Tác giả: Đào Dục Tú
KD: Có người quả quyết rằng :”
Không thiếu hiện tượng nhà thơ một bài. Nhưng riêng Bàng Bá Lân? Cặp lục
bát “tuyệt điệu từ” ngôn ngữ thơ Việt cũng đủ vinh danh thi sĩ họ
Bàng-thi sĩ của đồng quê Việt, của làng quê Việt!
Cảm ơn anh Đào Dục Tú :D
—————
Thơ “tiền chiến”- khái niệm chỉ thơ ca Việt trước thời kỳ
chiến tranh chống thực dân, thuộc dòng văn học lãng mạn 1930-1945 có một
tên tuổi thi nhân không thật nổi bật xuất sắc như hàng loạt danh tài
thi ca khác như Xuân Diệu,Thế Lữ,Lưu Trọng Lư,Huy Cận,Chế Lan Viên. . . .
nhưng ông để lại dấu ấn rất riêng trong ký ức độc giả văn học hiện đại
vốn số đông có chung gốc gác xuất thân hoặc liên đới chặt chẽ đến làng
quê Việt .

Nguồn: Trên mạng
Đó là thi sĩ Bàng Bá Lân.Ông có ba tập thơ chính đều lấy âm
thanh quen thuộc của nước Việt, với người Việt làm tiêu đề, làm “chủ đạo
cảm hứng”: Tiếng thông reo (1934); Tiếng sáo diều (1939); Tiếng võng
đưa (1957)
Ba thứ tiếng ấy,đặc biệt là tiếng võng đưa, ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức người Việt nhiều thế hệ,nhiều đời.
Thực ra trong cuộc sống vất vả lam lũ nhọc nhằn của người
chân lấm tay bùn, cái tiếng võng đưa ấy đôi khi cũng cất lên những thanh
âm reo vui tuơi trẻ của chị gái ,bé gái ru em. Nhưng phần nhiều tiếng
võng như nối dài sự mệt nhọc thường nhật của con người, gây cảm giác
trầm buồn, cô quạnh. Ai sinh ra từ làng quê thời xưa ấy không một lần
chứng kiến bà ta ,mẹ ta chân còn lấm bùn nằm nghỉ thoáng chốc, đưa cháu,
đưa con vào giấc ngủ giữa ngày hay đêm khuya :
Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề, chậm chạp đung đưa
Tiếng võng ru trẻ nhà ai chả thế trên hàng nghìn làng quê vùng châu thổ sông Hồng, nặng nề chậm chạp như nhịp sống ,nhịp thời gian nơi làng quê ngày xưa vốn quá nhiều cảnh đời ao tù nước động trung cổ. Dù vậy thì trong tâm cảm người thi sĩ gốc gác nguyên quán vùng đồng chiêm trũng Bình Lục Hà Nam,làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, cái nhịp sống ấy vẫn được thi vị hóa thành ” cót ca cót két nhịp thơ muôn đời”.
Không chỉ tiếng võng cót ca cót két mà ngay cả tiếng ru trẻ
của người nằm trên võng, người bà ,hay ngươi mẹ người chị người em gái
ta thì cũng vẫn nhiều phần là nối dài điệu sống buồn, nhọc mệt:
Đêm dài nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về
Ai cũng biết nằm võng hay đưa võng ru trẻ ngày xưa ở làng quê
là giây phút thư nhàn hiếm hoi của người làm ruộng quanh năm đánh vật
với đất ,một nắng hai sương.Thường thì vào thời điểm ấy ,người nông dân
chợp mắt nghỉ trưa hè hay chợp mắt chập chờn giấc ngủ đêm khuya thanh
vắng, sau những công việc đồng áng chẳng bao giờ thanh nhàn.
Nên tiếng ru nửa tỉnh,nửa mê mệt cũng trầm đục nặng nề. ” Ời
ợi” là tiếng tượng thanh quen thuộc; cũng quen thuộc tựa như tiếng dây
thừng dây chão xiết vào cột tre, kèo tre kêu cót két, kẽo kẹt theo nhịp
võng đưa. Âm thanh đó tưởng truyền từ đời xửa đời xưa, từ thủa khai
thiên lập địa,người Việt “con trâu đi trước cái cầy theo sau”, người
Việt cắm cây lúa nước trên đồng đất bùn lầy châu thổ sông Hồng.
Tiếng võng đưa như một âm thanh biểu trưng cho lịch sử cội
nguồn hình thành dân tộc đậm mầu huyền thoại con Lạc cháu Hồng ,con rồng
cháu tiên. Tác giả quả quyết : ” Dân tộc Việt Nam lớn trong tiếng võng
!”. Ừ thì cũng phải thôi, có gì là ngoa ngôn lộng ngữ ! Hỏi mấy người
Việt thời xa xưa không “lớn” trong tiếng ru của bà ,của mẹ ,của chị ?
Thơ Kiều lục bát hay ca dao lục bát được hát lên bằng những
giai điệu dù trầm buồn,nặng nhọc đi chăng nữa nhưng cũng đã đi vào giấc
trẻ thơ, đã thành những thanh âm , những giai điệu đầu đời vô cùng quen
thuộc lặn chìm vào ký ức của hết thế hệ này ,đời người này đến thế hệ
khác ,đời người khác, cha truyền con nối. Nhớ câu thơ Nguyễn Duy ” Sữa
nuôi phần xác ,hát nuôi phần hồn” là nói về tiếng hát ru của bà ,của mẹ .
. . ngày xưa còn “miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”.
Cảm thức lịch sử trường kỳ như thế từ tiếng võng đưa nên
trong lời tựa tập thơ “Tiếng võng đưa” ,học giả Lê Văn Siêu mới viết : ”
Tiếng võng đưa kẽo kẹt ấy, vẫn là tiếng ngân dài của năm ngàn năm lịch
sử trong lòng người con dân Việt !”
Trong cuộc đời tại thế bẩy mươi sáu năm (1912-1988), thi nhân
có dịp trải nghiệm một đời phong phú vào Nam ra Bắc “làm trai cho đáng
nên trai-Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”, từ Phủ Lạng Thương lúc
thiếu thời cho tới cực nam đất nước , từ vùng quê chiêm trũng Hà Nam vào
tận “hòn ngọc viễn đông” đất chín rồng trù phú, trù mật. Song có lẽ tám
năm ông sống với bà nội(1920-1928) ở cái làng Đôn Thư vùng chiêm trũng
ấy, từ độ tuổi anh nhi qua tuổi thiếu niên, chắc chắn là thời gian quan
trọng nhất hình thành tư chất ” thi sĩ đồng quê”,” thi sĩ đống áng” như
người đời vinh danh.
Ngoài thơ và một vài cuốn biên khảo ,tự truyện, ví như “Kỷ
niệm văn thi sĩ hiện đại” “Trọn đời với thơ”, người đời còn biết ông là
một nghệ sĩ nhiếp ảnh giỏi nghề ,thủ đắc nhiều giải thưởng danh giá. Có
lẽ con mắt thơ của người nghệ sĩ đa tài thiên phú này hòa điệu với tình
tự dân tộc đậm đà đã giúp thi nhân tạo dựng những bức tranh quê. . .
bằng ngôn ngữ thơ , những tượng hình sắc nét, những cảnh trí sinh động
và đặc biệt rất giầu tính biểu cảm :
Từ ấy trên đường loang loáng mưa
Tìm hoải đâu thấy gót chân xưa
Đường mưa bao gót chân mưa ướt
Gọi mãi tình yêu tuổi dại khờ
Đố ai tìm được gót chân son người con gái ấy trên đường mưa như ảo ảnh của một tình yêu thơ dại, đẹp và buồn, đời nào cũng vậy .
Nhận định về thi nhân Bàng Bá Lân, tập Thi nhân Việt Nam có
những lời phê bình tinh tế của Hoài Thanh-Hoài Chân :” Đồng quê xứ Bắc
đã gây cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Nhưng mỗi nhà thơ xúc cảm một cách
riêng. Bàng Bá Lân đã lưu ý đến cảnh nào thường lưu luyến cảnh ấy. Bởi
thế có lúc người đã cảm được hồn quê vẫn bàng bạc sau cảnh vật”.
Nói một cách khác như người đời thường bình giảng : thi nhân
đã thổi hồn vào chữ ,in đậm dấu ấn hồn quê của thi nhân vào từng cảnh
trí ,từng âm thanh quen ở ngoài đời ,mà hóa ra thành lạ ở trong thơ.
Người ta nói câu ca dao tưởng quen thuộc vào bậc nhất, hay
đẹp cũng vào bậc nhất ” Hỡi cô tát nước bên đàng-Sao cô múc ánh trăng
vàng đổ đi” hóa ra lại là câu thơ. . . nguyên gốc của thi sĩ họ Bàng.
Nguyên gốc là ” Hỡi cô tát nước bên đàng-Sao cô lại múc trăng vàng đổ
đi”. Bài thơ “Trăng quê “trong tập thơ đầu tay Tiếng thông reo do NXB
Thanh Hoa Tùng Thư-Hà Nội ấn hành 12-1934 của Bàng Bá Lân như sau:
Trời cao mây bạc trăng tròn
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi
Công hiệu đính của hậu thế chỉ là . . . không đáng kể . Có
người quả quyết rằng :” Không thiếu hiện tượng nhà thơ một bài. Nhưng
riêng Bàng Bá Lân ?. Cặp lục bát “tuyệt điệu từ” ngôn ngữ thơ Việt cũng
đủ vinh danh thi sĩ họ Bàng-thi sĩ của đồng quê Việt, của làng quê Việt !
. /
Cọp từ KD blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét