Tôi nghe bài hát Happy New Year của ABBA lần đầu
tiên cách đây hai mươi sáu năm và từ đó đến nay đã nghe đi nghe lại
không biết bao lần. Vẻ đẹp lộng lẫy thoáng u buồn của giai điệu cũng như
cách phối âm tài tình, rất giản dị mà tao nhã, của ABBA chẳng cần bất
cứ lời ngợi ca nào để đến với tâm hồn người yêu nhạc. Thế nhưng có một
điều thú vị khác, một thông điệp quan trọng khác, trong bài hát bất hủ
này khiến tôi từ lâu muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Đó là tính tiên tri lạ
lùng của nó.
Nhưng truớc hết, xin hãy đọc lời ca:
Sâm banh đã cạn
Và pháo hoa đã tàn
Còn lại anh với em
Bơ vơ, buồn bã
Bữa tiệc vui đã hết
Và buổi sáng sao mà ảm đạm
Sao khác hẳn hôm qua
Nhưng đã đến lúc phải nói với nhau…
Và pháo hoa đã tàn
Còn lại anh với em
Bơ vơ, buồn bã
Bữa tiệc vui đã hết
Và buổi sáng sao mà ảm đạm
Sao khác hẳn hôm qua
Nhưng đã đến lúc phải nói với nhau…
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi
Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ
Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh
Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi
Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ
Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh
Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…
Vì sao có những câu nặng trĩu lo âu như vậy trong một lời
chúc mừng năm mới. Để hiểu được điều đó, chúng ta phải trở lại thời điểm
ra đời của bài hát: năm 1979. Những bạn đọc lớn tuổi hẳn nhớ rằng vào
thập niên 1970 nhân loại dường như đang đứng bên bờ vực thảm hoạ diệt
vong: chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, khủng hoảng dầu lửa năm 1973.
Chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã chấm dứt năm 1975, nhưng
những cuộc chiến tranh khác vẫn tiếp tục hay bùng phát ở khắp nơi trên
thế giới. Thập kỷ 1970 cũng nổi tiếng với cuộc đảo chính đẫm máu của
Pinochet, những cuộc diệt chủng ghê gớm của Suharto ở Đông Timor,
Menghistu ở Ethiopia, của Pol Pot ở Campuchia…
Nhưng thập niên 1970 cũng chỉ là một thập kỷ nữa thêm vào
chuỗi những thập kỷ đầy giết chóc và tàn phá trước đó. Đến cuối thập
niên 1970, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã đủ để hủy diệt vài
lần nền văn minh nhân loại.
Thập niên 1970 chỉ là một thập kỷ nữa trong một chuỗi những
thập kỷ bi thảm trước và sau đó. Và đó dường như là kết quả tất yếu của
một thế giới kỹ nghệ hóa đến mất hết tính người. Để thấy hết cái hay của
bài hát, chúng ta phải biết đến một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà
văn Anh Aldous Leonard Huxley (1894-1963), cuốn Tân thế giới dũng cảm (Brave New World).
Xuất bản lần đầu năm 1932, cuốn tiểu thuyết của Huxley lấy
bối cảnh là thế giới thế kỷ 26, trong đó tác giả không chỉ dự báo sự
phát triển của khoa học và công nghệ, như công nghệ sinh học, kỹ thuật
nhân bản, v.v…, mà còn cả những nghịch lý của xã hội công nghệ, nơi
không còn gia đình, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, và đa dạng văn hoá,
nơi hạnh phúc của con người phụ thuộc vào máy móc, thuốc, chất kích
thích và tình dục,…
Đôi khi em thấy/ Tân thế giới dũng cảm đang đến gần/ Đang
sinh sôi nẩy nở/ Trên tro tàn của cuộc đời ta/ Ôi, con người là một gã
khờ/ Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn/ Lê đôi chân đất sét/ Hắn lang
thang lang thang/ Mà chẳng biết mình đang lạc lối…
Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người
bóng dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng
năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ/ Để tìm
kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…
Đoạn tiếp sau còn buồn bã hơn:
Bây giờ em cảm thấy/ Rằng mọi giấc mơ ta từng có ngày
nào/ Đều đã chết/ Chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn/ Một thập
niên vừa chấm dứt/ Nào ai biết một thập niên tới đây/ Những điều gì sẽ
đến/ Điều gì đang đợi chúng ta/ Vào cuối năm tám mươi chín…
Điều gì diễn ra vào năm 1989? Bây giờ thì chúng ta đều đã
biết: sự sụp đổ dây chuyền của các nước XHCN Đông Âu. Năm 1989 là một
cái mốc quan trọng đến mức ta có thể nói đó chính là sự kết thúc sớm của
thế kỷ XX. Từ đó đến nay, thế giới đã thay đổi đến mức không ai có thể
tưởng tượng được. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới
khác. Tốt hơn hay xấu hơn, điều đó không dễ trả lời. Nhưng có một điều
chắc chắn: bóng dáng của “Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn” vẫn
còn xa xôi, và những lời chúc của ABBA trong Happy New Year vẫn là
những lời chúc của tương lai.
Nỗi lo âu vẫn còn đó, chiến tranh vẫn lan tràn, thù hận vẫn
dai dẳng, môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá, và sự phát triển của công
nghệ dường như càng làm cho những mối hiểm nguy tăng thêm. Nhân loại,
hơn bao giờ hết, cần phải suy nghĩ và hành động để bảo vệ và cải thiện
cuộc sống của chính mình.
Nhưng đó là điều quá lớn. Bây giờ đã đến lúc phải nói với nhau và hát cùng với ABBA:
Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người bóng
dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng năm
mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ/ Để tìm
kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…
Ngô Tự Lập.
Những điều bạn chưa biết về bài hát Happy new year
Mỗi dịp năm hết Tết về âm vang đâu đó giai điệu bài
hát Happy New Year, nhưng không nhiều người lắng nghe bài hát này chú ý
để nhớ rằng, Happy New Year ra đời trong bối cảnh xen lẫn giữa vinh
quang và tan vỡ của ban nhạc ABBA huyền thoại.
Happy New Year
là khúc ca thường vang lên vào năm mới, mang lại cảm xúc bình yên lẫn
kỳ vọng vào tương lai trong lòng người nghe khắp nơi trên thế giới,
không phân biệt màu da, ngôn ngữ hay tuổi tác.
Đầu tiên, hãy cùng nhìn lại khoảng thời gian trước và sau khi
Happy New Year được sáng tác. Bài hát nằm trong album Super trouper,
phát hành năm 1980. Trong bản thảo đầu tiên, Happy new year mang một cái
tên dài, hơi hướng lễ hội và hài hước hơn rất nhiều: Daddy don’t get
drunk on Christmas Day (Bố ơi đừng say sưa trong ngày Giáng sinh).
Happy new year chắc chắn được liệt vào hàng những ca khúc
huyền thoại, nhưng buổi đầu khi ra đời, nó đã không được chọn để phát
hành làm đĩa đơn ngay. Chỉ có phiên bản tiếng Tây Ban Nha của ca khúc là
Felicidad được phát hành đĩa đơn ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha.
Nhưng không phải vì thế mà hạn chế sự phổ biến của Happy new year vào
mỗi dịp năm mới. Đến tận năm 1999, ABBA mới “chịu” tung ra thị trường đĩa đơn cho Happy new year.
Cặp đôi vàng một thời của ABBA.
Ý nghĩa của Happy new year – có thật là vui?
Một điểm kỳ lạ về ca khúc này, đó là mặc dù hàng triệu triệu người trên thế giới
nghe đi nghe lại nó vào mỗi dịp năm mới, nhưng chẳng có mấy ai thực sự
quan tâm hoặc hiểu rõ ý nghĩa của nó. Đặc biệt là ở các nước mà tiếng
Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, và Việt Nam là một ví dụ. Giai điệu
sâu lắng, tinh tế, không thiếu những đoạn lên tông khá rộn rã và dường
như không bao giờ lỗi mốt của Happy new year vang lên vào Tết dương
lịch, rồi giao thừa Tết âm lịch của người Việt. Và với nhiều người, nghe
Happy new year là cảm thấy ấm lòng, là thấy không khí Tết. Nhưng Happy
new year – Chúc mừng năm mới có thực sự “happy” (vui vẻ)?
ABBA mở lời hát không phải vào thời khắc vui vẻ nhất trong
giao thừa, mà thực tế, Agnetha cất tiếng khi “bữa tiệc vui đã hết” (It’s
the end of the party), vào buổi sáng mùng 1 “ảm đạm” khác hẳn hôm qua.
Cách diễn giải đơn giản nhất về Happy new year là tâm trạng của một đôi
tình nhân sau bữa tiệc giao thừa, với con mắt nhuốm đầy ảm đạm và bi
quan. Lời bài hát đặc biệt hay và giàu tính triết lý. Nó khoác lên mình
một cảm giác man mác buồn, một chút tĩnh tại mà chúng ta chắc chắn
thường cảm thấy vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Buồn vì những gì đã qua, và
có lẽ, hoài nghi về một tương lai không định sẵn. Ngôn ngữ toàn cầu của
Happy new year chắc hẳn nằm ở việc nó có thể chạm đến trái tim của tất
cả mọi người, khi con người dù là ai, ở đâu, dù giàu dù nghèo, cũng đều
buồn vui lẫn lộn vào năm mới.
Những cảm xúc này, dù ở thời đại nào, cũng chẳng thể nào khác
đi, và cũng chẳng hề cũ. Dường như ABBA đã chắt lọc những gì tinh tế
nhất để viết nên Happy new year, mà cũng có thể, vì ảnh hưởng bởi tan vỡ
trong hôn nhân, nên ca khúc chúc mừng năm mới lại xây dựng trên một nốt
nhạc trầm. Xét về cả phần lời lẫn phần nhạc, Happy new year chạm đến
một phép cân bằng hoàn hảo. Không quá vui, không quá buồn, không quá màu
mè, không quá mộc mạc, không quá sôi động mà cũng chẳng ủy mị. Có lẽ vì
thế mà hàng năm, cứ đến Tết, người Việt vẫn hạnh phúc và cảm thấy ấm
lòng khi lắng nghe giai điệu thân thuộc này.
Cọp từ KD blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét