27 thg 7, 2013

Ký ức của Nguyễn Thành Sự

Honngv: Nguyến Thành Sự là CCB Toán – Lý K14 ĐHBK Hà Nội, là bạn học thời phổ thông với Nguyễn Quang Thạch lớp Bán dẫn K14VT. Do ngày Mẹ của Thạch mất, blog k14vt đăng “Tin buồn”, Sự ở Đà Nẵng đọc thấy nên qua blog k14vt mới liên lạc lại được với “cụ” Thạch nhà mình (trước đó mất liên lạc). Và cũng từ đó mình và Sự còn trao đổi Email vài lần. Lần này ông bạn Sự gởi ra bản “Nhớ lại một thời”, ghi lại vài ký ức thời SV, thời lính … Nhân ngày 27/7 xin trân trọng giới thiệu cùng anh chị em k14VT và xin cảm ơn sunguyenthanh.

Đây là một cuốn hồi ký (mà vì khiêm tốn bạn Sự gọi là Ký ức) dài 137 trang nên sẽ đăng thành nhiều kỳ. Mong mọi người chịu khó theo dõi để qua đó như về thăm lại Mái trường xưa - ĐHBK HN - nơi dạy ta "thành người", ôn lại 1 thời SV thời chiến vất vả mà lắm cái hay ..., cảm thông đời lính gian khổ khói lửa, nhớ lại 1 thời đã qua của chính mình cũng như của các đồng môn với mình. Phải chăng đó cũng là cách tri ân các bạn CCB nhân ngày TBLS.
Những suy nghĩ ban đầu

Nhớ lại đã một thời là một trong các phần hồi ức của tôi: Nguyến Thành Sự cựu chiến binh A1 B1 C6 D371;  viết để ôn lại những kỷ niệm đã một thời trong quân ngũ, đồng thời cũng muốn để lại cho con cháu biết thời trai trẻ của tôi và đồng đội, bạn bè.

          Tôi gửi những ký ức này tới các đồng đội, và bạn bè đọc có gì liên quan đến các anh, mong có ý kiến đóng góp. Cũng biết đâu có ý gì đó giúp các anh làm tư liệu trong việc làm kỷ yếu cho đơn vị.

          Bây giờ chúng ta ở tuổi chẳng còn gì để mất, có lẽ chỉ còn duy nhất những gì là kỷ niệm. Trong anh em chắc cũng có người như tôi, chưa biết hết đầy đủ đại đội ta, tiểu đoàn ta, đã gặt hái được những gì trong thời gian khổ ấy. Tôi rất mong anh em cùng viết, nếu  mỗi người nhớ và ghi ra những gì còn đọng lại,  nếu không thể biên tập được thì ta gôm lại thành một, thế là ta lại là ta, hoà trong tình những người  đồng đội. Chắc chuyện mỗi người sẽ có những thú vị riêng

(Để không bị xê dịch các hình vẽ tôi đã khoá để không chỉnh lý, các anh em có thể chép tài liệu ra, hoặc lưu với tên khác, nếu có gì đóng góp bổ sung, anh em có thể sửa trên bản sao đó)
         
          Ký ức của tôi có các phần:
            (muốn tới thẳng phần nào giữ phím CTRL và kích chuột dòng dưới đây)

                        - Huấn Luyện
                        - Đi chiến Đấu
                             * Ở Quảng Trị
                             * Tây Nam Huế
                             * Lại ra Quảng Trị                      
                             * Ở Hậu Cứ
                             * Ra Quảng Bình
                             * Đi Cửa Việt
                        - Trở về Mỏ Chén  
NHỚ LẠI ĐÃ MỘT THỜI 

          Cứ nấn ná mãi đến nay tôi mới bình tâm ngồi ghi lại những kỷ niệm cái thời ác liệt đó; Thời của tuổi thanh xuân của tôi và những đồng đội đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đáng lẽ kỷ niệm về  ngày xa xưa  ấy sẽ chìm trong ký ức của tôi mãi mãi, nhưng vài năm qua nó lại trỗi dậy khi các ngày lễ kỷ niệm sau 40 năm đi qua và cũng vì những sự kiện sau đây:
          Sau khi xuất ngũ trở về trường đại học, tôi tốt nghiệp đại học vào năm 1979 và chuyển về quê hương, một thành phố của miền Trung, những năm qua phải ngụp lặn với cuộc sống; các người thân lần lượt ra đi, tưởng như một thời oanh liệt của tuổi thanh xuân sẽ chìm theo thời gian. Hàng năm cứ đến ngày 22 tháng 12 cơ quan nơi tôi làm việc lại họp mặt các cựu quân nhân, những ngày ấy tôi lại trở về với ký ức. Đã mấy lần tôi đã nghĩ đi tìm đồng đội, nhưng loay hoay mãi không làm được. Rồi một dịp may đến một cách ngẫu nhiên. Tháng 5 năm 2008 khi đi dự  đám cưới con anh Phan Huy Khánh là bạn tôi đồng thời cùng nhập ngũ và về làm lính  D371. Hôm đó Nguyễn Vũ Tiến ở Huế cũng vào dự.   Qua Nguyễn Vũ Tiến và Khánh tôi đã gặp đươc anh Phúc C trưởng C3 của D371. Từ đó tôi biết anh Phúc cũng công tác tại Đại học Đà Nẵng, và hiện là thành viên ban chấp hành hội cựu chiến binh Thành Phố Đà Nẵng, và trưởng ban liên lạc cựu chiến bính Tiểu đoàn 371 tại Đà Nẵng. Anh Phúc cho tôi vài số điện thoại nữa của anh em 371. Lâu nay tôi cứ nghĩ Khánh, và Tiến cũng như tôi mù tịt về đồng đội. Từ hôm ấy tôi dần dần tìm được tới các anh. Năm 2011 tôi cũng cùng anh Phúc đi dự kỷ niệm 40 năm thành lập Tiểu đoàn 371. Trước khi đi dự tôi háo hức bao nhiêu, thì lúc kết thúc tôi thấy tiếc rẻ bấy nhiêu, vì thời gian gặp gỡ anh em đồng đội ngắn quá. Muốn thăm lại  Mỏ Chén, Bốt Lăn sau 40 năm ra sao, nhưng cũng không tới đó được.  Các anh về dự còn thiếu nhiều quá, nhất là các anh em các Dân Tộc, các anh em Thanh Hoá, Nghệ An.
          Dù sao thì cuộc hội ngộ đã cho tôi gặp được nhiều người, nhất là các anh trong các ban chỉ huy các đơn vị, như anh Tuân, anh Châu, anh Sáng. Đồng thời cuộc gặp cũng đưa tôi  nhớ lại về cuộc sống tại Mỏ Chén của 371 ta trước đây. Cuộc gặp này càng thôi thúc ý định viết của tôi. 
          Đã lâu ngày quá trí nhớ đã cùn, nhất là những ngày tháng, địa danh, về những sự kiện có cái nhớ rõ, có cái chỉ nhớ mang máng, có cái quên nghĩ mãi không ra. Thậm chí tên của đồng đội cũng không nhớ hết.  Các anh và các bạn đừng cười nhé. Trong những ngày ác liệt đó tôi nhìn sự việc và hành động theo tầm nhìn của người  lính, cấp trên đẫn đi đâu thì đi theo đó, bảo làm gì thì làm vậy, không tìm hiểu sâu sa nên giờ đây chắc có những nhận xét không chính xác, thậm chí có thể sai không đúng với thưc tế.
Để bắt đầu và củng cố trí nhớ tôi vào Internet tìm lục tư liệu, bản đồ, các địa danh cũ đã từng đi qua, bây giờ có cái không còn nữa, người ta đã đổi tên, mở đường làm thay đổi. Các tên gọi trong bản đồ cũ có cái không còn. Có những vị trí tôi phải đối chiếu với các hình ảnh, các câu chuyện còn lưu trong trí nhớ, kết hợp với bản đồ, các tài liệu để xác định.   thể những tình tiết viết ra chỉ để cho tôi ôn cố tri tân, chưa chắc đã hợp với ý các đồng đội, các bậc chỉ huy,  mong anh em bỏ qua.  Mạch nhớ đã tuôn trào tôi xin bắt đầu khai bút!
 Kỷ niệm 40 năm Thành lập tiểu đoàn 371 Pháo Binh
 Gặp lại các anh sau 38 năm xa cách


Lại đứng bên anh Tiểu đoàn trưởng Lương Vũ Tuân sau 38 năm xa cách

Hội ngộ tại Hoà Lạc trong tình đồng đội sau 39  năm,
Tiểu đoàn 371 đã trở về từ các chiến trường



Phần 1
Những năm đầu Đại học (1969, 1970, 1971)

          Tháng 9 năm 1969 là tháng cả nước đau buồn vì Bác Hồ đã ra đi. Tôi tham gia làm lễ tang Bác tại địa phương nơi gia đình tôi sơ tán, vào tuần đầu khi Bác mất. Mọi việc xong xuôi tôi tạm biệt ba mạ lên đường đến Đại học Bách khoa, nhập học. Năm đó Đại học Bách Khoa Hà Nội tuyển sinh khoá thứ 14, thế nên lứa chúng tôi được gọi là K14. Năm đó (1969) là năm cuối cùng các ban tuyển sinh chỉ xét tuyển mà không thi tuyển. Đến năm 1970 lại tiếp tục tổ chức thi Đại học, những năm này đề thi đại học khá khó. Tôi được gọi vào trường vào đợt vét. Là con em cán bộ miền Nam, nên hồ sơ xin vào đại học của tôi được chuyển về Bộ Giáo dục. Bộ phận tuyển sinh là cơ sở 2 của Bộ Giáo dục, đóng gần  lăng Hoàng Cao Khải ở phố Sơn Tây Hà Nội. Hồi đó lăng Hoàng Cao Khải nằm sát bên đường, phia trong cỏ mọc nhiều, lăng có những khối đá lớn xếp cao đến gần chục mét, cơ sở 2 của Bộ Giáo Dục nằm phía sau. Tôi nhận giấy triệu tập tại đó, rồi đến trường Đại Học Bách Khoa trình diện. Ngày 15/09/1969 nhà trường tập hợp  các  tân sinh viên trước nhà A3 gần kề sân vận động Bách khoa đọc tên từng người và khoa sẽ được học. Vậy là sinh viên vào trường rồi mới biết mình được học khoa nào;  điều đó khác hẳn bây giờ. Thằng bạn cùng lớp với tôi được về khoa Vô tuyến điện, chắc tương đương với khoa điện tử viễn thông bây giờ; Ba nó là hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ đi Nam thời đó; Còn tôi được phân về khoa Toán Lý. Nói chung đây là một ngành mới, khi tìm hiểu về ngành học các thầy nói: Lớp  chúng tôi là lớp toán công trình; Khoa tôi được thành lập vào năm 1968. Do mới hình thành nên mỗi khoá được đào tạo theo mỗi kiểu; K11, K12  thì được gọi là lớp giáo viên, và số sinh viên 2 K này được chọn lọc từ các khoa khác.  Còn K13, K14 được tuyển trực tiếp từ đầu vào, thế nên các giáo trình có lẽ cũng khác. Tài liệu học tập ngành tôi học chưa có nhiều, và có thì cũng chưa ổn định, có thể thay đổi khác nhau từng năm, các  thầy thường tổng hợp các tài liệu nước ngoài để làm giáo trình. Giáo trình để dạy ngoài một số ít môn không phải toán thì đã có sẵn còn lại thì phải ghi chép.  Nhà trường có 1 xưởng in phục vụ cho in giáo trình.

          Thời đó chúng tôi phải đọc tiếng Nga. Trừ sinh viên Ngoại Ngữ  ở trường Ngoại ngữ, chắc phần lớn sinh viên các trường đại  học đều học tiếng Nga. Hồi đó tất cả các tài liệu tham khảo gần như duy nhất là tiếng Nga. Đối với khoa Toán Lý thì từ năm thứ ba sẽ được học  một năm Tiếng Anh, chắc để dùng đọc thêm tài liệu  bằng tiếng Anh. Hồi đó hầu như chúng ta chưa có khái niệm nhập kỹ thuật của Anh, Mỹ?. Tất cả các hàng hoá vào miền Bắc, đều từ hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa.  Chúng tôi học tiếng Nga với yêu cầu trước hết là  để dịch, đọc hiểu tài liệu, sách, giáo trình bằng Tiếng Nga, nên chủ yếu đi sâu vào phương pháp dịch sách.

          Năm 1969 Đại học Bách Khoa Hà Nội bắt đầu chuyển từ nơi sơ tán về. Nghe nói từ năm 1965 Đại học Bách Khoa Hà Nội sơ tán về Lạng Sơn và ở trong rừng, có một số khoa sơ tán về các tỉnh quanh Hà Nội. Năm ấy thằng bạn tôi vẫn phải về học tại nơi sơ tán ở Sài Sơn Hà Tây, sang năm thứ hai mới được về học tại Hà nội. Khoa Toán lý có lẽ ít người nên năm đó được học luôn tại Hà Nội. Năm 1969 Đại học Bách Khoa tuyển sinh nhiều lần. Anh Vũ Tiến vào sớm (khoảng tháng 8/1969) nên có đi lao động tại Lạng Sơn, để chuyển vật liệu về Hà Nội sửa chữa nhà cửa. Trong thời gian lao động có anh bên lớp Lý khoá tôi bị rắn độc cắn phải nhờ các thầy thuốc người dân tộc cứu chữa. 

(Trường Đại Học Bách Khoa ngày nay , cũng “chẳng khác” khi xưa)
            Những điều tôi mô tả ở đây tại thời điểm 1969-1979, còn sau này Đại học Bách Khoa  biến đổi thế nào là tuỳ theo thời điểm chắc nó càng ngày càng đàng hoàng và khang trang hiện đại hơn. Đại học Bách Khoa thời đó có 2 khu,  khu cũ và khu mới. Ở khu mới có các nhà do Liên Xô xậy dựng, rồi cũng theo kiểu thiết kế đó Việt Vam xây thêm nhà C9, cái nhà mà nếu ai đi trên đường Nam Bộ (nay là đoạn đường Giải Phóng gần Công Viên Thống Nhất) sẽ thấy cái cầu thang nhìn ra đường. Trên cầu thang này thời đó, cứ mỗi khi giờ ra chơi sinh viên ra nghỉ, đứng ngắm phố, nhìn  người đi lại, nhìn tàu điện leng keng đi, về, thấy thật thơ mộng và lạ lẫm. K14 chúng tôi là những người  mở hàng cho khu học mới (có lẽ khu này cho đến nay vẫn đang được sử dụng và mở rộng). Hồi đó Đại Học Bách Khoa có lẽ là nơi tập kết lưu học sinh chuẩn bị đi nước ngoài của Bộ Đại Học. Rồi cũng là nơi các học sinh đi nước ngoài về dừng chân trước khi về gia đình hoặc nhận công tác.

           Trường Bách Khoa hồi đó thật rộng. Khu mới  có cổng hình Parabol. Cổng này có lẽ là nét độc đáo của trường. Cho đến nay nó vẫn không bị thay đổi. Bên trong có các nhà C1, thư viện C2 (nay hình như đã thay đổi bởi một thư viện lớn hơn), hội trường C2, các nhà C3,C4, C5,C6,C7,C8, C9 (C10 mới xây sau này?) cổng chính tại đường Đại Cồ Việt hồi đó đã có nhưng không mở (Cho đến năm 1996 khi ra Hà Nội công tác thì tôi thấy cổng này đã mở). Ranh giới giữa khu cũ và mới là con sông nhỏ đi từ công viên Thống Nhất (cái công viên này cũng có thời đươc đổi tên là công viên Lê Nin sau lại lấy lại tên cũ)  và đoạn sông Tô Lịch chảy từ  sau khi giao nhau với sông nhỏ trên kéo về tường rào giữa Đại học Bách Khoa và Đại học kinh tế Kế Hoạch (Nay là Đại học Kinh Tế Quốc dân)

          Tại khu cũ phía bắc có cổng Đại Cồ Việt, nay là đầu đường Tạ Quang Bửu, nội trú sinh viên có các nhà 3 tầng là B3,B5,B6,B7,B8, B13 (bây giờ trước nhà B13 đã được xây thêm nhà B10, B12, B1,B2)  nằm bên bờ sông Tô Lịch, B7 Bis giành cho sinh viên nước ngoài,  các nhà cũ có nhà 71, 72, 73, 61,62,63…., Hội trường có nhà A, B,C, D, Nhà E, hội trường Lớn, Hội trường 250, các nhà giáo viên độc thân A1 , A2, A3 , khu xưởng cơ khí, Nhà ăn B4, nhà ăn 1-5, và còn vài nhà ăn khác nữa

          Phía đông trong khu cũ có cổng “Bạch Mai”, đi ra phố Bạch Mai.   Hình như cổng này trước đây là ngõ có tên là  Giếng  Luông. Cái tên này có lẽ ít ai biết đến, tôi biết được do nghe lỏm được ai đó đã nói (hình như trong quyển Hà Nội 36 phố phường, hay quyển nói về Hà Nội xưa gì đó, tìm trên mạng chưa thấy). Phía ngoài cổng có trường cấp 3 Thăng Long, có bệnh viện Giao thông, sau này bệnh viện chuyển đi nhiều nơi, Nay BV giao thông lại về bên cạnh Chùa Láng. Phía trong cổng Bạch Mai có các dãy nhà dài dành cho nội trú của khoa Chế Tạo Máy, khoa Vô Tuyến Điện. Ngày nay khu cũ đã được cắt ra nhiều phần. Sau 1975 khu gần cổng Bạch Mai đến nhà A được giành để xây nhà tập thể cho giáo viên.  Hồi đó ở gần khu vực này có một bộ phận của Đài phát thanh Giải Phóng, cho đến cuối năm 1970 mới chuyển đi.

          Đến nay trong khu mới trường mở rộng thêm về phía đối diện nhà C1 qua con đường trục từ cổng Parabol. Trên khu này những năm 70-80 nó còn đất để trống. Nhà trường đã xây thêm nhiều nhà bổ sung như theo bản đồ

          Năm 2001  người ta mở đường Lê Thanh Nghị  cắt qua khu cũ nên nó có những thay đổi theo bản đồ mới. Nói chung khuôn viên của trường không có gì thay đổi lắm, các con sông chảy qua trường đã bị lấp. Người ta đặt tên cho các con đường lớn đi trong trường, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, các khu nhà 60,61.. 71.,72.. đã được đổi tên. Trường cũng đã xây thêm nhiều nhà và  giảng đường.

Năm Thứ Nhất
            Mới vào học, nhà trường cho chúng tôi học môn Quân sự. Lúc này  sinh viên  nam ở khu nhà trệt tại nhà 62, nữ thì về ở khu nhà 3 tầng, chúng tôi ở chung cùng các anh khoá 11, nhà 63 là nhà các chị khoá trên.  Lớp học gồm 2 khoa: Toán Lý và Điện. Toán Lý chúng tôi có 2 lớp chỉ khoảng 60 người, còn khoa Điện lên tới trên 300 người.

          Số sinh viên Toán lý  có lẽ là ít nhất so với  các khoa Chế tạo máy, Vô Tuyến.Điện, Hoá, Động Lực, Kỹ Sư Kinh Tế. Nếu có cuộc thi thố gì như văn nghệ, thể thao thì khoa Toán Lý phải huy động toàn lực, đôi khi phải nhờ đến cả các thầy cô trẻ. Một tháng học, chúng tôi được đưa vào khuôn khổ như quân đội, các cán bộ lớp thành Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng. Tuy nhiên qua lớp học quân sự tôi khoẻ lên nhiều, các môn chính trị, bắn súng, đâm lê,  ném lựu đạn, lăn lê, bò, toài, đội ngũ đều được làm quen.

          Năm 1968 Mỹ giới hạn ném bom Miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào nên Hà Nội tạm thời vắng tiếng máy bay Mỹ, im tiếng bom đạn. Năm đó miền Nam đã có Chính phủ Cộng hoà miền Mam Việt Nam, do bác Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch. Còn Bác Tôn Đức Thắng là chủ tịch nước sau khi Bác Hồ mất. Sau khi học quân sự chúng tôi bắt đầu học văn hoá. Chúng tôi lại chuyển về ở Nhà 73. Nhà 73 là dãy nhà bị đổ một phần, phần cũ tường vôi mái ngói Fibro, nam lớp Toán chúng tôi ở tại đây, phần bị đổ được làm lại bởi tre tranh, và cánh nam lớp Lý ở đó. Học kỳ 1 đang thời mùa đông nên chưa thấy điều gì, sang mùa hè ban ngày nắng hầm qua ngói xuống phòng thì mới thấy nóng bức, khó chịu

          Sinh viên khoá tôi có nhiều thành phần: học sinh phổ thông, học sinh chuyên toán, chuyên Lý, Hoá, cán bộ đi học, những người từ lớp dự bị đại học của Đại học Bách Khoa  (dự bị đại học là trường đại học mở 1 lớp ôn luyên chương trình phổ thông cho các đối tượng chủ yếu là cán bộ, bộ đội; cuối kỳ kiểm tra để tuyển vào đại học). Lớp tôi có nhiều anh là bộ đội chuyển ngành đi học, phần lớn là thương binh, và nhiều anh ở bộ đội phòng không, nên vết thương thường là do mảnh bom, và có mấy anh bị thương ở đầu, các anh đều mến bọn trẻ chúng tôi.

          Học kỳ một năm đầu chúng tôi ôn lại kiến thức toán  phổ thông (ôn chỉ mỗi toán) và học một vài môn chương trình đại học. Không biết các khoa khác có phải qua giai đoạn ôn này không, hồi đó tôi cũng chẳng để ý. Trình độ chúng tôi ban đầu rất không đồng đều, sau khi ôn lướt  qua phần lý thuyết, các thầy cho làm bài tập tại lớp; vì là lớp toán nên đề bài thường khó và được lấy từ các đề thi học sinh giỏi, trong các tạp chí toán cho học sinh giỏi của Liên Xô v.v....  Những đứa đã học chuyên toán luôn giải chúng một cách nhanh chóng.  Đầu tiên tôi không rõ cứ nghĩ sao chúng nó giỏi thế. Cứ có ai xung phong lên bảng giải bài tôi phải căng mắt theo rõi để tìm hiểu, đầu bung lên và thắc mắc  “không biết làm sao họ  nghĩ ra nhanh thế, độc đáo thế?”. Sau mới vỡ lẽ phần lớn các dạng bài này họ đã làm quen khi còn ở các trường chuyên. Ngày qua ngày tôi và một số anh cũng quen và theo kịp.

          Chúng tôi dần quen được với môi trường đại học. Mà giảng đường đại học, nhất là của Đại học Bách Khoa sao mà rộng rãi khang trang vậy. Từ bé đến giờ tôi mới được ngồi học trong những phòng học như thế này. Trước đây tôi cũng chưa dám mơ mình sẽ được ngồi trong không gian học tập lý tưởng vậy. Chẳng bù cho ngày nào, phải ngồi học trong góc chùa, góc đình làng, nhà thờ họ, đầy những cột là cột, tối tăm khi còn học ở Vỡ lòng, Cấp một, Cấp hai ở làng Phương Liệt trong lòng Hà Nội, (làng Phương Liệt gần đối diện ngõ vào T28 khu tập thể anh Lại Văn Châu bây giờ, trên đường Trường Chinh). Cũng chẳng bù cho những lúc phải ngồi trong các lán lớp học sơ tán trong núi rừng Lương Sơn, đang học vắt bò vào lớp, trời hơi mưa là trong lớp tối xầm, bàn ghế cái gẫy chân, cái lở góc. Khi trời lạnh, hai ba đứa chung 1 khúc củi  khô đốt sưởi dưới ngăn bàn, mới đỡ cóng mà viết bài, làm gì có đèn điện, quạt máy như nơi đây.

          Các môn học mới thật hấp dẫn, nhưng cũng  thật là khó như  là môn Hình Hoạ; các anh bộ đội nói trệch ra là “hành hạ”, nó đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí như đánh vật với nó, môn  Cơ lý thuyết thì nói : “lơ mơ như cơ lý thuyết”, vì nó mông lung, huyền ảo. Những kiến thức cũ với quan điểm mới đã được khái quát và trừu tượng

          Học Kỳ 1 năm  đầu qua đi, kết quả học tập của tôi cũng khả quan. Hồi đó Giáo dục đại học có một bộ riêng có tên gọi “Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp” do bác Tạ Quang Bửu làm bộ trưởng. Văn phòng Bộ hồi đó ở gần Đại Sứ  quán Anh trên đường Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Phần lớn sinh viên đều ở nội trú trong  trường, nên giờ giấc và kỷ luật học tập nghiêm lắm, đến giờ học và giờ ngủ không được làm mất trật tự, cũng chính vì ở nội trú nên hiệu quả học tập rất cao. Ngày nay ở nội trú chắc sẽ ảnh hưởng xấu nhiều đến kết quả học tập, vì nhiều lý do: ồn ào, nhiều tác động, và sinh hoạt khó khăn?.   Sau mấy tháng học tập chân trời kiến thức, và tương lai phía trước trải rộng trước mắt chúng tôi. Bao nhiêu mới mẻ, kể cả về kiến thức lẫn môi trường. Cứ chiều chiều chúng tôi lại ra phố, ngó nghiêng tìm sách tìm vở; mua các nhu yếu phẩm. Hầu như chúng tôi có mặt thường xuyên trên đường phố Bạch Mai, Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài, Tràng Tiền, Bờ Hồ… Chúng tôi thường cuốc bộ đi qua  nhà Chứng Tích tội ác của Mỹ trên phố Huế, Lê Văn Hưu, đã ném bom Hà nội năm 1967.  Tội ác của Mỹ đã gieo xuống nhà tôi cũng vào thời gian đó. Nhà tôi ở phố 8 gần Ngã Tư Vọng. Cả dãy phố 8 từ Xưởng Than đối diện với chùa làng Phương Liệt, kéo dài xuống đoạn đối diện với ga Giáp Bát, hồi đó đều là nhà tranh. Hè năm 1967 bom Mỹ đã làm cháy toàn bộ dãy phố. Bây giờ Mỹ không ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra nữa. Nhiều cơ quan đã chuyển về Hà Nội, tuy nhiên không khí chiến tranh chưa hoàn toàn chấm dứt.

          Mỗi tháng học bổng chúng tôi được 18 đồng và dùng đóng hết vào tiền ăn. Chúng tôi ăn khoẻ lắm.  Có đứa từ sáng ăn một cái quẩy to, đến 8 giờ ăn hết 2 cái bánh mì 200g mà đến 10 giờ vẫn đánh sạch được hết 2 xuất cơm. Năm đầu tiên chúng tôi ăn cơm theo bếp của khoa, mỗi khoa mỗi nhà ăn. Cơm hồi đó phải ăn độn chủ yếu là bánh mỳ. Tôi còn nhớ một hôm nhà bếp phân công chúng tôi theo nhóm đến kỳ đi lấy bánh mỳ. Chỗ lấy bánh cách trường khá xa, nó là con đường đất  rẽ trên đường Trương Định. Ở đó họ có kho chứa bánh như lò nướng gạch. Bánh xếp trên giá chồng lớp như hàng gạch. Gian nhà kho chứa bánh lớn lắm.  Có lẽ lò bánh cung cấp cho cả khu Hai Bà Trưng cũng nên. Hồi đó hình như người ta không chú ý nhiều đến vệ sinh, không biết số bánh kia, có chuột bọ gì leo trèo không. Thời nay nếu còn loại kho kiểu này chắc sẽ được nêu lên đài, báo. Vệ sinh nhà bếp cũng là cả vấn đề, lúc đầu bếp núc còn tạm bợ, cơm thì chứa trong nồi, nhưng canh chia xong không có nắp đậy, mà được phủ bởi các miếng vải màn, lâu ngày bị rách, bị tuột ra sau khi đậy.  Có hôm khi ăn gần xong dưới đáy xoong canh, ruồi bị chết lắng xuống có thể xúc được bằng nửa thìa cà phê. Cho đến học kỳ 2 khi nhà trường tổ chức thành bếp chung, và có cơ sở đầy đủ điều kiện, nên vệ sinh mới cải thiện được tình hình. Tuy nhiên cách phục vụ của nhân viên cũng chưa tốt lắm. Một hôm khi lấy nước sôi về uống, chúng tôi thấy nước từ trong vòi ra chỉ hơi ấm, lúc đó có một cô phục vụ mới bổ sung nước vào thùng, một sinh viên hỏi: “Nước hình như chưa sôi hả cô?”. Cô ấy đáp: “Nước bốc hơi là sôi rồi”; Thật là một lý thuyết chỉ có mấy cô nhà bếp mới có. Cánh sinh viên nhìn nhau hết nói.

          Điều kiện học tập tại khu nội trú cũng có một số khó khăn. Điện thường yếu, cứ vào đầu tối đến 10 giờ đêm là đèn tối hơn đèn dầu, nhất là mùa đông; chủ yếu sinh viên nấu nước uống,  các bạn nữ thường phải tắm, rửa, gội đầu nên nấu nước tắm bằng “tàu ngầm” (Nghĩa là dụng cụ nấu là 2 tấm sắt thường là lưỡi dao lam, hoặc miếng sắt tây kẹp trên 2 rãnh của thanh tre nhỏ và nối vào 2 đầu dây ra tạo thành 1 tụ điện). Có lần quá tải làm ở một số cột điện dây nóng đỏ như cây sắt nung trong lò rèn. Hồi đó đèn tuýp không có mà chỉ dùng bóng tròn, nên càng tốn điện. Do vậy buổi tối muốn học thì cách tốt nhất là ôm sách lên hội trường để học. Hội trường ở khu mới điện mạnh lắm, hơn nữa theo thiết kế của Liên Xô một phòng rộng khoảng 40 mét vuông đã có cả chục cái đèn tuýp, cả phòng có ít nhất 2 công tắc, cứ  bật 1 công tắc là nửa số bóng đó sáng rực. Từ xa hàng cây số nếu các phòng học có bật đèn thì sẽ thấy phía Đại học Bách Khoa sáng rực như trong phim nước ngoài
(Hình dáng của tôi những ngày đầu Đại Học)
          Khoa tôi rất ít nữ, nên nữ được coi là “mì chính cánh”. Người ta nói “quỷ Bách khoa, ma Xây dựng” ý muốn nói con gái vào các trường này thì xấu xí vì học khó và khô khan, ít có cô gái xinh đẹp nào học ở đó cả. Nhất là khoa Toán Lý học lại càng khó. Nhưng cũng may các bạn nữ K14 khoa tôi không phải là tuyệt đẹp nhưng cũng không đến nỗi nào. Ai cũng đoan trang, thanh lịch cả. Nay có dịp nhìn lại các ảnh chụp họ thời đó thấy thơ mộng không kém học sinh bây giờ

          Thấm thoắt học kỳ đầu tiên đời sinh viên của tôi cũng qua đi. Tôi về ăn tết tại Lương Sơn Hoà Bình, ba mạ tôi vẫn còn sơ tán ở đó. Giao thừa năm đó buồn vì từ đây không còn nghe thơ tết của Bác Hồ nữa.  Sau nửa năm xa cách tôi lại gặp lại bạn cũ thời học cấp 3; chúng tôi lại đến nhà nhau chúc tết, ăn uống, cứ hết nhà đứa nọ lại đến nhà đứa kia, tuy nhiên vẫn thiếu một vài bạn; có đứa đã đi bộ đội, có đứa đã về quê, hoặc không về Lương Sơn sơ tán nữa.

          Ra tết, về trường cả khoá chúng tôi đi lao động đắp đê sông Cầu một tháng. Sáng mùng 6 tết chúng tôi đi tàu từ ga Hàng Cỏ (sau này đổi tên thành ga Hà nội lúc nào không biết) lên ga Bắc Ninh, đi bộ lên cầu Thị Cầu và rẽ về phía Yên Dũng ở phía thượng nguồn, theo đường đê đi 5 km nữa. Khoa tôi gồm 2 lớp Toán và Lý. Chúng tôi được chia ở rải ra các nhà dân. Ở đây không khí tết vẫn còn nhiều, vì ở nông thôn ăn tết khá dài, các gia đình vẫn còn bánh chưng, bánh ngọt, bánh nướng. Tôi ở vào một nhà mới làm; nhà thì rộng, chủ nhà rất dễ chịu, hoà nhã, nhưng do cột nhà mới làm bằng gỗ xoan ngâm chưa hết mùi, nên cứ vào nhà thì ngửi thấy mùi hôi như đứng trong chuồng lợn, rất khó chịu. Trưởng đoàn (là cán bộ lớp) nói với chúng tôi: “chúng ta phải lưu ý, ở quê họ không đánh răng bằng thuốc và bàn chải, nên buổi sáng đánh răng đừng để bọt rơi vãi,  làm mất lòng chủ nhà”. Thời đấy ở đây họ cũng dùng hố xí 2 ngăn, nhưng ở đây rất nhiều bọ chó. Bọ chó nhảy tí tách khắp nhà đốt nổi đỏ đầy người. Các bạn nữ bị bọ chó  rúc vào những chỗ hiểm, da non đốt càng khổ.

          Dù đã được làm quen với lao động nặng khi còn đi học nơi sơ tán, nhưng công việc đắp đê thật vất vả, cường độ lao động cao. Chúng tôi làm việc 8 giờ một ngày. Con trai thì đào, xúc, đẩy xe cải tiến chở đất, san, đầm. Con gái thì cũng làm  vài việc như vậy nhưng nhẹ hơn. Có lẽ đào xúc là nhẹ hơn cả vì đẩy xe phải lên dốc, đất được lấy từ chỗ xa chân đê đắp bù vào các ta ly của đê. Khi đắp càng lên cao thì phải đưa xe lên dốc càng cao, dù cầm càng hay đẩy xe cũng rất vất vả. Việc đẩy xe còn có thêm lực lượng tham gia đẩy hỗ trợ, được gọi là “hộ dốc”. Hộ dốc rất mệt vì phải đẩy liên tiếp hết xe này đến xe khác. Công việc đầm cũng rất chối, có hai cách đầm, đầm đôi và đầm đơn. Đầm đôi là hai người đứng nâng đầm là khúc gỗ tròn có quai rồi thả xuống. Đầm đơn thì đầm với đầm gang có cán. Cả hai đều phải giơ cao rồi dộng thật mạnh cho đất nén chặt nên tốn sức và đau tay lắm. Vài ngày người ta lại đi kiểm tra độ nén một lần. Họ đóng một khung hình trụ tròn như ống bơ sữa bò không đáy lên một chỗ đất đã đầm, mang chỗ đất nằm trong ống về rang cho khô nước rồi cân, nếu khối lượng không đủ theo số đã biết là không đạt yêu cầu.  Bọn tôi được bổ sung bữa ăn giữa ca 9 giờ sáng,  mỗi người được một bánh rán tương đối ngon và chất lượng. Thời đó được ăn bánh rán là hiếm lắm, chiều cũng được ăn thêm  loại gì đó. Trong thời gian này tự nhiên tôi bị viêm tai giữa. Sau khi làm được vài ngày tôi bị mệt và rất uể oải ngấy sốt cứ tưởng cúm nên xin nghỉ ở nhà (vì cứ sau tết tôi hay bị cúm, và cả sau này cũng vậy). Y sĩ của trường khám và nói tôi bị viêm tai.

          Học kỳ 2 chúng tôi bắt đầu vào học các môn chính thức. Tôi học môn thể dục không đều. Các môn chạy nhảy thì tương  đối khá, nhưng các môn xà phải dùng đến cơ bắp tay thì lại rất kém, vì tay thư sinh yếu ớt, cứ đến tiết học xà tôi rất  vất vả, và lo sợ. Tôi được làm quen các môn toán cao cấp; đại số, giải tích, tiếng Nga, nhưng Hoá lại không học trong suốt các năm đại học. Hồi đó tiếng Nga sao thân thiện vậy, chúng tôi đọc sách chuyên môn bằng tiếng Nga, sách toán chủ yếu bằng tiếng Nga, các phương tiện học tập chủ yếu cũng của Nga, thậm chí say mê hát  các bài hát Nga.  Lúc này chân trời kiến thức rộng mở trước mắt chúng tôi một cách rạng ngời. Đội ngũ thầy giáo giỏi đã tạo cho tôi thấy niềm tin để chinh phục kiến thức mới, và nó đã thể hiện qua kết quả học tập của tôi.

          Năm 1970 tình hình chiến sự tại miền Nam vẫn cứ diễn đều như bình thường. Nhà trường cho sinh viên học tập và làm theo di chúc của Bác. Đặc biệt chúng tôi được dự các diễn đàn nói về con người trí thức vừa Hồng vừa Chuyên. Lãnh đạo nhà trường là bác Phạm Đồng Điện hiệu trưởng, và bác Nguyến Đức Thừa hiệu phó. Bí thư đảng uỷ của trường là bác Bùi Nguyên Cát. Hồi đó lãnh đạo trường có một số bác từ bộ đội chuyển sang.   Bác Cát nguyên là bộ đội của Trung đoàn Thủ Đô. Cả ba bác đều rất bình dân. Phó chủ nhiệm khoa tôi là bác Ngô Tôn Chu trước khi về công tác ở trường là thượng uý quân đội. Hồi đó tôi thấy ít có giáo sư. Các thầy của tôi phần lớn là Phó tiến sĩ, Tiến sĩ,  đứng giảng lý thuyết thường là các thầy có học vị, cũng có một số thầy chưa có học vị nhưng giỏi nên cũng được giảng lý thuyết, còn lại thì chữa bài tập, có thầy hàng chục năm chỉ có chữa bài tập.

          Mỗi khi đi qua phòng nghiên cứu khoa học, tôi thấy bảng tiêu chuẩn các bậc của Phó tiến sỹ, Tiến sỹ. Tôi nhớ Tiến sỹ có đến vài bậc từ thấp đến cao, căn cứ vào số các công trình được công bố, khả năng ngoại ngữ đi kèm, bậc cao nhất là phải biết 2 ngoại ngữ và có thể nói giỏi một ngoại ngữ để giảng bài hoặc trình bày các công trình khoa học trong các hội nghị quốc tế.

           Các thầy của tôi là những người  có danh tiếng trong Bộ như thầy Trưởng khoa: Nguyễn Đình Trí, thầy Nguyễn Văn Đạo (sau này là viện phó Viện KH  Việt nam) phó khoa, thầy Lương Duyên Bình, thầy Thái Thanh Sơn (bạn của ba anh Phan Huy Khánh), thầy Vũ Đình Cự (người làm trưởng nhóm phá bom từ trường ở Hải phòng năm 1972), thầy Dương Thuỳ Vĩ, thầy Đỗ Mạnh Môn, thầy Đỗ Xuân Lôi, thầy Nguyễn Văn Ba…. Hồi đó trong sinh viên có câu “Toán Trí, Lý Bình”, để nói lên hai người thầy giỏi đứng đầu 2 bộ môn Toán Lý. Thầy Tạ Văn Đĩnh sau này là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luân án Tiến Sĩ trong nước. Thầy Đạo nghiêm lắm; trước khi chúng tôi vào học thầy tập hợp cả khoá và tuyên bố rằng nhà trường cấm yêu đương trong khi học, nhất là hai năm đầu. Sau này hàng năm tới ngày sát tết và vào sáng mùng năm tết  là thầy Đạo cử người đi tới từng lớp học điểm danh, ai vắng mặt thì coi chừng (nếu không có lý do). Tiếc thay thầy Đạo đã bị mất do tại nạn giao thông năm 2006, khi tài năng đang sung mãn. Ngày nay các thầy tôi đã ở tuổi bát tuần, hình ảnh các thầy được các bạn ghi lại trên trang web
          Lớp tôi có Tạ Mỹ Giang (đã nhiều lần các thầy bị nhầm tưởng là con gái!) là con trai bác Tạ Mỹ Duật kiến trúc sư trưởng của thành phố Hà Nội, sau này ở các Thành phố lớn  người ta có đặt tên đường mang tên bác ấy. Đà Nẵng ở Quận Sơn Trà cũng có đường mang tên bác ấy. Giang đẹp trai, có chị là Tạ Mỹ Dung học ở K11 Chế Tạo Máy, và sau này Giang cũng đi bộ đội. Nhà Giang ở Nguyễn Chế Nghĩa, một phố bé nhỏ đi từ đường Trần Hưng Đạo sang đường Hàn Thuyên. Giang đã mấy lần đưa chúng tôi đến nhà chơi. Nhà Giang rộng rãi. Giang dẫn chúng tôi vào phòng trưng bày các mô hình lăng Bác đang trong thời gian xem xét chọn lựa. Lăng Bác bây giờ có lẽ là thể hiện của một trong các mô hình đó, vì hồi đó tôi thấy trong nhà Giang có mô hình như lăng thật bây giờ. Nói về lăng Bác, tôi lại nhớ sau khi đã ra quân, tôi thường qua lại đường Đội Cấn, đúng thời điểm lăng Bác đang xây dựng. Người ta rào kín cả một khoảng rộng, tất cả đầu các con đường vào khu vực lăng bấy giờ đều bịt kín, suốt ngày suốt đêm  có bộ đội liên tục làm việc. Hình như bây giờ Giang vẫn ở phố Nguyễn Chế Nghĩa

           Học kỳ 2 của năm học thứ nhất gần qua, Vào cuối tháng 6 chúng tôi bắt đầu ôn thi.  Cứ mỗi môn nhiều thì được 7 ngày để ôn, ít thì chỉ có 4 ngày, toàn bộ thời gian thi mất khoảng 20 ngày, các môn thi mới được nghỉ ôn và chiếm hệ số 1 các môn kiểm tra chiếm hệ số 0,5 và các thầy thường cho kiểm tra viết vào tiết cuối cùng. Thi thường theo cách vấn đáp (trừ thi các môn chính trị) và thầy cho điểm ngay. Sau này tôi còn gặp hình thức thi cho giở tài liệu nữa. Cách thi này thì dễ và cũng khó. Sau khi bốc đề thì, người thi tha hồ giở sách để chuẩn bị, khi lên vấn đáp (lúc dó thì không còn sách nữa), mỗi chữ ghi ra thầy sẽ truy ý nghĩa, từ đục đến khăng, khăng đến lỗ cứ thế rộng ra, anh nào giỏi mới làm tốt được kiểu thi này, còn yếu thì không đến nỗi bị điểm kém, mà cũng không thể học tủ được.  Mỗi sinh viên có một sổ điểm  nộp cho thầy khi thi,  sau vài ngày thầy ghi điểm và  ký vào sổ rồi trả lại. Đầu tháng 8 năm 1970 chúng tôi được nghỉ hè. Kết quả học tập của tôi khá tốt. Một số môn tôi được điểm tuyệt đối như Giải tích, Đại Số, Tiếng Nga. Năm đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký sắc lệnh gọi sinh viên vào phục vụ quân đội. Thế là khoá chúng tôi có một số anh em nhập ngũ
Ông cháu Ng. Thành Sự hôm nay.(do honngv thêm vào)
 (Còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Nặc danh09:44 28/7/13

    Thiéu chữ đã trong tiêu đề ông chủ ơi, chữ đã đắt lắm đấy, bao nhiêu suy nghĩ mới tìm được nó mà ông cắt mất

    Trả lờiXóa