịt, loại nổ tức thì, loại nổ có
thời hạn). Một anh trong đơn vị đó có anh trai ở đơn vị vào trước, bị tử trận, đi
tìm xác anh trai. Khi nhận ra vội vã lật xác người anh, thì trái lựu đạn đich
đã gài nổ tức thì thế là cũng bị hy sinh tội lắm. Lần đầu chưa xuất trận mà
nghe chuyện này thật buồn. Ngồi suốt buổi chiều, tối chúng tôi lại hành quân.
Hoá ra lại hành quân về, đường cũ, vòng qua
Động Ông Do, trời vẫn tĩnh mịch, pháo địch bắn vẫn cầm canh, B1 chúng
tôi được đưa tới một vị trí mới nằm sâu về phía tây nam Động Ông Do.
Đi đánh cầu Nhùng
23/4/1972
Chiều
hôm 23/4 chúng tôi chuẩn bị xuất kích. Khi trời bắt đầu tối (khoảng 7 giờ), hôm
ấy không mưa, người dẫn đường đến và chúng tôi hành quân, A1 đi sau tôi đi gần
cuối, A3 đi đầu, người dẫn đường đi trước. Đi khoảng 30 phút
(như đã nói ước lượng thôi nhé) chúng tôi đi tới vị trí có hai quả đồi, từ đồi
này sang đồi kế tiếp đường đi cũng hơi
dốc. Đoàn chúng tôi đến giữa chừng, A3 đã lên dốc đồi bên kia, còn tôi đang
xuống nửa dốc bên này. Bất ngờ bom B52 đổ xuống, tiếng nổ của loạt bom xé tai,
cướp hết hồn vía chỉ và nghe tiếng : đanh, đanh, đanh …. đanh , đanh.
Hết 3 loạt như vậy. Nếu lúc đó có trúng bom tôi cũng chẳng biết gì. Trong tiếng
nổ thì đá văng, rơi rào, rào. Vì 3 loạt có cách nhau một chút về thời gian nên
tôi mới nghe thấy vậy. Lúc đó tôi cũng chỉ kịp ngồi xuống và cúi người theo
phản xạ, để bảo vệ bảng điều khiển đang mang trước ngực, còn phía sau lưng là
ba lô. Sau khi ngưng hết tiếng bom, thì phía trước có tiếng kêu: ”anh dẫn đường
đã hy sinh”, rồi Tuyên tiểu đội 3 dính mảnh bom vào cổ tay, không biết nặng hay
nhẹ, Anh Thành, Anh Phượng ra lệnh A3
đưa Tuyên tới phẫu, anh dẫn đường tôi không nhớ các anh ấy giải quyết cách nào.
Còn tôi khi sờ lên mũ cối (mới lĩnh chưa được 10 ngày) thấy bị móp một góc,
chắc đấy là do đá rơi chứ nếu là mảnh bom thì tôi đã tiêu rồi. Thế là lần đầu
tiên chúng tôi bị bom B52 đánh vào đội
hình. Phía trước tan hoang, không có người dẫn đường, chúng tôi lui lại và nghỉ
tại một vị trí gần nơi bị đánh bom một chút, ở đây có đủ hầm hố an toàn.
24/4/1972
Ngày
hôm sau chúng tôi lại chờ đợi. Vậy là chúng tôi chậm mất một ngày do bị bom B52.
Xung quanh vị trí đang ở cũng có bãi bom B52, cây cối đổ ngổn ngang. Trận bom
đêm vừa rồi tiếng nổ khác với tiếng nổ của B52 bên kia núi sau hôm chúng tôi
xuống Ngã ba Làng Nút, tiếng nổ của trận bom vọng qua núi nó kêu
rầm..rầm…rầm…Oai lực của nó nghe rùng rợn không kém. Lúc đó đất trời
rung lên như động đất mạnh
Tối
đó trung đội tôi lại lên đường xuất kích, chúng tôi được phát vài bánh lương
khô. Lần này chúng tôi không vòng qua Động Ông Do nữa, đến khoảng 10 giờ đêm, đang đi dọc bờ một hàng cây, không biết có phải bờ tre không.
Bất ngờ bom B52 ập tới. Giữa đường địa hình bằng phẳng, không hầm, không hố,
chúng tôi chỉ còn cách nằm dán xuống đất, nhưng tôi thì vướng bảng điển khiển,
chưa kip tháo ra, nên áp xuống đất được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tiếng nổ chẳng khác đêm vừa rồi, cũng ghê rợn,
cũng gọi hồn chúng tôi. May quá, trận bom rơi lệch với đội hình chúng tôi
khoảng 100 mét, nên không ai việc gì, nó mà chỉ trệch tý nữa là cả trung đội
tôi chẳng còn xác ai nữa. Sau trận bom, chúng tôi đi suốt đêm đến gần sáng là
đến vị trí tập kết, đó là vị trí bờ bắc Sông Nhùng nằm về phía tây đường 1,
trung đội lấy đây làm bàn đạp. Theo bản đồ đây là làng Thương Nguyên. Mờ sáng
anh Phượng sau khi chọn lấy toàn bộ A3, và các trắc thủ chính của các A ra trận
địa, Còn lại Anh Phượng giao tôi và anh Kỳ A trưởng A2 và các anh em còn lại ở lại “bàn đạp”, Căn cứ
theo nhiệm vụ của Sư 324 thì chắc chắn chúng tôi tham gia chặn tăng trên đường
1, và cầu Nhùng. Không biết anh Thành
anh Phượng bố trí trận địa ở đâu, nhưng tôi nghĩ các anh sẽ bố trí tại khu vực
Xuân Lâm. Còn các anh để một nửa trung đội ở lại là để dự bị chăng. Sau này tôi
biết anh Thành rất cẩn thận và luôn chú ý đến việc giữ gìn bảo toàn lực lượng.
Khi chiến đấu anh luôn để dành một bộ phận dự bị. Khi ở hậu cứ anh luôn nhắc
nhở vấn đề an toàn, tránh tổn thất không cần thiết, khi hành quân luôn có ý
thức đề phòng bị lạc, thiếu lương thực
Vị
trí bàn đạp chúng tôi nằm bờ sông Nhùng, cách cầu Nhùng khoảng hơn 2 cây số. Ở
đây nếu nghe kỹ tôi có thể thấy tiếng xe cộ ở phía đường 1, căn cứ theo cự ly
đạn B72 có thể bắn được.
Không
có radio theo rõi, không có bất kỳ tin tức gì, trong khi đó hãy xem đoạn tiểu
thuyết mô tả chiến dịch trong những ngày tôi nằm dí ở đây xem sao. Quả thật
những ngày này thật sôi động. Quân ta đã tiến công địch như thế chẻ tre. Những
ngày này mà chúng tôi nằm một chỗ chờ, cũng chẳng được ngồi chơi xơi nước.
(Vị trí Bàn đạp B72 và cầu Nhùng, căn cứ của
địch)
Chỗ chúng tôi đóng quân là một vườn
nằm trên bờ bắc của sông Nhùng trong làng Thượng Nguyên, trong vườn có mấy cái
hầm kèo (Hầm chữ A), các hầm này chắc các anh em Sư 324 đã đào, trong vườn có
khoảng bốn năm hầm gì đó. Hầm anh Kỳ ở góc vườn phía đông bắc, tôi ở phía tây
nam. Hầm tôi có 2 người, tôi và Nùng A Tỷ. Một hầm có Hoàng văn Nhi và Hùng còn Thanh, Loát , Duy ra trận địa. Mấy hôm
đó trời nắng to, bên ngoài vườn có một đường mòn sát ven sông. Mấy ngày ở đây
không khi oi bức, một mặt có con vịt hay gà bị chết đâu đó trong vườn làm không
khi càng khó chịu. Hàng ngày VO10 quần đảo trên trời liên tục. Ở đây gần chiến
tuyến nên mấy hôm chúng tôi không thấy trận bom B52 nào quanh đây. Hàng đêm muỗi tập trung ở đâu về dày đặc như
trấu. Chúng tôi không có người nên không cử gác. Điều này thật liều, nhỡ ban đêm địch nó tập kích thì
chết cả lũ. Đêm đầu nằm trong màn nóng không ngủ được, nửa đêm trăng lên cao mà
mắt cứ thô lố nhìn trời. Rồi tôi cũng thiếp đi được chút ít, đột nhiên tỉnh dậy
thấy Tỷ nằm ngoài màn, thỉnh thoảng vỗ đét một cái, tôi hỏi tại sao không vào
màn nằm, muỗi đốt chết, anh ta nói hồi còn ở nhà muỗi đốt tôi quen rồi, tôi nói
mấy lần cũng không vào màn.
Chiều ngang sông Nhùng chỗ tôi khoảng 100 mét.
Hai bên không thấy dân ở. Ở đây vướng cây cối không quan sát được rõ quang cảnh
ở xa. Có hôm tối Loát và vài người từ trận địa về, rồi lại đi, nên chúng tôi
lại được nghe tình hình ngoài trận địa. Đến ngày thứ 3 sau khi chúng tôi đến
đây, vào buổi chiều, nắng còn đang gắt, một đoàn dân chúng khoảng vài chục
người, đi dọc theo bờ sông từ phía cầu
Nhùng đi ngược lên, gồm người già phụ
nữ, ăn mặc cứ như đi hội, đi lễ, cầm dù đen che nắng. Lần đầu tiên gặp dân
không hiểu họ thế nào, một mặt sợ lộ mục tiêu, một mặt trên trời tiếng VO10 còn
vo ve quần đảo. Chúng tôi cứ im lặng theo rõi, toán dân đi qua và tới một
khoảng trống cách chúng tôi độ 100 mét vẫy tay vẫy nón lên trời, chắc họ báo
hiệu là dân để pháo và máy bay không bắn.
Tối đó một số các anh em ở trận
địa rút về, lại kể chuyện: Trên đường 1 từ cầu Nhùng trở ra mấy trăm xe ô tô bị
ùn nghẽn hàng chục cây số. Như vậy theo thời điểm ghi trong lịch sử, sáng
29/4/1972 cầu Nhùng đã bị phá, và ngày này Sư 324 phải thực hiện một cuộc tấn
công phá cầu và chặn hai cuộc
phản công từ phía Thượng Xá , Long Hưng
diệt được 6 xe tăng và xe bọc thép, ngày 30/4/1972 tấn công Tân Điền,
Bến Đá. Nhưng B72 có tham gia không, hoặc trận địa B72
của B1 có nhìn thấy tăng địch không. Sang Ngày 1/5 thì 324 đánh địch phản công
mà không thấy nói có sự có mặt của tăng địch hay không. Dù sao thì cả mặt trận
đã thắng lớn. Chúng tôi lòng hồ hởi, phấn chấn. Tôi xin chép ra đây một đoạn từ
tác phẩm LỊCH
SỬ MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9 - BẮC QUẢNG TRỊ (1966 - 1973) Nhà xuất bản: Quân đội nhân
dân Năm xuất bản: 2001
để thấy được những thời điểm hào
hùng bất diệt đó:
“Đặc biệt trong đợt hoạt động
tạo thế này, lần đầu tiên quân ta đã sử dụng vũ khí chống tăng B72. Trong trận
đánh ngày 23 tháng 4, các khẩu đội
B72 Lục Vĩnh Tưởng, Lê Văn Trung được sự hỗ trợ đắc lực của các phân
đội bộ binh đã tiêu diệt 14 xe tăng
thiết giáp, gây cho địch nỗi kinh hoàng về huyền thoại "đạn có
mắt”, "bắn đâu trúng đấy” của quân ta. Tóm lại, trong đợt hoạt động tạo
thế 15 ngày này, ta diệt hơn 2.000 tên địch, bắt sống gần 40 tên, làm hạn chế
bước triển khai phòng thủ địch. Nhưng điều chủ yếu và trước hết là quân ta đã
tìm ra "bí quyết” của chiến thuật co cụm cứng bằng xe tăng thiết giáp
địch. Đánh bại "Chiến thuật trâu rừng”, tất yếu ta sẽ đánh bại hoàn toàn
cụm phòng thủ của địch ở Đông Hà - Ái Tử - La Vang. ,,,,,
….
Đến ngày 26 tháng 4, lực lượng địch
bố trí trên chiến trường Quảng Trị so với thời kỳ đầu có biến động không đáng
kể:
- Cánh chủ yếu Đông Hà - Lai Phước,
địch vẫn giữ nguyên trung đoàn 57 (sư đoàn 3) mới chạy từ Cồn Tiên, Miếu Bái
Sơn về "giữ vai trò trọng yếu” trong phòng ngự thị trấn Đông Hà; sẽ cùng
với 2 liên đoàn biệt động quân (4, 5) và 2 thiết đoàn (17, 20) có nhiệm vụ ngăn
chặn tiến tới đẩy lùi "quân địch" khỏi Đông Hà, Sông Hiếu... thu hồi
những phần đất đã mất.
- Khu sân bay, kho tàng, hậu cứ Ái
Tử do trung đoàn 2 (sư đoàn 3), lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và thiết đoàn 11
đảm nhiệm, phối hợp chặt chẽ với hướng chủ yếu Đông Hà bảo vệ bằng được các
tiền đồn ở đông căn cứ Phượng Hoàng, nam Tân Vĩnh, kiên quyết không cho
"địch” phát triển từ hướng tây xuống và từ hướng sông Thạch Hãn lên.
Cả khu vực Đông Hà - Lai Phước - Ái Tử được trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh
quân khu 1 giao cho đại tá Nguyễn Trọng Luật người đã từng "nướng” gần hết
thiết đoàn 17 ở Bản Đông trong chiến dịch "Lam Sơn - 719" ở Đường 9 -
Nam Lào tháng 3 năm 1971, làm chỉ huy trưởng.
- Cụm La Vang - Long Hưng, địch bố
trí liên đoàn biệt động quân 1, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369 và 2 chi đoàn
thiết giáp, 2 trận địa pháo hỗn hợp đảm trách ngăn chặn các đợt tiến công
"tạt sườn" của bộ đội ta vào các điểm cao phía tây thị xã Quảng Trị,
bảo vệ bằng được trục đường 1.
Tất cả các lực lượng ở "Mặt
trận Quảng Trị’ được Nguyễn Văn Thiệu và Hoàng Xuân Lãm một lần nữa giao cho
chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh sư đoàn bộ binh 3 chỉ huy.
Thông qua việc bài binh bố trận, ta
thấy chỗ mạnh của địch là đã tổ chức được các cụm phòng ngự lớn, liên hoàn, có
chiều sâu, chiều rộng thích hợp, khi xảy ra tác chiến chiến thuật, chiến dịch
có thể hỗ trợ cho nhau bảo vệ khu vực phòng thủ; việc vận chuyển đường bộ,
đường không, đường biển đang được duy trì và chiếm ưu thế về phương tiện hiện
đại; cường độ và số lượng hoạt động của không quân và pháo hạm của địch gia
tăng đáp ứng yêu cầu tối đa của các đơn vị tham chiến ở phía trước. Chỗ yếu của
địch là tác chiến cải thiện thế phòng thủ không đạt yêu cầu; lực lượng được
tăng cường lớn nhưng tư tưởng hoang mang; đội hình phòng thủ bị co hẹp trên một
khu vực dài dọc đường 1 có nhiều sông núi ngăn cách, khi tác chiến dễ bị chia
cắt, tiêu diệt.
Về phía ta, sau đợt hoạt động tạo
thế, quân ta đã tìm ra "bí quyết” của chiến thuật "phòng thủ cứng”
của địch, khí thế các đơn vị đang lên, lực lượng ta vẫn sung sức chiếm ưu thế
hơn hẳn về xung lực, hỏa lực (trừ máy bay, pháo hạm), những bàn đạp quan trọng
ta vẫn giữ vững. Căn cứ tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương tác
chiến và sử dụng lực lượng như sau:
Tập trung lực lượng tấn công tiêu
diệt các cụm dịch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang hỗ trợ cho quần chúng hai huyện
Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ, giải phóng
hoàn toàn thị xã Quảng Trị, nắm thời cơ phát triển giải phóng Thừa Thiên.
Hướng tiến công chủ yếu Đông Hà -
Lai Phước, hướng phối hợp quan trọng Ái Tử. Đoạn Cầu Nhùng đi Mỹ Chánh là hướng
chia cắt chiến dịch; đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng là hướng thọc sâu vu hồi.
Sư đoàn bộ binh 308 cùng các lực lượng tăng cường tiến công Đông Hà
- Lai Phước.
Sư đoàn bộ binh 304 tiến công cụm cứ
điểm Ái Tử, chia cắt địch ở cầu Quảng Trị, đập tan các đợt phản kích, ứng cứu
của địch ở Quảng Trị, La Vang.
Sư đoàn bộ binh 324 chia cắt địch ở
đường số 1 (đoạn Quảng Trị - Mỹ Chánh), kiên quyết đánh bại các đợt giải tỏa
ứng cứu của địch ở Huế ra, Quảng Trị vào. Trung đoàn 27 cùng với các tiểu
đoàn 47 Vĩnh Linh được tăng cường 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn đặc công
thọc sâu vào đồng bằng ven biển Triệu Phong - Hải Lăng với hai nhiệm vụ: bao
vây vu hồi chia cắt chiến dịch và hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giải phóng quê
hương.
Phương thức tác chiến chiến dịch là hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, phát huy cao
độ sức mạnh của binh khí kỹ thuật, vừa bắn phá trên toàn tuyến, vừa tập trung
diệt từng điểm, từng cụm, quyết bao vây chia cắt chiến dịch; kết hợp đánh vỡ
từng mảng tiến tới tiêu diệt hoàn toàn 25 tiểu đoàn bộ binh, 3 trung đoàn thiết
giáp cùng toàn bộ lực lượng bảo an và phòng vệ dân sự.
Chiều ngày 26 tháng 4 năm 1972, sau khi kiểm tra lần cuối
công tác chuẩn bị, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho các cánh quân vào tuyến
xuất phát tiến công. Trên suốt dọc chiến tuyến từ tây bắc Đông Hà- Lai Phước
đến những dải đồi trùng điệp ở phía tây Ái Tử, La Vang, bộ binh, xe tăng và
pháo binh ta nối nhau vào vị trí quy định.
Ở hướng Đông Hà - Lai Phước do Sư đoàn 308 đảm nhiệm, Trung đoàn 102 lặng lẽ
tiến dọc theo sông Vĩnh Phước, hình thành thế bao vây điểm cao 26, điểm cao 23,
dự kiến tiếp phương án phát triển đánh chiếm Đồi Vuông, điểm cao 20.
Trung đoàn 88 chia thành hai mũi bí mật luồn sâu vào bên trong bao vây điểm cao
24. Trung đoàn 36 từ hướng Tây Trì tiếp cận các điểm cao 19 và 28. Trung đoàn
48 tiến vào Tân Vĩnh, xe tăng, thiết giáp phối thuộc các trung đoàn, được lệnh
dừng lại cách đội hình bộ binh từ 1 đến 2 km. Đến 4 giờ 35 phút, trên trận
tuyến đông Hà, Sư đoàn 308 đã ở tư thế sẵn sàng tiến công.
Hướng Ái Tử, Sư đoàn 304 cho Trung
đoàn 9, Trung đoàn 24 áp sát các điểm cao 22, 23, 42. Hướng Đông, Trung đoàn
27, tiểu đoàn 47 và các đơn vị phối thuộc được nhân dân Triệu Phong giúp đỡ
vượt sông Cửa Việt tiến sâu vào đồng bằng ven biển.
Sư đoàn 324 ở hướng nam tiến ra
đường 1 thực hiện chia cắt chiến dịch. Hai trận đánh nhỏ giữa Trung đoàn 1 với lữ
đoàn 369 lính thủy đánh bộ đã diễn ra . .
5 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, sau khi cùng Bộ Tham mưu chiến dịch kiểm tra toàn bộ công tác
chuẩn bị chiến đấu của các cánh quân, Tư lệnh Lê Trọng Tấn ra lệnh tấn công.
Bắn mở màn cổ trận quyết chiến
chiến dịch vẫn là pháo hạng nặng 130, Đ74, lựu pháo 122, l05, 100, súng cối 160
ly, 120 ly. Đạn hỏa tiễn A12, H12, ĐKB... dội bão lửa lên tất cả các vị trí
địch.
5 giờ 30 phút, các sư đoàn bộ binh
trên khắp các chiến tuyến được lệnh xung phong.
Hướng Sư đoàn 308, Trung đoàn
88 sau khi cùng xe tăng, thiết giáp vượt qua điểm cao 37 đã chia làm hai mũi
đánh vào quân địch chốt giữ vòng ngoài thị trấn Đông Hà. Mũi một tiến xuống đồi
Mâm Xôi tiếp giáp với các điểm cao 24. 28. Tại đây một trận ác chiến đã xảy ra.
Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, bộ binh và thiết giáp địch vừa chống cự
và lùi dần về điểm cao 24 nằm cạnh sân bay Đông Hà. Mũi hai luồn sâu chiếm bàn
đạp Làng Mới, công kích tiểu đoàn biệt động quân 30, đẩy chúng vào tình thế bị
uy hiếp từ nhiều phía. Thấy tình thế bị nguy ngập, bộ chỉ huy địch ở Đông Hà
liền cho một chi đoàn thiết giáp lên tăng cường và cho không quân, pháo binh
đánh phá tối đa, quyết đánh bật Trung đoàn 88 ra khỏi vị trí vừa chiếm được.
Được tăng viện, tiểu đoàn biệt động
quân cùng 12 xe tăng và xe M113 dàn hàng ngang hò hét xông lên tưởng chừng nuốt
chửng quân ta. Các chiến sĩ Trung đoàn 88 chờ cho bộ binh, xe tăng địch đến
thật gần mới nổ súng. Sau một loạt
đạn tên lửa chống tăng B72, B40, B41, 10 xe tăng địch đã bị trúng đạn. Lính biệt
động hết chỗ dựa, bất chấp lệnh chỉ huy, bỏ trận địa tháo chạy. Đến 9 giờ,
Trung đoàn 88 đã làm chủ các điểm cao 35. 24, 37, đưa lực lượng bộ binh cơ giới
thọc sâu bao vây sở chỉ huy trung đoàn 57 ở Đại Áng, Trung Chỉ.
Trên hướng tiến công chủ yếu của Sư
đoàn 308 do trung đoàn 102 đảm nhiệm, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt.
Sau đợt pháo bắn yểm trợ, trung đoàn cho một lực lượng áp sát tiêu diệt Đồi
Vuông, rồi nhanh chóng chuyển sang bao vây quân địch ở điểm cao 26 và điểm cao
23. Địch dựa vào thế cao, hào sâu có xe tăng yểm trợ chống trả quyết liệt.
Trung đoàn đã ba lần tổ chức cho bộ đội xung phong chiếm các điểm cao nhưng đều
bị địch đẩy lùi và bị thiệt hại. Trong tình thế cấp thiết đó, cán bộ, chiến sĩ
Trung đoàn 102 một mặt kiên quyết bám trụ giữ vững trận địa, mặt khác quan sát
xem xét sự chống trả của địch. Sau chốc lát quan sát, cán bộ chiến sĩ ta phát
hiện ra hai hỏa điểm xe tăng địch chôn ngầm rất lợi hại có thể khống chế sự
phát triển của ta. Yêu cầu khẩn thiết tiêu diệt hai hỏa điểm lợi hại đã được
một trung đội bộ binh thực hiện. Hai hỏa điểm xung yếu của địch bị diệt, bộ đối
ta ào ạt đánh lên, lính ngụy vỡ tổ phá chạy. Trung đoàn 102 lần lượt làm chủ
các mục tiêu thuộc các điểm cao 26, 23, 32, áp sát bao vây điểm cao 28. Trận
đánh kéo dài hết buổi chiều, nhưng Trung đoàn 102 vẫn chưa diệt được điểm cao
28 để thực hiện chốt chặn tại cầu Lai Phước.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét