12 thg 4, 2015

Lo lắng vì một nền văn hóa bị biến dạng

Thiếu hiểu biết và tư duy vụ lợi đang làm méo mó các giá trị truyền thống!

Thời gian gần đây, hình ảnh các lễ hội truyền thống ngày một trở nên nhếch nhác và gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Lễ hội bản thân nó phải là nơi quy tụ và bộc lộ một cách rõ nét các phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ…của người dân địa phương. Nói cách khác thông qua lễ hội ta hiểu được nét đẹp và bản sắc văn hóa của cư dân sinh sống trong không gian văn hóa ấy. Vậy mà giờ đây nhìn vào các lễ hội người ta thấy một khung cảnh hỗn tạp, chen lấn, xô đẩy, cướp lộc cầu may. Sự biến tướng của việc làm lễ, dâng sớ. Lối vào đền chùa, lễ hội tràn ngập các dịch vụ đổi tiền lẻ, quầy hàng bày bán, tranh giành, lôi kéo khách,... Các điểm đền chùa, ngập ngụa khói hương, vàng mã, người sì sụp khấn vái cầu may, ném đầy tiền lẻ lên bàn thờ thần, Phật. Họ đang biến thế giới tâm linh trở nên phàm tục và dường như tư duy mua bán, hối lộ cũng được áp dụng ngay cả ở những chốn linh thiêng.


Chẳng dừng lại ở đó, những người tham gia còn chen lấn, xô đẩy, tranh giành và thậm chí giẫm đạp lên nhau. Nào là cướp lộc tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn), tranh ấn đền Trần (Nam Định), nào là cướp Phết ở Vĩnh Phúc, rồi lễ hội nào cũng chen chúc xô đẩy nhau như Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Đền bà chúa Kho (Bắc Ninh), bán rủi cầu may trong phiên chợ Viềng (Nam Định)… Tất cả những hiện tượng này phản ánh một thực tế: người ta đổ xô đi đền, chùa, lễ hội để cầu may cho bản thân chứ không hiểu gì về giá trị văn hóa, ý nghĩa thực sự của lễ hội đó.

Một hiện tượng đáng buồn khác đó là sự lãng phí, tốn kém, chạy theo hình thức trong việc lập kỉ lục. Nào là cặp bánh chưng to nhất, nào là tô hủ tiếu và đòn bánh phồng tôm lớn nhất tại Sa Đéc, rồi huy động người để lập Kỷ lục quốc gia "Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh”, ly cà phê lớn nhất, bánh xèo to nhất…Tất cả những cái đó không những không mang lại giá trị mà còn gây lãng phí, đi ngược lại với văn hóa dân tộc. Nếu nói về thẩm mỹ và văn hóa Việt thì chúng ta nào có chuộng những thứ to, lớn, hùng vĩ, mà đây chỉ là kiểu bắt chước Tây phương. Trong Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu đã chỉ rõ:Với người Việt “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải” Như vậy việc đua nhau xác lập kỷ lục hay xây dựng tượng đài kì vĩ có đúng với tư duy văn hóa Việt không? Nếu như hiểu bản sắc nằm ở việc lựa chọn kiểu giá trị sống thì bản sắc của dân tộc Việt phải là kiểu lựa chọn những cái đẹp thanh, nhã, vừa vặn như Trần Đình Hượu đã chỉ ra. Điều đó có nghĩa lập kỷ lục trên chỉ gây tốn kém, lãng phí và không có giá trị văn hóa nào. Thậm chí nó còn làm biến tượng, méo mó văn hóa dân tộc.

Khi đời sống kinh tế phát triển, người ta quan tâm hơn đến nhu cầu văn hóa tâm linh. Cùng với đó là việc trùng tu lại các khu di tích, chùa, đền và phục dựng các lễ hội.Tuy nhiên việc tu sửa cẩu thả, làm biến dạng và mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Các vụ việc như tu sửa sai chùa Trăm Gian, xây dựng khu di tích Đền Hùng và gần đây là việc sai phạm trong tôn tạo chùa Một mái và Am Dược tại Yên Tử làm biến dạng di tích, mất mỹ quan và giá trị lịch sử các kiến trúc. Ngoài các công trình lớn này, nhiều chùa, đền khác cũng bị tu sửa sai quy cách như đền Và, đền Đô, chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà (Bắc Giang)..v..v. Vấn đề đáng nói đây không phải là việc làm sai có thể sửa mà một khi đã “lỡ sai” là sẽ hủy hoại giá trị văn hóa, lịch sử; chưa kể đến việc “sai ở đâu sửa ở đấy” gây ra tốn kém lãng phí vô cùng.

Có thể nói đời sống văn hóa tâm linh nước ta đang bị biến tướng đáng lo ngại. Những phong tục thờ cúng, các lễ hội với giá trị nguyên thủy của nó là thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, với trời đất, thể hiện truyền thống đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” và những giá trị nhân văn tốt đẹp đã bị chúng ta làm méo mó đi vì tư tưởng vụ lợi, niềm tin thiếu hiểu biết. Giờ đây nó trở thành sự mù quáng, mê tín dị đoan. Người ta đến chùa, đền, lễ hội không phải với tấm lòng thanh tịnh, hướng về thần Phật, tổ tiên hay trời đất nữa mà chỉ mong bằng mọi cách xin được những điều tốt lành cho bản thân mình. Một thực tế kì lạ đến trớ trêu là cuộc sống, kinh tế càng phát triển thì dânViệt càng có xu hướng mê tín, đổ xô vào việc tạ lễ đền chùa, cầu khấn, tìm mua các đồ vật phong thủy một cách thiếu hiểu biết. Có lẽ nào cứu cánh cuối cùng cho niềm tin trong xã hội Việt giờ đây chỉ có ở những thứ siêu nhiên, không thực?

Cần một tiếng chuông thức tỉnh!

Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình hình. Đặc biệt năm 2015, Ban Bí thư đã ban chỉ thị 41CT - BBT… nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí, tổ chức lễ hội. Tại điều 3 và điều 4 của chỉ thị đã chỉ rõ những việc cấp thiết, thực sự cần làm để đưa các lễ hội trở lại nề nếp, mang đúng giá trị tinh thần của nó.  Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm tình trạng này quả là câu chuyện nan giải khi ý thức người tham gia lễ hội chưa được cải thiện, tư tưởng vụ lợi ăn sâu vào đầu óc của cả người tổ chức lẫn người tham gia.

Truyền thông đã vào cuộc để phản ánh thực trạng nhưng chúng ta lại quá mải mê đến phán xét một vài phong tục và thiếu tính xây dựng. Điều cần làm hiện nay là phải làm sao để đưa những lễ hội trở về đúng với giá trị của nó. Làm sao để giúp người dân hiểu được ý nghĩa của từng lễ hội khi tham gia; để họ thấy rằng cái họ được không nằm trong những thứ phải mất tiền, mất sức tranh giành. Nếu chúng ta còn tiếp tục tổ chức lễ hội theo quy cách hiện nay thì người dân vẫn sẽ tiếp tục tranh, cướp, xô đẩy. Nếu chúng ta nói rõ cho họ giá trị đích thực ở đâu, ngưng các việc làm vụ lợi và vô bổ thì liệu họ có còn mất sức tranh giành như thế nữa không?

Quan trọng hơn nữa, hãy thoát ra khỏi từng hiện tượng cụ thể để nhìn một cách tổng thể. Đó là văn hóa Việt, bản sắc Việt đang từng ngày từng giờ bị làm méo mó, biến dạng bởi chính cả cách bảo tồn, khôi phục không đúng hướng. Nếu còn tiếp tục theo đà này chúng ta sẽ hủy hoại những giá trị có được bao đời nay, những giá trị đã giúp ta đứng vững trước sự đồng hóa hàng ngàn năm của phương Bắc. Trước khi hội nhập, quảng bá giá trị hãy làm sao gia cố lại cho vững những gì mình đang có. Ngôi nhà văn hóa của chúng ta đang lung lay bởi chính chúng ta. Để khắc phục triệt để, không có con đường nào khác là tập trung xây dựng, giáo dục con người. Bởi đó chính là chủ thể sáng tạo nên văn hóa. Một thế hệ lệch lạc về giá trị, thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc và chạy theo lợi ích của đồng tiền sẽ là liều thuốc độc đối với nền văn hóa chúng ta. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta biết cái chuông “thần thành” đó ở đâu. Vấn đề ai sẽ là người đánh chuông?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét