2 thg 12, 2014

“Bạc đãi” những nhà khoa học chân chính là một bi kịch, “ưu đãi” những “nhà khoa học dởm” còn bi kịch hơn.

hohaohon: Hiểu theo bài báo này thì nơi mình cày ải trước đây cũng là bi kịch. Nói theo danh từ chuyên môn, đây là công tác cán bộ. Công tác cán bộ dở tạo ra cán bộ hư, luồn cúi, trọng chức quyền hơn trọng chuyên môn. Cứ như vậy hỏi nền KHCN nc nhà khá lên sao đc ?!

(Dân trí) - Song song với việc đãi ngộ xứng đáng những nhà khoa học chân chính thì một việc không kém phần quan trọng, đó là tìm ra những tài năng đích thực để đãi ngộ xứng đáng. “Bạc đãi” những nhà khoa học chân chính là một bi kịch thì “ưu đãi” những “nhà khoa học dởm” còn bi kịch hơn.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)


Một tin vui đến với các nhà khoa học nói chung, các chuyên gia công nghệ cao nói riêng, UBND TP HCM vừa quyết định thí điểm chương trình thu hút nhân tài trong lĩnh khoa học, công nghệ với mức lương có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng.

Theo đó, 4 đơn vị nằm trong diện thí điểm gồm Viện Khoa học Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Công nghệ cao và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.


Nếu so với mức thu nhập của các nhà khoa học trong cả nước hiện nay, mức lương 150 triệu đồng/tháng là rất lớn, như một “đãi ngộ vàng”. Vì vậy, đây là một quyết định mang tính đột phá bởi thí điểm này nếu có hiệu quả, chắc chắn bước tiếp theo sẽ là các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác.

Có lẽ không cần nhắc lại đồng lương “eo hẹp” dành cho các nhà khoa học trong thang bảng lương hiện nay mà chỉ xin nhắc lại một trường hợp cụ thể. Đó là việc GS. Ngô Bảo Châu khi về nước đảm nhiệm chức Viện Trưởng Viện Toán cao cấp, mức lương xếp dù đã được vận dụng hết mức “ưu ái” cũng chỉ nằm ở khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, tương đương với khoảng 250 USD.

Vì vậy đối với quyết định đột phá trên, trả lời báo chí, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Ths. Từ Minh cho biết: “Đây là quyết định khá mạnh tay của chính quyền TP.HCM nhằm thu hút nhân tài, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ... chúng tôi rất phấn khởi, hoan nghênh cả hai tay. Sắp tới, chúng tôi tin sẽ mời được chuyên gia giỏi, có thể là chuyên gia nước ngoài”.

Song, dù rất hoan nghênh chủ trương này, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết “mức chi tối đa 150 triệu đồng/tháng đối với chuyên gia chưa hẳn là cao. Bởi đôi khi mời được chuyên gia hàng đầu thì chi vài chục ngàn USD/tháng không phải là chuyện hiếm”.

Nhận định của PGS Lê Hoài Quốc là chính xác. Tháng 7/2013, báo chí Mỹ loan tin rầm rộ chuyện một sinh viên vừa mới ra trường đã “ẵm” ngay 25 triệu USD cho công trình ứng dụng ở điện thoại di động, qua đó số điện thoại di động sẽ là số tài khoản, số căn cước công dân, mã số thuế…

Tất nhiên, công ty mua công nghệ này cho biết, họ sẽ có lời to từ ứng dụng này.

Do vậy, khoản tiền 150 triệu (khoảng 7.500 USD) không phải là lớn nếu chúng ta tìm được người xứng đáng với khoản tiền đó và hơn thế.

Bài toán đặt ra, nếu như một nhà khoa học làm ra mỗi tháng 300 triệu đồng chẳng hạn, thì mức lương 150 triệu đồng đó là hợp lý. Còn nếu người đó làm ra 1.5 tỉ đồng/tháng chẳng hạn, thì mức lương đó còn là chưa xứng đáng, thậm chí là bất công với nhà khoa học.

Song càng bất công hơn nếu như anh ta lại không làm đủ dù chỉ là số tiền chi cho mình. Đã có không ít doanh nghiêp tư nhân khi tuyển dụng đã cho phép người được tuyển dụng tự đặt mức lương của mình đồng thời với điều kiện đóng góp cho doanh nghiệp.

Tóm lại, vấn đề không phải là lương nhiều hay ít, cao hay thấp mà lợi ích từ mỗi cá nhân mang lại có xứng đáng với những gì được hưởng mới là quan trọng.

Có một lo ngại “nhỏ” ở đây không thuộc các doanh nghiệp tư nhân mà thuộc về các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước

Đó là với “xu hướng” tuyển dụng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” như hiện nay thì không loại trừ có thể sẽ “lọt lưới” những nhà khoa học dởm.

Vì vậy, song song với việc đãi ngộ xứng đáng những nhà khoa học chân chính thì một việc không kém phần quan trọng, đó là tìm ra những tài năng đích thực để đãi ngộ xứng đáng.

Nên nhớ, số tiền trên được trích từ ngân sách, tức là tiền đóng thuế của dân.

“Bạc đãi” những nhà khoa học chân chính là một bi kịch thì “ưu đãi” những “nhà khoa học dởm” còn bi kịch hơn.


Bùi Hoàng Tám
Cọp từ Dân trí (Dù ở ngay Dân trí nhg gắn với nghiên cứu KH nên cọp về !) 

2 nhận xét:

  1. Khoa học An nam tự thuở nào
    Đã thành mờ nhạt quá lao đao
    Thượng cấp chẳng ai làm khoa học
    Viết nghị quyết rành tưởng đã cao
    Cần chi khoa học cho mệt mỏi
    Chính trị "vững vàng" khá thanh tao
    Đôi khi mát tai nhờ "ca ngợi"
    Bởi khách quốc tế giỏi ngoại giao
    Phen này đoạt giải "Nobel" hỡm
    Bởi lắm lời khen "thỏa ước ao"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ước ao ! Ước ao ! Ước ao !
      Công tác cán bộ để rồi đẻ ra nhg tay Truyền tay Nghiên thì ai chả Ước ao !

      Xóa