27 thg 5, 2014

Một đối phương quá xấu

Gs Nguyễn Văn Tuấn
Tôi nghĩ trong tất cả các đối thủ của Việt Nam trong quá khứ, China là một kẻ thù xấu xí nhất. Đối với Pháp và Mĩ, đối phó với họ không quá khó khăn vì họ vốn là những nước văn minh, sòng phẳng, quân tử, và tôn trọng những điều lệ và qui ước quốc tế. Nhưng với China thì hoàn toàn khác: từng là một kẻ thù nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh.
Những sự việc xảy ra trong thời gian gần đây càng minh chứng cho điều đó, và cho thấy đối phó với một đối phương như thế trong thế giới văn minh là một điều rất nan giải.

Về tính nham hiểm của China thì không nói ra có lẽ tất cả người Việt đều biết. Họ chọn thời điểm bất lợi nhất của Việt Nam để xâm lấn Việt Nam vào năm 1979. Lợi dụng Việt Nam đang kết thúc chiến tranh, họ xua quân xâm chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Đến lần này, họ chọn thời điểm mà thế giới đang bận tâm đến tình hình bên Ukraina, họ đem giàn khoan đến vùng đặc quyền kinh tế của VN để xâm lấn.
Ngoài biển thì vậy, còn trong đất liền thì chúng ra sức chiếm các hợp đồng xây dựng, cho thương lái vào mua vét nông sản, hải sản của Việt Nam. Họ còn cho công nhân của họ sang Việt Nam dưới danh nghĩa làm việc, nhưng sau đó thì định cư luôn, thành hôn với phụ nữ Việt Nam và sinh con đẻ cái để tạo nên một thế hệ người China mới ở Việt Nam. Chúng ta đã từng chứng kiến, một khi có chính biến, đây là một lực lượng nội địa đáng kể của họ.

 Sự nham hiểm của China dĩ nhiên đều được tính toán cẩn thận. Mặc dù giới trí thức Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng chính quyền không lắng nghe. Đến khi sự việc xảy ra thì đã quá muộn.

 Tính tráo trở của China thì phải nói là quán quân trên thế giới. Họ là những kẻ có thể biến đen thành trắng, và trắng thành đen. Họ cho tàu quân sự núp bóng bán quân sự húc thẳng vào tàu dân sự Việt Nam, thế nhưng họ lên báo chí tuyên bố rằng tàu Việt Nam đâm vào tàu họ! Mặc dù có những video clip chứng minh phát biểu của Việt Nam là đúng với thực tế, nhưng các quan chức China vẫn nói ngược lại! Còn nhớ trong cuộc chiến 1979 China xâm lược và tàn phá các tỉnh biên giới của Việt Nam, vậy mà họ nói đó là chiến tranh tự vệ!

 Thật chưa thấy một chính quyền nào trên thế giới mà tráo trở, trơ mặt như chính phủ China.  Sự trơ tráo và đổi trắng thay đen của họ làm cho cả thế giới phải lắc đầu khinh bỉ.  Nhưng hình như họ chẳng còn biết khinh bỉ có nghĩa là gì.

 Tính tiểu nhân của China thì quá nổi tiếng. Giới quan sát quốc tế xem China là một nước lớn, nhưng chính quyền China là một chính quyền tiểu nhân. Hành động tiểu nhân hiển nhiên nhất là việc cho tàu vào biển Việt Nam để cắt cáp tàu Việt Nam đang thăm dò dầu khí. Cách China cộng đối xử với ngư dân Việt Nam ngoài biển (như húc vào tàu, đập phá, đánh đập ngư dân không có vũ khí trong tay, v.v.) chỉ có thể mô tả là hành động của những tên cướp biển. Thật ra, ngay cả cướp biển cũng không thấp kém và tiểu nhân như các lực lượng kiểm ngư của China.

 Hành động cho tàu đâm vào tàu người khác cũng là việc làm của kẻ tiểu nhân và lưu manh. Trên thế giới, ít thấy lực lượng kiểm ngư của một nước chính thống nào mà dùng tàu đâm vào tàu của người khác! Hành động đó nằm ngoài các qui ước ứng xử có văn hoá (chứ chưa nói đến pháp luật). Nó giống như hành động của một kẻ bắt nạt. 

 Oái ăm một điều là văn hoá Trung Hoa đề cao tính quân tử, nhưng trong thực tế Nhà nước và đảng cộng sản China hành xử rất tiểu nhân, đặc biệt là tiểu nhân với Việt Nam. Tính tiểu nhân làm cho China mãi mãi là một tiểu quốc.

 Tính lưu manh của China đã trở thành nổi tiếng khắp thế giới. Các quan chức China hầu như không có văn hoá trong giao tiếp quốc tế, nên họ dùng những ngôn ngữ không thuộc thế giới văn minh nào cả. Chẳng hạn như trong Hội nghị về An ninh Biển Đông diễn ra ở Washington vừa qua, một học giả Trung Quốc tên là Chu Hạo hỏi một diễn giả Việt Nam rằng có phải do có Mĩ mà đoàn Việt Nam ”mạnh miệng” hay không? Chính phủ Philippines từng cấm cửa một quan chức ngoại giao Trung Quốc không được tham dự vào những đàm phán về vấn đề Biển Đông. Lí do chính phủ Philippines đi đến quyết định mạnh như thế là vì viên quan chức ngoại giao trên tỏ ra quá mất lịch sự. Sau đó, trong một cuộc họp báo ở Hàn Quốc, một viên tướng họ Trần của Trung Quốc dành ra gần 15 phút trong bài diễn văn của mình để... nói xấu Mĩ, làm cho giới báo chí Hàn Quốc và quốc tế ngỡ ngàng trước thái độ hằn học và thiếu ngoại giao của kẻ mang hàm đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội của một nước đông dân nhất thế giới tự xưng mình là trung tâm của vũ trụ!

 Trước cuộc chiến 1979 xảy ra, Đặng Tiểu Bình tuyên bố một cách cực kì vô giáo dục rằng “Việt Nam là một côn đồ,  phải dạy cho Việt Nam bài học”. Thử hỏi, một lãnh tụ cao nhất của chúng mà còn ăn nói như thế, thì chúng ta không thể kì vọng tính văn hoá nào của các quan chức cấp thấp hơn. 

 Tính thô lỗ của các quan chức China hình như mang tính … di truyền. Thử đọc qua những văn bản vua chúa China viết cho vua chúa ta thì sẽ thấy các vua chúa China đều tỏ ra cực kì vô lễ, xấc xược, và hỗn láo với vua chúa Việt Nam, họ dùng những ngôn ngữ rất ư là ngạo mạn, trịch thượng. Những kẻ cầm quyền hiện nay cũng chỉ thừa hưởng cái gien đã có từ thời ông cha của họ trong các triều đình phong kiến. Các quan chức China công khai bàn về cuộc chiến với những lời lẽ [như thường lệ] rất… vô giáo dục. Cái gien kẻ cả, với đặc tính lưu manh vô giáo dục này đã qua cả ngàn năm mà vẫn chưa đột biến.

 Điều trớ trêu là dù China nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh như thế, vậy mà vẫn có không ít người Việt Nam vẫn dựa vào China, thần tượng China và thậm chí thần phục China. Những người này bằng mọi cách và mọi cơ hội sẵn sàng bao biện cho những hành động xâm lược của China. Họ vẫn tin vào “thiện chí” của China, dù người Việt đã đổ máu ở Biển Đông.   

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét rằng Việt Nam thật là không may mắn vì định mệnh địa lí phải ở bên một kẻ hàng xóm xấu tính. Xấu tính là nói nhẹ, phải nói đúng là nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh. Đối phó với một đối phương như thế là một vấn đề nan giải. Trong thế giới văn minh, chúng ta không thể hành xử như họ (như húc vào tàu của họ, hay tỏ thái độ thô lỗ trong hội nghị quốc tế).  Nếu Việt Nam dùng ngôn từ có văn hoá thì kẻ tiểu nhân có thể không hiểu hay không muốn hiểu. Cái khó khăn trong việc đối phó với đối phương là ở chỗ đó. Nhưng càng khó khăn hơn khi ngay trong Việt Nam vẫn còn không ít người sẵn sàng bảo vệ kẻ láng giềng lưu manh đó.

 Những hành động xâm lược mới đây của China là cơ hội để chúng ta tự nhìn lại mình. Định mệnh địa lí chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng chúng ta vẫn có thể chọn tương lai. Chúng ta có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. China là cạm bẫy, là mực đen, không xứng đáng để chúng ta học và theo đuổi. Chúng ta phải dứt khoát thoát khỏi mực đen và chọn con đường ánh sáng.
TB: Bài này tôi viết cho một tờ báo, dự tính đã đăng, nhưng phút cuối cùng có chủ trương mới nên không đăng. Do đó, tôi post lại ở đây để chia sẻ cùng các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét